Thực hiện chủ trương trên, trong những năm qua, ngành Công Thương đã nỗ lực triển khai các nhiệm vụ, đề tài nhằm nâng cao hiệu quả công tác khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Theo đó, bộ đã rà soát, hướng dẫn, hoàn thiện các quy định về quản lý hoạt động khoa học và công nghệ (KH&CN) cấp bộ; chủ động, tích cực phối hợp với các bộ, ngành có liên quan nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung Luật KH&CN cùng các văn bản hướng dẫn nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo đột phá trong giai đoạn tới; từ đó, thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động KH&CN trong các doanh nghiệp. Bộ Công Thương cũng đã tập trung xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn phục vụ công tác quản lý, chất lượng. Đơn cử như năm 2023, Bộ Công Thương đã tổ chức xây dựng, ban hành 12 QCVN trong lĩnh vực kỹ thuật an toàn công nghiệp, thiết bị phòng nổ trong hầm lò và vật liệu nổ công nghiệp, đáp ứng kịp thời yêu cầu quản lý nhà nước của bộ trong quản lý an toàn đối với sản phẩm, hàng hóa nhóm 2. Thực hiện cấp giấy chứng nhận hoạt động cho 24 tổ chức đánh giá sự phù hợp và cấp quyết định chỉ định cho 3 tổ chức. |
Bộ cũng tập trung xây dựng, phát triển, liên kết mạng lưới các tổ chức KH&CN của ngành, lấy các tổ chức KH&CN công lập là trung tâm để kết nối với tổ chức KH&CN thuộc các tập đoàn, tổng công ty, trường đại học thuộc bộ, các tổ chức KH&CN có uy tín trong nước và quốc tế. Đẩy mạnh hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc triển khai công tác KH&CN, đổi mới sáng tạo ở tất cả các lĩnh vực… Có thể nói, các đề án nghiên cứu và đổi mới sáng tạo từ 13 viện nghiên cứu trực thuộc và 9 viện của các tập đoàn/tổng công ty trong ngành luôn cho ra những sản phẩm KH&CN có giá trị cao, ứng dụng hiệu quả trong thực tiễn. Chỉ tính riêng trong giai đoạn 2016 đến nay, trong ngành điện đã có tới trên 45% máy biến áp được sử dụng trong nước; trên 16% công nghệ mới được ứng dụng trong khai thác than và khoáng sản. Hay trong lĩnh vực cơ khí, Viện nghiên cứu cơ khí cho biết đã làm chủ công tác tính toán, thiết kế, tích hợp các hệ thống tự động trong các nhà máy công nghiệp; có đủ năng lực trở thành tổng thầu của nhiều công trình, dự án lớn trong các lĩnh vực như khai thác và chế biến khoáng sản, thuỷ điện, nhiệt điện, năng lượng mới, sản xuất vật liệu xây dựng… Còn Viện Công nghệ thực phẩm hiện đang duy trì bảo tồn gen vi sinh vật với trên 1.500 chủng vi nấm, nấm men, vi khuẩn, plasmid phục vụ sản xuất và phát triển công nghệ; đưa nhiều kết quả nghiên cứu khoa học trong khai thác, tách chiết dầu, hương liệu và các chất có hoạt tính sinh học từ nguyên liệu trong nước vào thực tiễn… Trong lĩnh vực dầu khí, Viện Dầu khí Việt Nam đang tập trung xây dựng hệ sinh thái sáng tạo cho ngành dầu khí Việt Nam, nghiên cứu phát triển các sản phẩm số ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và các công nghệ tiên tiến để tối ưu hóa hoạt động của ngành năng lượng Việt Nam. Tất cả những kết quả trên đã góp phần quan trọng vào tốc độ tăng trưởng kinh tế - xã hội cũng như quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Đơn cử như giai đoạn 2011-2015, tăng trưởng GDP đạt 5,9%, giai đoạn 2016-2019 đạt 6,8%; quy mô nền kinh tế tăng 2,4 lần từ 116 tỷ USD năm 2010 lên 271,2 tỷ USD năm 2020. Tỷ trọng giá trị xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao tăng từ 19% năm 2010 lên 50% năm 2020. Khoa học công nghệ từng bước khẳng định vai trò động lực trong phát triển kinh tế - xã hội. Tiềm lực khoa học công nghệ của đất nước được tăng cường. Hiệu quả hoạt động khoa học công nghệ được nâng lên, tạo chuyển biến tích cực cho hoạt động đổi mới và khởi nghiệp sáng tạo. Trình độ khoa học công nghệ sản xuất được nâng cao, tham gia hiệu quả hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. |
