Thứ hai 12/05/2025 20:28

Giải thưởng Bảo Sơn lần đầu vinh danh nhà khoa học nước ngoài

Tối 11/5, tại Nhà hát Lớn (Hà Nội) đã diễn ra Lễ trao Giải thưởng Bảo Sơn 2024. Lần đầu tiên, giải được trao cho nhà khoa học là người nước ngoài.

Lễ trao giải có sự tham dự của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng cùng lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các bộ, ban, ngành và các địa phương, tổ chức quốc tế, viện nghiên cứu, trường đại học và nhà khoa học...

Lần đầu trao giải cho nhà khoa học nước ngoài

Giải thưởng Bảo Sơn được thành lập từ năm 2010 bởi Quỹ Hỗ trợ Giáo dục và Đào tạo Bảo Sơn, dưới sự bảo trợ của Tập đoàn Bảo Sơn.

Phát biểu khai mạc lễ trao giải, ông Nguyễn Trường Sơn, Chủ tịch Tập đoàn Bảo Sơn cho biết, mỗi giải thưởng năm nay trị giá 3,1 tỷ đồng (tương đương 120.000 USD).

Chủ tịch Tập đoàn Bảo Sơn Nguyễn Trường Sơn. Ảnh: Thu Hường

Ông Nguyễn Trường Sơn khẳng định, quán triệt tư tưởng chỉ đạo của lãnh đạo Đảng và Nhà nước coi phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo là con đường duy nhất để đưa đất nước phát triển và nâng cao đời sống, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nhân dân, Giải thưởng Bảo Sơn sẽ được duy trì phát triển trong nhiều thế kỷ mai sau.

Ngoài số quỹ đã có từ năm 2010 đến nay, Tập đoàn Bảo Sơn đã góp bổ sung thêm 500 tỷ đồng vào Giải thưởng Bảo Sơn để dùng lãi suất tiết kiệm cho việc chi thưởng. Đồng thời, tập đoàn dành 30% tài sản của mình để bảo trợ cho Giải thưởng Bảo Sơn lâu dài, giá trị của các giải thưởng sẽ tăng dần hàng năm với số tiền tương đương 10.000 USD cho giải mỗi năm.

Như vậy, dự kiến đến cuối thế kỷ 21, giá trị mỗi giải thưởng sẽ nâng lên tương đương 1 triệu USD, nghĩa là kinh phí dành cho giải thưởng hàng năm là 5 triệu USD” - ông Sơn nhấn mạnh.

Giải thưởng Bảo Sơn được trao cho những công trình xuất sắc thuộc 5 lĩnh vực, mỗi lĩnh vực có 1 giải duy nhất gồm: Xóa đói, giảm nghèo; Cải cách giáo dục đào tạo; Khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế, môi trường; Khoa học, sức khỏe, y dược học; Các tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị cao về giáo dục đạo đức nhân cách và có sức lan tỏa.

Với định hướng nâng tầm giải thưởng, từ năm 2024, Quỹ Bảo Sơn phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam thành lập Hội đồng xét chọn gồm các nhà khoa học uy tín trong nước và quốc tế.

Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng tặng hoa cho các thành viên Hội đồng xét giải

Từ tháng 7 đến tháng 12/2024, Hội đồng đã tiếp nhận 28 công trình khoa học - công nghệ. Sau quá trình thẩm định chặt chẽ, nghiêm túc của 6 Hội đồng chuyên môn và Hội đồng chung khảo, 4 công trình xuất sắc, có tính ứng dụng cao và đóng góp thiết thực cho xã hội đã được lựa chọn gồm:

Công trình Nghiên cứu và sản xuất vắc xin dịch tả lợn châu Phi (Tên sản phẩm: AVAC ASF LIVE), lĩnh vực bảo vệ vật nuôi và môi trường do Tiến sỹ Nguyễn Văn Điệp, Công ty CP AVAC Việt Nam thực hiện.

Công trình Nghiên cứu ứng dụng phẫu thuật nội soi trong điều trị một số bệnh lý tuyến giáp, lĩnh vực khoa học sức khỏe, do Anh hùng lao động, Thầy thuốc Nhân dân, Phó giáo sư, Tiến sỹ Trần Ngọc Lương nghiên cứu thực hiện.

