Giải pháp hiệu quả từ tuyên truyền
Tuyên truyền an toàn thực phẩm được thực hiện bằng nhiều hình thức |
Khó kiểm soát
Theo số liệu của Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, từ năm 2010 - 2015, trên cả nước đã có 1.030 vụ ngộ độc thực phẩm; trong đó, 207 người bị tử vong. Có những vụ ngộ độc thực phẩm tập thể lên tới 500 - 600 người gây hoang mang dư luận. Tính riêng trong năm 2018, gần 3.000 người nhập viện vì ngộ độc thực phẩm, 16 người tử vong.
Theo nhận định của Bộ Y tế, tình hình ngộ độc thực phẩm tuy đã có chiều hướng giảm nhưng vẫn diễn biến phức tạp, khó kiểm soát. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng vi phạm ATTP còn những diễn biến phức tạp, bà Phạm Thị Vĩnh Hà - Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) - cho rằng, vẫn còn nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh chạy theo lợi nhuận, không quan tâm đến quyền lợi của người tiêu dùng.
Tình trạng thực phẩm hết hạn hay cận hạn được các đối tượng tẩy xóa, sửa hạn sử dụng tiếp tục diễn ra. Việc sử dụng hóa chất để chế biến thực phẩm không bảo đảm an toàn, dùng kháng sinh cấm, lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y trong trồng trọt, nuôi trồng thủy sản vẫn còn diễn ra, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và niềm tin của người tiêu dùng và sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Đẩy mạnh tuyên truyền
Để kiểm soát ATTP, Chính phủ đã ban hành hệ thống pháp luật về ATTP như: Luật ATTP; NĐ 38/2012/NĐ-CP (nay là NĐ 15/2018/NĐ-CP Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật ATTP); NĐ 178/2013/NĐ-CP (nay là NĐ 115/2018/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính về ATTP); Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương cũng đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật về ATTP.
Tuy nhiên, để Luật đi vào cuộc sống, các chuyên gia cho rằng, tuyên truyền nâng cao nhận thức vẫn được đánh giá là giải pháp hiệu quả nhất. Do vậy, thời gian qua, các cơ quan chức năng đã đẩy mạnh và duy trì thường xuyên công tác truyền thông với những hình thức tuyên truyền đa dạng; chú trọng bảo đảm ATTP trong các dịp lễ, Tết, sự kiện lớn của đất nước.
Là một trong những đơn vị có nhiệm vụ quản lý ATTP, theo ông Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục Quản lý ATTP (Bộ Y tế), thời gian qua, ngành y tế đã triển khai các hoạt động nâng cao năng lực kiểm nghiệm ATTP; xử lý nghiêm và công khai vi phạm về bảo đảm ATTP. Ngành y tế cũng đã mở rộng triển khai thanh tra chuyên ngành ATTP tại một số tỉnh, thành phố trọng điểm; tăng cường công tác hậu kiểm từ trung ương đến địa phương theo định kỳ, sự kiện, chủ đề hoặc đột xuất bảo đảm tính đồng bộ và hiệu quả.
Thời gian tới, Bộ Y tế cùng các đơn vị chức năng tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức về bảo đảm ATTP cho các nhóm đối tượng; tổ chức đào tạo, tập huấn cho cán bộ địa phương về chuyên môn nghiệp vụ quản lý và kiểm soát ATTP; tiếp tục triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện các dịch vụ hành chính công... |