Thực hiện các chủ trương của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết Đại hội XIII, ngành Công Thương đã tích cực, chủ động vào cuộc nhằm góp phần phát triển kinh tế đất nước trong bối cảnh mới. Có thể kể đến Quyết định số 2795/QĐ-BCT ngày 30/10/2023 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về Chiến lược khoa học công nghệ (KHCN) và đổi mới sáng tạo (ĐMST). Trong đó nêu rõ, ưu tiên hoạt động nghiên cứu phát triển, ứng dụng công nghệ mới, hiện đại, số hóa nhằm tạo sự đột phá về trình độ, năng lực sản xuất trong các ngành công nghiệp chủ lực, mũi nhọn, ưu tiên, công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp công nghệ cao. Đặc biệt là hoạt động nghiên cứu ứng dụng, đổi mới công nghệ với chính sách “bắt kịp”, tiến tới “dẫn dắt” về công nghệ đối với các doanh nghiệp sản xuất. Chú trọng hoạt động KHCN và ĐMST phục vụ nhiệm vụ quản lý nhà nước. Chiến lược này cũng một lần nữa khẳng định quan điểm rằng: (1) Khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo là nền tảng quan trọng và khâu đột phá trong chính sách công nghiệp và thương mại để đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh ngành Công Thương; tự chủ về công nghệ công nghiệp, đặc biệt là các công nghệ then chốt; góp phần đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; (2) Hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ngành Công Thương phải được triển khai có trọng tâm, trọng điểm, gắn kết chặt chẽ với định hướng, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực công nghiệp và thương mại nhằm tạo ra những kết quả nghiên cứu thực chất, hiệu quả, có sức lan tỏa mạnh, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển nhanh và bền vững ngành Công Thương. Ưu tiên hoạt động nghiên cứu phát triển, ứng dụng công nghệ mới, hiện đại, số hóa nhằm tạo sự đột phá về trình độ, năng lực sản xuất trong các ngành công nghiệp chủ lực, mũi nhọn, ưu tiên, công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp công nghệ cao. Đặc biệt là hoạt động nghiên cứu ứng dụng, đổi mới công nghệ với chính sách “bắt kịp”, tiến tới “dẫn dắt” về công nghệ đối với các doanh nghiệp sản xuất. Chú trọng hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phục vụ nhiệm vụ quản lý nhà nước. (3) Thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp phát triển năng lực nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ (R&D) của các viện nghiên cứu, trường đại học cùng với việc nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp trong ngành. Thúc đẩy mối quan hệ gắn kết giữa trường đại học, viện nghiên cứu với doanh nghiệp trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ngành Công Thương. Trong đó, doanh nghiệp giữ vai trò trung tâm; viện nghiên cứu và trường đại học là các chủ thể nghiên cứu mạnh; cơ quan quản lý nhà nước thực hiện vai trò định hướng, điều phối, kiến tạo môi trường thuận lợi, thông thoáng, hiệu quả cho hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đẩy mạnh xã hội hóa các nguồn đầu tư cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực từ ngân sách nhà nước và doanh nghiệp, khuyến khích đầu tư của khu vực tư nhân cho hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ngành Công Thương. |
