Giá dầu thô tăng mang lại những “điềm báo” cho châu Á
Các yếu tố đằng sau sự gia tăng của giá dầu thô bao gồm cả đầu tư thấp kéo dài trong sản xuất dầu toàn cầu, sự sụt giảm trong tồn kho toàn cầu và sự gia tăng nhu cầu liên quan đến sự phục hồi kinh tế từ đại dịch Covid-19. Nhưng đáng kể nhất là cuộc xung đột Nga - Ukraine, làm gia tăng sự không chắc chắn về nguồn cung trong bối cảnh thị trường vốn đã thắt chặt.
Tác động kinh tế nói chung là khiêm tốn ở châu Á và Thái Bình Dương nhưng tình hình có thể thay đổi nhanh chóng tùy thuộc vào mức độ và thời gian tăng giá dầu. Giá dầu thô có thể tăng vọt, giống như nhiều giá hàng hóa và tài chính. Ví dụ, vào tháng 6/2008, dầu thô WTI của Mỹ đã vượt 140 USD, tăng từ mức dưới 60 USD vào năm 2007, chỉ giảm trở lại khoảng 40 USD vào cuối năm 2008.
Giá dầu thô đã vượt 80 USD vào tháng 11/2021, cao hơn gấp đôi so với mức giá của một năm trước đó, nhờ sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ ở châu Á và Mỹ. Với những bất ổn địa chính trị toàn cầu và điều kiện nguồn cung thắt chặt, một bước nhảy vọt khác là hoàn toàn có thể xảy ra. Đạt được 200 USD không phải là quá xa vời khi mức cao lịch sử 140 USD của dầu mỏ vào năm 2008 tương đương với hơn 180 USD tính theo đôla hiện tại.
Trong hầu hết những năm 1990, giá dầu vào khoảng 20 USD. Từ năm 2000 đến năm 2007-2008, giá dầu dao động trong khoảng 25-35 USD. Nhưng sau mức cao lịch sử trên 140 USD, giá dầu bị mắc kẹt trong phạm vi cao hơn và rộng hơn (50-100 USD) cho đến năm 2015. Một phạm vi giá rộng hơn có thể trong 5 năm tới, nếu mức chuẩn cao hơn đáng kể - có thể là 180 USD hoặc 200 USD.
Giá dầu thô cao hơn thường gây thiệt hại về mặt kinh tế cho các nhà nhập khẩu dầu ròng, vì chúng tác động đến thu nhập thực tế và ảnh hưởng đến tăng trưởng. Ngoại trừ một số nước xuất khẩu dầu như Brunei, Malaysia và Việt Nam, hầu hết các nền kinh tế trong khu vực đều nhập khẩu dầu ròng. Lạm phát gia tăng là mối lo ngại ngay lập tức đối với các nhà xuất khẩu và nhập khẩu dầu mỏ, mặc dù các tác động tài khóa có thể ít rõ ràng hơn đối với các nhà xuất khẩu dầu. Đối với các nhà nhập khẩu dầu ròng, các tác động cũng sẽ phụ thuộc vào mức độ phụ thuộc vào dầu của họ và mức độ họ đối phó với các hậu quả bất lợi của cán cân thanh toán.
Kinh nghiệm trong quá khứ cho thấy, các quốc gia có nợ lớn và dự trữ ngoại hối ít ỏi có thể phải đối mặt với những điều chỉnh khắc nghiệt hơn những quốc gia khác. Các quốc gia mắc nợ nặng như Pakistan và Sri Lanka đã lao đao vì ảnh hưởng của giá dầu cao. Khả năng tiếp cận thị trường vốn quốc tế hạn chế cũng gây khó khăn cho việc tài trợ cho khoản chênh lệch tức thời trong số dư tài khoản vãng lai, khiến nhu cầu trong nước giảm mạnh.
Trong bối cảnh giá dầu và lãi suất toàn cầu đang tăng, việc duy trì một môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát thấp và cân đối tài khóa thận trọng sẽ là một ưu tiên chính sách ngắn hạn ở châu Á. Chính sách tiền tệ thường là tuyến phòng thủ đầu tiên cho những điều chỉnh ngắn hạn cần thiết. Khi cú sốc chỉ là tạm thời và kỳ vọng lạm phát thấp, cơ quan quản lý tiền tệ có thể đủ khả năng quan tâm hơn đến tăng trưởng và việc làm. Nhưng nếu các phản ứng tiền tệ bị trì hoãn, kỳ vọng lạm phát có thể làm tăng giá và lương trong nước theo vòng xoáy. Điều này đòi hỏi các cơ quan chức năng phải can thiệp dựa trên sự cảnh giác và giám sát thường xuyên trước áp lực lạm phát.
Giữ mức nợ khiêm tốn và gánh nặng trả lãi cũng rất quan trọng trong việc giảm thiểu chi phí của các điều chỉnh kinh tế cần thiết đối với một cú sốc dầu. Nhiều quốc gia đã phải gánh chịu chi phí tài chính đáng kể trong thời kỳ đại dịch thông qua các gói kích thích tài khóa để cải thiện tác động kinh tế bất lợi. Mặc dù điều kiện kinh tế vĩ mô nhìn chung ổn định trong khu vực, các khoản nợ công và nợ nước ngoài cao có thể dẫn đến các điều chỉnh kinh tế đột ngột hơn khi lãi suất cao hơn làm tăng chi phí trả nợ. Các quốc gia cần xem xét lại cấu trúc nợ và hồ sơ trả nợ của mình và thực hiện các bước để cải thiện tính bền vững tài khóa.
Giá dầu cao và biến động trong thời gian dài đòi hỏi các biện pháp thúc đẩy năng lượng bền vững và hiệu quả. Cường độ dầu của một nền kinh tế có thể không thay đổi trong một sớm một chiều nhưng các chính sách giảm dần theo thời gian sẽ giảm thiểu rủi ro giá dầu cao trong tương lai. Giảm cường độ dầu cũng rất quan trọng đối với môi trường. Phát triển cơ sở hạ tầng xanh và thúc đẩy đầu tư xanh có thể tạo ra các cơ hội tăng trưởng mới.
Các chính sách năng lượngcủa châu Á cần đảm bảo quản lý chính sách nhất quán trong một khuôn khổ chính sách rộng lớn hơn để thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng. Các chính phủ trong khu vực phải thực hiện các bước để đảm bảo rằng các lĩnh vực sử dụng nhiều năng lượng chuyển dần khỏi nhiên liệu hóa thạch để hướng tới các nguồn bền vững hơn. Giá dầu cao nên được sử dụng như một cơ hội để đầu tư vào năng lượng xanh, thúc đẩy hiệu quả sử dụng năng lượng và giảm nhu cầu sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Giải pháp duy nhất cho giá dầu cao và biến động là loại bỏ dần sự phụ thuộc của khu vực vào nhiên liệu hóa thạch.