Thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững qua thiết kế sinh thái Thiết kế sinh thái: Thiếu cơ chế khuyến khích |
Giảm nhựa nắp chai nhờ thiết kế sinh thái
Được đánh giá là một trong những doanh nghiệp tiên phong trong thực hiện kinh tế tuần hoàn, sản xuất và tiêu dùng bền vững, những năm qua, Công ty CP Sản xuất nhựa Duy Tân (Nhựa Duy Tân) đã triển khai nhiều giải pháp mang tính ESG (môi trường, xã hội, quản trị).
Thông qua việc “sản xuất và sử dụng bao bì thân thiện với môi trường” Nhựa Duy Tân đang hợp tác với nhiều đối tác, tập đoàn toàn cầu để đảm bảo bao bì chất lượng quốc tế, thân thiện với môi trường và an toàn cho sức khỏe người dùng.
Một số sản phẩm của Nhựa Duy Tân được áp dụng thiết kế sinh thái. Ảnh: Nhựa Duy Tân cung cấp |
Gần đây, Nhựa Duy Tân đã sản xuất thành công loại chai PCR (nhựa tái chế sau tiêu dùng hay còn gọi là nhựa tái sinh). Đây là loại nhựa được tái chế từ các sản phẩm có chất liệu là HDPE nguyên sinh với quy trình tái chế cơ học được kiểm soát nghiêm ngặt. Trong đó, đầu năm 2023, Vilube là một trong những đối tác chiến lược của Nhựa Duy Tân tiên phong thử nghiệm sử dụng bình nhựa 50% nhựa tái chế trong các sản phẩm bình đựng dầu nhớt của Motul.
Năm 2024, sản lượng sản xuất bình PCR của Nhựa Duy Tân đạt hơn 290 tấn và sẽ tiếp tục tăng trong năm 2025. PCR được triển khai thành công là nỗ lực đáng kể của nhà sản xuất và đối tác khách hàng trong việc tạo ra bao bì bền vững, nhằm tiết kiệm tài nguyên, chi phí sản xuất và giảm thiểu lượng rác nhựa thải ra môi trường.
Một cải tiến nổi bật khác của Nhựa Duy Tân trong năm 2021 là nắp chai nước tương, dầu hào nhãn hiệu Maggi của Tập đoàn Nestlé Việt Nam. Với đề bài: Giảm nhựa trong nắp chai mà vẫn đảm bảo chất lượng và sự tiện dụng cho người tiêu dùng, Nhựa Duy Tân đã triển khai dự án và sản xuất hàng loạt sản phẩm ra thị trường.
Theo đó, sản phẩm nắp được giảm trọng lượng từ 5,3g xuống 2,8g cho mỗi nắp mới, tương đương với mức giảm 2,5g mỗi chiếc. Hệ thống khóa cải tiến góp phần đáng kể vào việc giảm trọng lượng bao bì lên tới 42% đối với nắp nước tương, đến 47% đối với nắp dầu hào.
Khác với nắp thông thường, thiết kế mới còn giúp khách hàng dễ dàng mở đóng, đảm bảo chống rò rỉ nhờ khóa cơ mới thay thế Guarantee (vòng bảo vệ) truyền thống. Sản phẩm cũng đạt độ bền ở nhiệt độ 60°C trong một tuần mà không ảnh hưởng tới cấu trúc bên trong cũng như đáp ứng tiêu chuẩn cao nhất do BRC Global đặt ra cho bao bì và vật liệu đóng gói.
Thiết kế sinh thái giúp giảm khí nhà kính
Còn đối với Nestlé Việt Nam, động lực của việc cải tiến nắp chai nhằm mục đích nâng cao sự tiện lợi cho người dùng. Với thiết kế khóa nắp mới lạ, người dùng chỉ cần mở chai bằng ngón tay cái thay vì trước đây phải dùng cả hai tay để xé vòng Guarantee trên nắp.
Đại diện Nestlé Việt Nam cho biết: Sự đổi mới này còn đóng góp tích cực trong việc hạn chế rác thải, bảo vệ môi trường. So với thiết kế trước, thiết kế khóa cơ mới có trọng lượng nhẹ hơn từ 24 - 48%, sẽ giảm lượng khí thải CO2 tương đương 3,95g CO2 mỗi mảnh, giúp giảm tổng lượng CO2 đáng kể trong toàn bộ chuỗi giá trị.
Thiết kế sinh thái giúp Nestlé giảm nhựa và giảm phát thải carbon. Ảnh: Nhựa Duy Tân cung cấp |
Ngoài ra, cải tiến còn giúp doanh nghiệp giảm sử dụng nguyên liệu thô, giảm tiêu thụ năng lượng trong sản xuất, giảm khí thải và xử lý chất thải ở cuối quá trình vòng đời sản phẩm, từ đó tối ưu và tiết kiệm nguồn tài nguyên trong chuỗi cung ứng.