Theo ông Lý Quốc Hùng – Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ (Bộ Công Thương), để KHCN và ĐMST thực sự trở thành động lực, đóng góp vào các mục tiêu phát triển đất nước cũng như của ngành Công Thương, trước tiên, cần có những đổi mới mạnh mẽ về cơ chế, chính sách của Nhà nước trong giai đoạn tới. Trong đó, cần tập trung cho công tác hoàn thiện thể chế mà cụ thể là sửa đổi, bổ sung Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013. Đối với các mục tiêu chiến lược KHCN và ĐMST của ngành Bộ Công Thương cũng đã đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp cho 9 lĩnh vực gắn với công tác quản lý của ngành. Đồng thời đề ra 05 nhóm giải pháp chủ yếu về: Cơ chế, chính sách, hệ thống quản lý KHCN và ĐMST; đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; Đầu tư và tài chính; Hợp tác, hội nhập quốc tế; thông tin, truyền thông, hoạt động tôn vinh. Mặt khác, tiếp tục đổi mới toàn diện hoạt động quản lý, tổ chức triển khai các nhiệm vụ khoa học công nghệ theo hướng công khai, minh bạch, khách quan, đơn giản hóa thủ tục. Thực thi có hiệu quả cơ chế ưu tiên đối với tổ chức, cá nhân chủ trì nhiệm vụ khoa học công nghệ đạt thành tích xuất sắc... Nâng cao năng lực quản trị nhà nước đối với hoạt động KHCN và ĐMST, kiến tạo môi trường thuận lợi, thúc đẩy mối liên kết giữa doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học trong triển khai hoạt động KHCN và ĐMST…. |
Các nhiệm vụ và giải pháp nêu trên được Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chỉ đạo tại Hội nghị khoa học: Phát huy vai trò của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ tái cơ cấu ngành Công Thương vào tháng 5/2024. Trong đó, yêu cầu các viện nghiên cứu, trường đại học và các đơn vị liên quan thuộc bộ tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và chỉ đạo của Ban cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ về phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và việc phát triển các mô hình kinh tế mới. Nâng cao nhận thức, đổi mới mạnh mẽ cả về tư duy và phương thức hành động nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng các hoạt động nghiên cứu, tham mưu xây dựng các cơ chế, chính sách để phát triển ngành trong tình hình mới và tư vấn, chuyển giao công nghệ, góp phần đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu ngành Công Thương theo hướng hiện đại, thúc đẩy tiến trình CNH - HĐH đất nước. Bên cạnh đó, tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ngành Công Thương đến năm 2030 gắn với mục tiêu phát triển ngành công nghiệp nền tảng, trọng điểm, mũi nhọn và công nghiệp công nghệ mới, công nghệ cao (như công nghiệp điện tử, chíp và chất bán dẫn, hạ tầng số, năng lượng sạch, công nghiệp vật liệu mới), góp phần xây dựng, củng cố năng lực sản xuất độc lập và tự chủ của đất nước. Bộ trưởng cũng đề nghị các đơn vị chú trọng xây dựng và phát triển năng lực KH&CN, bảo đảm chất lượng, hiệu quả công tác nghiên cứu, tư vấn, chuyển giao công nghệ, nhất là ứng dụng công nghệ mới của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Tập trung đổi mới mạnh mẽ phương thức hoạt động theo hướng gắn kết chặt chẽ với các tập đoàn, tổng công ty lớn, lấy doanh nghiệp làm trung tâm và là chủ thể sống động của đổi mới sáng tạo. Mọi hoạt động KH&CN phải gắn với sản xuất, bắt nguồn trước hết từ yêu cầu của thực tiễn để có những sản phẩm KH&CN thiết thực, có sức lan tỏa mạnh trong toàn ngành và được ứng dụng nhanh chóng, hiệu quả vào thực tiễn. Đồng thời, tăng cường phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các viện nghiên cứu và các trường đại học với các đơn vị chức năng của bộ trong công tác nghiên cứu, tư vấn chính sách, cung cấp luận cứ khoa học, thực tiễn, phục vụ công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và các định hướng, chính sách phát triển ngành nhằm nâng cao vai trò, đóng góp của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong các hoạt động, lĩnh vực quản lý của bộ. Đồng thời, tiếp tục phát huy tốt vai trò của các đơn vị chức năng thuộc bộ để thực sự là "người cầm lái", định hướng, dẫn dắt, thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong toàn ngành. |
Đình Dũng Đồ họa: Hồng Thịnh |