Cung tăng, cầu giảm
Theo ghi nhận của Báo Công Thương, liên tiếp các vị trí “vàng” trên các tuyến phố nổi tiếng có giá bất động sản đắt đỏ bậc nhất Hà Nội như: Hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Bông, Tràng Thi, Đội Cấn, La Thành... hàng loạt cửa hàng tiếp tục treo biển cho thuê, sang nhượng vì không trụ nổi. Số cửa hàng còn lại, dù vẫn duy trì hoạt động tuy nhiên phần đa rơi vào cảnh ế ẩm, đìu hiu và chỉ để cầm cự.
Chị Hoàng Ngọc Bích, một người kinh doanh quần áo tại phố Hàng Ngang cho biết: “Sau đợt dịch Covid-19 lần thứ nhất lắng dịu, những tưởng hoạt động kinh doanh sẽ trở lại bình thường. Chưa kịp tăng doanh thu trở lại thì đợt dịch lần hai bùng phát khiến gia đình tôi sống dở chết dở. Dù rất muốn tiếp tục kinh doanh ở đây, nhưng tình trạng chung là vắng khách, ế ẩm... nên tôi đành phải trả lại mặt bằng”.
Đặc biệt, dù nhiều chủ nhà treo biển cho thuê cửa hàng, đồng thời khẳng định “miễn trung gian” để có được giá thuê phù hợp nhất với khách hàng do không mất phí môi giới, nhưng nhiều nơi dù treo biển cả mấy tháng ròng vẫn chưa tìm được người thuê.
Hàng loạt cửa hàng tại nhiều vị trí “vàng” trên các tuyến phố nổi tiếng có giá thuê đắt đỏ bậc nhất Hà Nội hiện rơi vào cảnh đìu hiu, vắng khách |
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nhận định:Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 dẫn tới các cửa hàng không thể kinh doanh được, đây là tình trạng chung khi cả nền kinh tế Việt Nam phải đối mặt. Để giải quyết khó khăn chỉ có cách duy nhất là cần sự thích nghi và sáng tạo những cách làm mới.
Theo Tổng cục Thống kê, doanh thu bán lẻ hàng hóa của Hà Nội tăng 9,9% so với cùng kỳ năm trước nhờ nhu cầu tích trữ nhu yếu phẩm gia tăng và thương mại điện tử được đẩy mạnh. Tuy nhiên, doanh số vẫn ở mức thấp do hàng hóa nhập khẩu bị hạn chế cũng như thu nhập và sức mua bị tác động bởi đại dịch.
Dữ liệu mới đây của Savills cho thấy, khoảng 50% doanh nghiệp bán lẻ có mức doanh thu sụt giảm trên 50% trong và sau giai đoạn Covid-19 vừa qua. Theo đó, nguồn cầu bị ảnh hưởng lớn, các công ty và đơn vị bán lẻ không thể tiếp tục mở rộng kế hoạch kinh doanh.
Áp lực về giá thuê đã lắng dịu trong vài tháng gần đây, đặc biệt có sự điều chỉnh hợp lý hơn để có thể hỗ trợ cho doanh nghiệp và các đơn vị bán lẻ. Điển hình, giá mặt bằng bán lẻ tại các khu vực phố cổ trung tâm đã giảm sâu so với trước Covid-19, giá của các vị trí vàng có thể giảm tương đương 30-40% để thu hút khách hàng tiếp tục thuê mặt bằng.
Cơ hội vẫn dành cho thương mại điện tử
Đánh giá về phản ứng của thị trường, ông Lê Tuấn Bình - Trưởng bộ phận cho thuê thương mại Savills Hà Nội - phân tích: “Các chủ nhà sẽ phải nhìn nhận mặt bằng cho thuê của mình đúng theo mặt bằng chung của thị trường theo hai điểm. Thứ nhất là giá thuê, hầu hết các chủ nhà tại phố cổ chưa từng gặp trường hợp phải đi đàm phán giá thuê với khách thuê, họ sẽ là bên lựa chọn khách thuê trả giá cao nhất. Song, hiện các chủ nhà ở phố cổ đang tích cực đưa ra các phương án giá phù hợp hơn với thị trường.
Theo nhận định cửa các chuyên gia, giá thuê mặt bằng tiếp tục có xu hướng giảm và nhường "mảnh đất màu mỡ" cho thương mại điện tử tiếp tục lên ngôi |
Thứ hai là cần có sự linh hoạt hơn về phương án cho thuê, có thể là về mặt bằng cho thuê. Trước đây các chủ nhà cho thuê có rất ít các phương án cho thuê mặt bằng, thế nhưng hiện nay đã có sự linh hoạt hơn khi chia diện tích mặt bằng thành các diện tích nhỏ, để khách thuê có thể lựa chọn. Đồng thời, các điều kiện như thời hạn cho thuê, các điều khoản về điều chỉnh giá thuê đã linh hoạt hơn rất nhiều, tuy bị giảm về doanh thu nhưng sẽ được phục hồi nhanh sau giai đoạn dịch”, ông Bình nói.
Theo dữ liệu từ báo cáo 6 tháng đầu năm 2020 của Savills Việt Nam cho thấy, đại dịch đã định hình lại thị trường cho thuê thương mại với các xu hướng mới tại Hà Nội. Theo bà Đỗ Thị Thu Hằng, Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu và tư Vấn, Savills Hà Nội, đối với thị trường bán lẻ, giá thuê mặt bằng tiếp tục nằm trong xu hướng giảm. Do sự không chắc chắn về diễn biến dịch Covid-19 nên có thể một số dự án mới hoãn thời gian mở cửa. Thị trường đang mở rộng về phía Đông và khu vực phía Tây. Cơ hội tới đây vẫn dành nhiều cho thương mại điện tử.
Nhận định về sự lạc quan của thị trường, bà Hằng cho hay, tăng trưởng mua sắm trực tuyến cùng với hành vi tiêu dùng thay đổi nhanh chóng đòi hỏi các nhà bán lẻ theo hình thức truyền thống và chủ nhà cho thuê mặt bằng cần phải phát triển kế hoạch thu hút khách đến theo các chiến lược sáng tạo hơn. Nghiên cứu doanh thu bán lẻ qua các năm, có thể thấy khi có những tác động lớn như khủng hoảng tài chính toàn cầu hay như Covid-19 chỉ mang tính ngắn hạn, thị trường sẽ dần phục hồi trở lại sau đó.