Công trình Nghiên cứu và ứng dụng vật liệu và kết cấu compozite ba pha tiên tiến trong kỹ thuật, lĩnh vực công nghệ kỹ thuật, do Giáo sư, Tiến sỹ khoa học Nguyễn Đình Đức, Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội nghiên cứu thực hiện.

Công trình Lịch sử chính sách dân tộc của những người Cộng sản Việt Nam, lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn của Giáo sư, Tiến sỹ Furuta Motoo, Trường Đại học Việt - Nhật, Đại học Quốc gia Hà Nội nghiên cứu thực hiện.

Ông Nguyễn Trường Sơn (trái) và TSKH Phan Xuân Dũng - Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam trao chứng nhận đạt giải cho Tiến sỹ Furuta Motoo

Đây là lần đầu tiên sau 14 năm tổ chức, Giải thưởng Bảo Sơn được trao cho tác giả là người nước ngoài, Giáo sư, Tiến sỹ Furuta Motoo.

Khoa học là động lực chính để đất nước bứt phá

Phát biểu tại lễ trao giải, Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết có ý nghĩa chiến lược, tạo luồng khí mới thúc đẩy phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi quốc gia, phát huy sự sáng tạo của đội ngũ tri thức, các nhà khoa học.

Trong đó, xác định phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia là đột phá quan trọng hàng đầu, động lực chính để phát triển nhanh, hoàn thiện quan hệ sản xuất, đổi mới phương thức quản trị quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội, ngăn chặn nguy cơ tụt hậu và đưa đất nước phát triển đột phá giàu mạnh trong kỷ nguyên mới...

Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại lễ trao giải. Ảnh: Đ.H

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, phải đưa khoa học - công nghệ trở thành lực lượng sản xuất quan trọng tăng giá trị sản phẩm cạnh tranh trên thị trường quốc tế, đóng góp vào tăng trưởng 2 con số của đất nước trong những năm tới.

Phó Thủ tướng đánh giá cao Quỹ Bảo Sơn và Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đã thường niên tổ chức lễ trao giải thưởng cho các công trình tiêu biểu trong suốt 15 năm qua.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, Tổng Bí thư Tô Lâm, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, khẳng định: “Phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đang là yếu tố quyết định sự phát triển của các quốc gia; là điều kiện tiên quyết, thời cơ tốt nhất để nước ta phát triển giàu mạnh, hùng cường trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc".

Phó Thủ tướng tin rằng, các công trình được vinh danh sẽ là nguồn động viên khuyến khích các nhà khoa học nghiên cứu, cống hiến trí tuệ, sức lực cho đất nước.

Phó Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế quan tâm hơn nữa tới phát triển khoa học - công nghệ cũng là gia tăng tiềm lực, sức cạnh tranh, tạo sức bật mới cho phát triển của các doanh nghiệp và đất nước.

Công trình nghiên cứu của Giáo sư, Tiến sỹ Furuta Motoo tập trung làm rõ vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam trong việc xây dựng chính sách dân tộc qua các thời kỳ lịch sử, từ các tổ chức tiền thân (1925 - 1930) đến hiện nay.

Tác phẩm dựa trên nguồn tư liệu phong phú, quý hiếm, đặc biệt nổi bật ở những phân tích khách quan về chính sách với Hoa kiều và người Hoa, một chủ đề nhạy cảm, phức tạp.

Là một học giả ngoài hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa, nghiên cứu của ông mang tính độc lập cao, được đánh giá có giá trị khoa học và sức thuyết phục lớn, đã trở thành nền tảng nghiên cứu chính sách dân tộc của Đảng Cộng sản Việt Nam tại Nhật Bản.

Đặc biệt, công trình đã có ảnh hưởng không nhỏ đến giới khoa học và chính giới Nhật Bản trong cách nhìn thiện cảm với Đảng Cộng sản Việt Nam, góp phần tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác hữu nghị giữa Nhật Bản và Việt Nam.

GS.TS Furuta Motoo hiện nay là Chủ tịch Hội Hữu nghị Nhật - Việt và Chủ tịch Hội Nhật Bản nghiên cứu Việt Nam. Được biết, ông là tác giả cuốn sách “Hồ Chí Minh - Giải phóng dân tộc và Đổi mới” (1996), được đánh giá cao trong giới nghiên cứu Nhật Bản.

Thu Hường