Trước đó, dự án “giảm nhựa từ quy trình đóng gói chai PET 300ml” giữa Nestlé và Nhựa Duy Tân cũng đã góp phần giảm 36.000 bao nilon, tương đương khoảng 1 tấn nhựa. Hai dự án này chứng minh cho việc đồng hành triển khai các ý tưởng phù hợp với xu hướng mới, đồng thời giúp người tiêu dùng ý thức việc giảm rác thải nhựa ngay từ trong gian bếp.
“Nhờ kinh nghiệm nhiều năm trong thiết kế bao bì và chuyên môn sản xuất, Nhựa Duy Tân đã đáp ứng yêu cầu thiết kế gọn nhẹ, sự tối ưu và hiệu quả khi sử dụng cho sản phẩm. Với quy trình chuyển đổi rõ ràng, vận hành trơn tru, sản phẩm được kiểm tra kỹ lưỡng và nghiêm ngặt để đảm bảo chất lượng không thay đổi. Do đó, các cải tiến mang tới giá trị tiến bộ công nghệ, tính bền vững và nâng tầm trải nghiệm người dùng”, ông Lê Anh - Giám đốc Phát triển bền vững Nhựa Duy Tân - khẳng định.
Ngoài hai đối tác trên, Nhựa Duy Tân còn sản xuất sản phẩm nhựa rPET, rPP như bình nước, hộp mỹ phẩm, chai rửa chén, ống xi lanh… cho các tập đoàn ở nhiều lĩnh vực.
Sắp tới, Duy Tân tiếp tục cung ứng ra thị trường các sản phẩm về tiêu dùng bền vững, áp dụng vật liệu tái chế trong sản xuất, kết hợp sử dụng nguyên liệu sinh học (bio)… Các dự án không chỉ mang tới sự sáng tạo - thân thiện - bền vững với môi trường và nâng cao trải nghiệm cho người tiêu dùng mà còn củng cố năng lực của Nhựa Duy Tân khi là thành viên của SCG Packaging (SCGP) - nhà cung cấp giải pháp bao bì toàn diện hàng đầu ASEAN.
Muốn kinh tế tuần hoàn sản phẩm phải thiết kế sinh thái
Thiết kế sinh thái được coi là công cụ then chốt trong việc thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững, thực hiện kinh tế tuần hoàn.
Thiết kế sinh thái giúp thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững, thực hiện kinh tế tuần hoàn |
Hiện Việt Nam chưa có các quy định, mô hình cụ thể về thiết kế sinh thái, về mặt chính sách, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 cũng đã quy định về nhãn sinh thái trong Điều 145 về sản phẩm, dịch vụ thân thiện với môi trường. Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT quy định chi tiết các điều của Luật Bảo vệ môi trường, trong đó, quy định tiêu chí nhãn sinh thái Việt Nam. Nhãn xanh Việt Nam sử dụng tiêu chuẩn ISO 14024 loại 1 để chứng nhận cho các sản phẩm xanh ở Việt Nam.
Đối với nhãn năng lượng - đây có thể được xem là mô hình thành công nhất trong thực thi Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả do Bộ Công Thương chủ trì, trong đó đã ban hành Chương trình dán nhãn năng lượng cho một số phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng. Trong đó, có 3 loại nhãn năng lượng chính gồm: Nhãn năng lượng xác nhận, Nhãn năng lượng so sánh và Nhãn năng lượng không sao.
Ông Hoàng Thành Vĩnh, cán bộ chương trình phụ trách chất thải và kinh tế tuần hoàn, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) Việt Nam cho biết: Theo kết quả khảo sát của UNDP Việt Nam thực hiện thiết kế sinh thái tại 180 doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực dệt may, bao bì, nhựa, thực phẩm và đồ uống cho thấy, có rất ít đơn vị quan tâm đến khía cạnh phát triển sản phẩm bền vững. Trong số các doanh nghiệp phản hồi, chỉ 16% doanh nghiệp biết đến thuật ngữ “thiết kế sinh thái”.
Liên quan đến giai đoạn thiết kế sản phẩm, 29% chỉ thực hiện gia công sản phẩm (chủ yếu thuộc nhóm ngành dệt may và bao bì), 71% có thực hiện thiết kế sản phẩm. Trong số các doanh nghiệp thực hiện thiết kế, 50% doanh nghiệp có xem xét đến các yếu tố bền vững, môi trường như sử dụng vật liệu tái chế, vật liệu có nguồn gốc tự nhiên, hữu cơ, giảm số lớp hoặc trọng lượng bao bì.
“Điều này cho thấy, nhận thức và nhu cầu để hướng đến thiết kế theo hướng bền vững hơn, thân thiện hơn đang ngày càng gia tăng”- ông Hoàng Thành Vĩnh khẳng định.