Thứ tư 01/01/2025 22:02

Giá dầu thế giới chạm mốc 100 USD: Thế giới có thể rơi vào khủng hoảng lạm phát

Giá dầu tăng vọt lên gần 100 USD/thùng lần đầu tiên kể từ năm 2014 đang đe doạ giáng một đòn kép vào nền kinh tế thế giới: suy giảm triển vọng tăng trưởng và tăng lạm phát.

Giá dầu tăng là một vấn đề đáng lo ngại đối với các ngân hàng trung ương trên thế giới khi các nước đang tìm mọi cách kiềm chế chỉ số lạm phát vốn đang tăng cao nhất trong nhiều thập kỷ mà vẫn đảm bảo nền kinh tế phục hồi đúng hướng hậu đại dịch. Trong tuần này, các bộ trưởng tài chính của G20 sẽ nhóm họp trực tuyến với chủ đề lạm phát là trung tâm của cuộc thảo luận.

Trong khi các nhà xuất khẩu dầu mỏ được hưởng lợi khi giá dầu tăng cao. Ngân sách của Nga có thể kiếm thêm khoảng 65 tỷ USD doanh thu trong năm nay. Các nhà xuất khẩu dầu mỏ ở các thị trường mới nổi khác ở Trung Đông cũng sẽ được hưởng lợi.

Tuy nhiên, phần còn lại của thế giới lại phải chịu những tác động tiêu cực khi chi phí sản xuất và giá cả hàng hoá sẽ tăng lên, người tiêu dùng buộc phải siết chặt chi tiêu từ thực phẩm, di chuyển hay sưởi ấm,...

Nhiều chuyên gia dự báo, giá dầu thô sẽ tăng từ 70 USD vào cuối năm 2021 lên 100 USD vào cuối tháng 2. Điều này sẽ làm tăng lạm phát khoảng nửa điểm phần trăm ở Mỹ và châu Âu trong nửa cuối năm nay.

Công ty đầu tư tài chính của Mỹ JPMorgan Chase&Co. cảnh báo, nếu giá dầu tăng lên tới 150 USD/thùng sẽ khiến kinh tế thế giới mất đà tăng trưởng và tăng vọt lên hơn 7%, gấp hơn 3 lần so với tỷ lệ mà các nhà hoạch định chính sách nhắm tới.

Giá dầu đã tăng khoảng 50% so với năm trước, giá khí tự nhiên cũng tăng cao hơn. Nguyên nhân được cho là do nhu cầu tiêu dùng của thế giới tăng trở lại sau thời kỳ giãn cách xã hội, căng thẳng địa chính trị giữa Nga và các nước phương Tây đứt gãy chuỗi cung ứng.

Hiện nay, nhiên liệu hoá thạch như dầu, than đá và khí đốt tự nhiên đang cung cấp hơn 80% cho nền kinh tế toàn cầu. Cuộc khủng hoảng năng lượng đang tác động đến chuỗi cung ứng toàn cầu khiến chi phí di chuyển tăng cao và việc chuyên chở nguyên liệu thô cũng như sản phẩm cuối cùng bị trì hoãn.

Vivian Lau - giám đốc điều hành một công ty hậu cần toàn cầu có trụ sở tại Hồng Kông - cho biết, khách hàng của cô đã theo dõi chặt chẽ chi phí nhiên liệu tăng.

Lau - Phó Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Tập đoàn hàng không Pacific Air Holdings - cho biết: “Giá dầu chắc chắn là một mối quan tâm lớn. Giá dầu tăng diễn ra vào thời điểm giá vận tải hàng không vốn đã rất cao”.

Các nhà kinh tế đang bắt đầu đưa ra các kịch bản tăng trưởng kinh tế. Goldman Sachs Group Inc., công ty dự đoán giá dầu sẽ đạt mốc 100 USD trong quý 3, nâng 60 điểm lạm phát trung bình, trong đó, các nền kinh tế mới nổi bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Quỹ Tiền tệ quốc tế gần đây đã nâng dự báo giá tiêu dùng toàn cầu lên mức 3,9% ở các nền kinh tế phát triển, tăng từ 2,3% - 5,9% ở các nước mới nổi và đang phát triển. Mark Zandi - Nhà kinh tế trưởng của Moody’s Analytics ước tính rằng, mỗi mức tăng 10 USD/thùng sẽ làm giảm 0,1 điểm phần trăm tăng trưởng kinh tế năm tiếp theo. Trong khi đó, bà Priyanka Kishore - Chuyên gia kinh tế đến từ Oxford Economics - ước tính rằng, cứ mỗi thùng dầu tăng 10 USD sẽ ăn khoảng 0,2% điểm phần trăm từ tăng trưởng thế giới.

“Giá dầu tăng nhanh có thể làm tăng rủi ro về suy thoái tại một số quốc gia nếu chính sách tài khoá tại các nước này bị thắt chặt”, bà Priyanka Kishore nhận xét.

Trung Quốc - nhà xuất khẩu hàng hóa và nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới - cho đến nay vẫn có mức lạm phát ổn định. Tuy nhiên, nền kinh tế nước này vẫn dễ bị tổn thương vì các nhà sản xuất đang phải đối mặt với chi phí đầu vào cao và lo ngại về tình trạng thiếu năng lượng.

Với áp lực giá ngày càng lớn hơn so với dự kiến ​​trước đó, các ngân hàng trung ương hiện đang ưu tiên chống lạm phát hơn là hỗ trợ cầu. Giá tiêu dùng của Mỹ gây bất ngờ với mức tăng cao nhất trong vòng 4 thập kỷ đã gây ra những cú sốc đối với nền kinh tế. Giới quan sát cho rằng Fed có thể sẽ tăng lãi suất bảy lần trong năm nay, một tốc độ nhanh hơn so với dự kiến ​​trước đó.

Trong tháng này, Ngân hàng Trung ương Anh cũng đã tăng lãi suất vì “sức ép từ giá năng lượng”. Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu Christine Lagarde gần đây cũng cho biết, cơ quan này sẽ “xem xét cẩn thận” các tác động của giá năng lượng đối với nền kinh tế. Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ hôm thứ năm cũng đánh giá giá dầu là một rủi ro đối với nền kinh tế.

Thu Thủy
Bài viết cùng chủ đề: lạm phát

Tin cùng chuyên mục