Thứ bảy 03/05/2025 13:54

Gặp gỡ 'Bâng khuâng Trường Sa' tại thủ đô Paris

Ngày 11/6, bà con kiều bào các nước châu Âu từng có dịp đi thăm Trường Sa đã tổ chức buổi gặp mặt để ôn lại những kỷ niệm về các chuyến thăm biển đảo Việt Nam.

Trong khuôn khổ các hoạt động hướng về Trường Sa ở thủ đô Paris, sau thành công của Hội thảo khoa học với chủ đề: 'Biển Đông và vấn đề chủ quyền của Việt Nam', ngày 11/6, bà con kiều bào các nước châu Âu từng có dịp đi thăm Trường Sa và nhà giàn DK1 đã tổ chức buổi gặp mặt để ôn lại những kỷ niệm của họ về các chuyến thăm biển đảo Việt Nam.

Một tiết mục trong chương trình giao lưu nghệ thuật giữa bà con kiều bào các nước.

Với chủ đề "Bâng khuâng Trường Sa", buổi giao lưu là sáng kiến của Ban liên lạc người Việt tại châu Âu vì biển đảo Việt Nam. Các kiều bào tuy đến từ nhiều nước khác nhau nhưng lại cùng chung tâm trạng xúc động, bồi hồi khi nhắc đến Trường Sa, xem lại những thước phim về vùng biển thân thương này của Tổ quốc và nhắc lại những kỷ niệm của chuyến đi. Nhân dịp này, các câu lạc bộ yêu biển đảo Việt Nam của các nước đã thông báo những hoạt động đã, đang và sẽ làm để ủng hộ quân và dân huyện đảo Trường Sa.

Bà Cao Hồng Vinh, Trưởng Ban liên lạc người Việt tại châu Âu vì biển đảo Việt Nam, cho biết các hoạt động hướng về Trường Sa đợt này bao gồm hội thảo, triển lãm và giao lưu giữa các kiều bào đã từng đi thăm Trường Sa, nhằm mục đích mang tâm tư tình cảm mà họ đã cảm nhận qua các chuyến đi, cũng như hiểu biết thực tế, giới thiệu tới cộng đồng người Việt tại châu Âu và bạn bè quốc tế để họ hiểu hơn, thấy rõ được cuộc sống, sự kiên cường dũng cảm của các chiến sĩ đang làm việc nơi đầu sóng ngọn gió để bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam.

Ông Lã Đức Chung, Việt kiều tại Ba Lan, chia sẻ dù biết Trường Sa từ lâu, nhưng chỉ đến năm 2016 mới được đến vùng biển này và sau khi trở về ông hiểu Trường Sa linh thiêng như thế nào. Và từ đó, ông đã tham gia tất cả các hoạt động hướng về Trường Sa.

Còn bà Bùi Thị Thu Minh, Việt kiều ở Đức, Chủ tịch Câu lạc bộ Trường Sa tại Đức, cho biết bà đã thành lập nhóm này ngay sau chuyến thăm Trường Sa vào năm 2016 và đây cũng là Câu lạc bộ đầu tiên tại châu Âu. Bà tâm sự: "Tôi nghĩ ai đi Trường Sa về đều có cảm xúc như tôi: đi về hàng năm trời vẫn rạo rực mỗi lần nghĩ đến. Mọi người khi chưa đi thì có thể có cách nhìn khác, nhưng đi về rồi ai cũng thấy thêm yêu quê hương, Tổ quốc mình hơn, muốn cống hiến để làm được điều gì đó dù nhỏ bé nhất, góp phần giúp vơi đi sự vất vả hy sinh của quân và dân, những người đã sống trên đảo".

