Khẳng định vai trò dẫn dắt mới
Bên cạnh khai thác than, công nghiệp chế biến, chế tạo được Quảng Ninh xác định đóng vai trò chủ chốt dẫn dắt tăng trưởng kinh tế. Sau hơn 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-TU ngày 16/11/2020 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển nhanh, bền vững ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030, Quảng Ninh đã có sự phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực này, từng bước khẳng định vai trò động lực trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Khu công nghiệp Sông Khoai có tổng vốn thu hút đầu tư FDI lớn nhất tại tỉnh Quảng Ninh - Ảnh: Long Hà |
Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Ninh trong tháng 9, tình hình kinh tế - xã hội của Quảng Ninh vẫn đạt được những kết quả tích cực. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục thể hiện vai trò dẫn dắt mới trong tăng trưởng kinh tế.
Cụ thể, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của tỉnh 9 tháng năm 2024 tăng 9,25% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, chỉ số sản xuất ngành khai khoáng giảm 5,56%; phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hoà không khí giảm 0,73%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 28,39%.
Theo Nghị quyết số 20-NQ/TU (ngày 27/11/2023) của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh "Về phương hướng, nhiệm vụ năm 2024", Quảng Ninh đã đặt mục tiêu tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng trên 10%, trọng điểm là thu hút vốn FDI ít nhất đạt 3 tỷ USD. Để hoàn thành mục tiêu này, Quảng Ninh đã quyết liệt chỉ đạo triển khai các giải pháp như: Tiếp tục tập trung cải cách hành chính, đa dạng hóa các hình thức xúc tiến đầu tư, chuẩn bị tốt các điều kiện cần thiết, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng… nhằm nắm bắt thời cơ, đón đầu, thu hút làn sóng dịch chuyển vốn FDI.
Quảng Ninh đang là địa điểm đầu tư các dự án lớn của hàng loạt các doanh nghiệp hàng đầu trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Với hàng loạt dự án tầm cỡ của các nhà đầu tư tên tuổi, tiềm năng, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đang đạt được nhiều kết quả tích cực.
Số liệu từ Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh cho thấy, 9 tháng năm 2024, tổng vốn thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trên địa bàn tỉnh ước đạt 1,774 tỷ USD, bằng 59,2% kế hoạch năm (kế hoạch năm đặt mục tiêu thu hút 3 tỷ USD). Trong đó, có 26 dự án đăng ký cấp mới giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, đạt 1,575 tỷ USD; 17 lượt dự án điều chỉnh tăng vốn, đạt 199,4 triệu USD.
Là đơn vị sản xuất sợi polyester, cotton, nylon…, trong năm 2023, Công ty TNHH Khoa học kỹ thuật Texhong Ngân Long tại khu công nghiệp Hải Yên, TP. Móng Cái đã sản xuất đạt 125.000 tấn sợi thành phẩm. Từ đầu năm 2024 đến nay, công ty tiếp tục đi vào sản xuất ổn định, trung bình đạt khoảng 10,4 tấn/tháng. Trong năm 2024, công ty đặt mục tiêu sản xuất tăng từ 5 - 10% so với năm 2023.
Bà Zhou Bo Qin - Tổng Giám đốc Công ty NHH Khoa học kỹ thuật Texhong Ngân Long cho biết, lựa chọn đầu tư tại Khu công nghiệp Hải Yên, công ty đã luôn nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ rất nhiệt tình về mọi mặt từ phía tỉnh Quảng Ninh và TP. Móng Cái. Khi công ty gặp khó khăn đều được nhanh chóng hỗ trợ, tháo gỡ, giải quyết.
"Đây là cơ sở tạo niềm tin cho chúng tôi tiếp tục phát triển dài hạn. Trong năm 2024, để phù hợp với thị trường sản xuất và khách hàng, công ty đã thực hiện thay đổi về máy móc, bố cục sản phẩm. Những thị trường trước đây tập đoàn hay công ty chưa khai thác tới, trong năm nay chúng tôi sẽ đẩy mạnh khai thác để tạo được sự hài lòng, mở rộng về đơn hàng sản xuất. Bắt đầu từ quý IV/2023, công ty đã có lợi nhuận cao, nửa đầu năm 2024 lợi nhuận đã vượt chỉ tiêu công ty đưa ra. Chúng tôi tin tưởng rằng trong năm nay, sản lượng, lợi nhuận của công ty sẽ đạt cao hơn những năm vừa qua", bà Zhou Bo Qin chia sẻ thêm.
