Giải bài toán giá trị gia tăng cho ngành công nghiệp điện tử
Điện tử hiện là ngành có giá trị xuất khẩu lớn nhất trong nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và chiếm khoảng 30% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Đây cũng là ngành có giá trị xuất siêu lớn. Trước năm 2019, ngành điện tử xuất khẩu 21 tỷ USD, dù bị suy giảm dần trong những năm xảy ra Covid-19 và bắt đầu phục hồi lại trong năm 2023. 7 tháng năm 2024, ngành đã quay trở lại xuất siêu tới 8 tỷ USD trên tổng xuất siêu của cả nước là 14 tỷ USD.
Về mặt thị trường, hầu hết các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam đều có dấu ấn của ngành công nghiệp điện tử, trong đó Mỹ và Trung Quốc là hai thị trường có kim ngạch lớn nhất. “Vị thế của ngành công nghiệp điện tử Việt Nam trên bản đồ công nghiệp thế giới rất giá trị. Chúng ta đứng thứ 2 trong top 15 quốc gia xuất khẩu điện thoại di động, đứng thứ 5 trong top 15 quốc gia xuất khẩu nhiều nhất thế giới về máy tính và linh kiện”, bà Đỗ Thị Thúy Hương - Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam cho hay.
Giải bài toán giá trị gia tăng cho ngành công nghiệp điện tử. Ảnh: Cấn Dũng |
Dù có kim ngạch lớn, vị trí cao trong số các quốc gia xuất khẩu sản phẩm điện tử, tuy nhiên doanh nghiệp của Việt Nam chủ yếu tham gia ở phần sản xuất hữu hình (sản xuất, lắp ráp), có giá trị gia tăng không cao. Hai khâu quan trọng và tạo giá trị gia tăng cao nhất là thiết kế, nghiên cứu và phát triển, logictics và hậu mãi sau bán hàng… doanh nghiệp trong nước chưa tham gia nhiều.
Cũng theo đại diện Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam, dòng vốn đầu tư chảy vào lĩnh vực công nghệ cao vẫn tích cực diễn ra trong năm 2024. Trong nước cũng đã hình thành được hệ sinh thái chuỗi cung ứng của ngành điện tử. Dù vậy, việc gia công sản xuất sản phẩm điện tử tại Việt Nam vẫn do các “ông lớn” dẫn đầu. Tính kết nối của doanh nghiệp với các thương hiệu lớn còn lỏng lẻo và luôn rơi vào thế bị động, thiệt thòi trong đàm phán đơn hàng.
Cũng theo bà Hương, ngành điện tử còn đối mặt với nhiều thách thức, như: Công nghệ thay đổi nhanh, vòng đời sản phẩm ngắn và cạnh trạnh quốc tế đặc biệt khốc liệt; nhiều quy định quốc tế mới đang là rào cản cho doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng. Thiếu lao động lành nghề và thách thức phi truyền thống như biến đổi khí hậu hay sản xuất xanh và sạch cũng đang tác động lớn ngành xuất khẩu trọng điểm này của Việt Nam.
Với những thách thức trên, để vượt qua, đồng thời tăng giá trị gia tăng cho ngành, bà Hương cho rằng, cần đầu tư vào doanh nghiệp có tiềm lực lớn để hình thành hệ sinh thái chuỗi cung ứng và mang tính chủ động hơn cho doanh nghiệp Việt.
Vẫn cần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trong nước và hỗ trợ doanh nghiệp nội địa nâng cao năng lực và có những chính sách maketing tầm Chính phủ để tận dụng cơ hội tốt để chuyển đổi chuỗi cung ứng. Tập trung đào tạo nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp điện tử, nhất là ngành công nghiệp bán dẫn. “Tham vọng đào tạo 54.000 nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030 là thách thức lớn. Đây là ngành rất khó, nguồn lực về cơ sở vật chất còn hạn chế, nếu không có chính sách động viên khuyến khích cụ thể thì khó đạt mục tiêu”, bà Hương phân tích.
Công nghiệp điện tử vẫn được xác định là ngành công nghiệp chủ lực của Việt Nam. Năm 2024 cùng với ngành công nghiệp này, chỉ số sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo dự kiến về đích đạt mục tiêu tăng trưởng 7-8%.
Sang năm 2025, để phát triển ngành công nghiệp điện tử, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường các biện pháp bảo vệ thị trường điện - điện tử tiêu dùng nội địa (như thuế phòng vệ, hàng rào kỹ thuật, chống gian lận thương mại, hàng giả và hàng nhâp lậu...).
Hỗ trợ một số doanh nghiệp triển vọng trong ngành điện tử nội địa phát triển thương hiệu. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ hoạt động lắp ráp của Samsung tại Việt Nam; phối hợp với Samsung xây dựng hệ thống nhà cung ứng điện tử nội địa cung cấp cho hoạt động lắp ráp sản phẩm hoàn chỉnh.