Đặt mục tiêu lớn
Để tiếp tục đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo, tỉnh Quảng Ninh đang tập trung đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư hạ tầng, đặc biệt là các dự án hạ tầng giao thông động lực kết nối các khu kinh tế trọng điểm trên địa bàn với các trung tâm kinh tế của miền Bắc, như: Cầu Bến Rừng; đường ven sông kết nối từ cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đến thị xã Đông Triều; hoàn thiện hạ tầng khu kinh tế ven biển Quảng Yên, hạ tầng các khu công nghiệp Sông Khoai, Nam Tiền Phong, Bắc Tiền Phong, Bạch Đằng...
Đồng thời, tỉnh Quảng Ninh đang đẩy mạnh công tác giải phóng mặt bằng và giao đất cho chủ đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, đảm bảo đủ điều kiện thẩm định cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho các dự án. Ngoài ra, Quảng Ninh cũng đang triển khai hiệu quả đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030" và nâng cao chất lượng thẩm định các dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, cùng với cơ sở hạ tầng phục vụ cho hoạt động sản xuất công nghiệp...
Quảng Ninh tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp để sớm đưa ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đóng vai trò chủ chốt dẫn dắt tăng trưởng kinh tế của tỉnh đến năm 2025 - Ảnh: Bình Nguyên |
Việc Quảng Ninh hoàn thành và đưa một số dự án có quy mô đầu tư lớn, mang tính dẫn dắt sự phát triển của cả lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo đi vào hoạt động đã tạo nền tảng quan trọng để Quảng Ninh tiếp tục thu hút các dự án đầu tư lĩnh vực này, từng bước hình thành chuỗi sản xuất đồng bộ, hiện đại, đủ khả năng cạnh tranh quốc tế, nâng cao vị thế của kinh tế Quảng Ninh trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Ông Phạm Duy Thanh - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Quảng Ninh, chia sẻ: "Những kết quả phát triển đột phá của ngành công nghiệp chế, biến chế tạo của tỉnh Quảng Ninh trong thời gian qua có ý nghĩa rất quan trọng đối với kết quả phát triển chung của tỉnh . Sự phát triển của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cũng chính là một trong những yếu tố quan trọng để Quảng Ninh tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa quá trình chuyển dịch mô hình tăng trưởng từ "nâu" sang "xanh".
Tại các phiên họp thường kỳ hàng tháng của UBND tỉnh Quảng Ninh, ông Cao Tường Huy - Chủ tịch UBND tỉnh luôn đề nghị các đơn vị cần bám sát các đề án, kế hoạch, chương trình hành động của tỉnh để tích cực thực hiện hiệu quả các công việc.
Cụ thể, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh yêu cầu các đơn vị liên quan tập trung thực hiện quyết liệt mục tiêu tăng trưởng GRDP năm 2024; đồng thời nhấn mạnh tỉnh Quảng Ninh sẽ không thu hút FDI bằng mọi giá, mà ưu tiên các dự án công nghiệp chế biến, chế tạo công nghệ cao, thân thiện môi trường, suất vốn đầu tư cao, giá trị gia tăng lớn, đóng góp tích cực vào tăng trưởng và thu ngân sách.
Cùng với sự hỗ trợ từ Trung ương và quyết tâm trong chỉ đạo, thực hiện đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp chế biến, chế tạo bên cạnh việc tăng cường đầu tư phát triển, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, đến năm 2025 ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chắc chắn sẽ trở thành trụ cột kinh tế, đóng vai trò chủ chốt dẫn dắt tăng trưởng kinh tế của tỉnh, qua đó sớm đưa Quảng Ninh trở thành địa phương dẫn đầu cả nước về phát triển kinh tế - xã hội.