Bà Bùi Thị Thu Minh cũng cho biết chính những chuyến đi đó đã gắn kết những bà con kiều bào các nước lại với nhau, thôi thúc họ cùng chung tay ủng hộ Trường Sa. Việc thành lập Ban liên lạc biển đảo toàn châu Âu cũng là kết quả chuyến đi của nhóm cách đây một năm. Hội thảo khoa học với chủ đề: "Biển Đông và vấn đề chủ quyền của Việt Nam" tổ chức ngày 10/6 tại Paris cũng chính là tâm huyết của toàn Ban liên lạc.

Bà con kiều bào xem lại những thước phim về Trường Sa, vùng biển thân thương của Tổ quốc.

Theo bà, nếu như những người lớn tuổi ở thế hệ của bà thường đi theo hình thức ủng hộ truyền thống như quyên góp tiền giúp đỡ quân và dân đảo Trường Sa, thì các bạn trẻ lại có ý tưởng tổ chức hội thảo. "Điều này rất tuyệt vời vì nó giúp chúng tôi đạt được mục đích là kết nối, lan tỏa, hành động cùng Trường Sa", bà nhận xét và mong muốn sẽ tổ chức diễn đàn này hàng năm ở các nơi để lan tỏa rộng hơn tới bạn bè quốc tế.

Những chuyến đi này còn tạo nên nguồn cảm hứng để nhiều bà con kiều bào tại Pháp viết thành sách đặc biệt là cuốn "Biển đảo quê hương" của ông Nguyễn Thanh Tòng, hay những tác phẩm hội họa, thơ và bài hát về Trường Sa của Tiến sĩ, nhà văn Trần Thu Dung.

Ông Mai Phan Dũng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban người Việt Nam ở nước ngoài, cho biết ủy ban đã tổ chức khoảng 10 đoàn thăm Trường Sa và nhà giàn DK1 với sự tham dự của tổng số khoảng hơn 500 kiều bào đến từ 40 quốc gia. Qua các chuyến thăm, bà con thấy được sự nỗ lực và kết quả cụ thể mà toàn dân, toàn quân ta đã có được trong công cuộc bảo vệ chủ quyền biển đảo; hiểu được những khó khăn, thách thức và qua đó càng ủng hộ hơn chính sách của Đảng và Nhà nước trong công cuộc bảo vệ chủ quyền nói chung và biển đảo nói riêng.

Đồng thời, bà con kiều bào cũng trở thành sứ giả tuyên truyền những chính sách đúng đắn, thành tựu và thách thức trong công cuộc này cho bạn bè quốc tế; giúp họ hiểu hơn cuộc đấu tranh chính nghĩa của Việt Nam; giúp các thế hệ cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài hiểu hơn và có sự gắn kết hơn, yêu quê hương đất nước hơn và ủng hộ nhiều hơn nữa cho sự nghiệp xây dựng Tổ quốc nói chung và chủ quyền biển đảo nói riêng.

Phó Chủ nhiệm Mai Phan Dũng cũng cho biết thực tế, thời gian qua bà con đã đóng góp rất nhiều trong công cuộc xây dựng các công trình trên các đảo, góp phần cải thiện đời sống của chiến sĩ, người dân nơi đầu sóng ngọn gió. Những đóng góp này đã lên tới hàng chục tỷ đồng. Ông Mai Phan Dũng cho biết thêm: "Tới đây chúng tôi tiếp tục tổ chức các chuyến đi như thế này để tăng cường tình đoàn kết giữa người dân trong nước và kiều bào ở xa Tổ quốc, gắn kết tình cảm giữa các kiều bào và tình yêu quê hương của họ".

Giới thiệu khách tham quan những bức ảnh về Trường Sa do bà con kiều bào chụp hình.

Nằm trong khuôn khổ các hoạt động hướng về Trường Sa nhân dịp này, còn có một chương trình giao lưu nghệ thuật giữa bà con kiều bào các nước. Một bộ sưu tập áo dài của nhà thiết kế Ngọc Hân, lấy cảm hứng từ tình yêu biển đảo, cũng được đưa ra trình diễn. Trước đó, triển lãm ảnh và hiện vật về Trường Sa và Hoàng Sa đã được khai mạc tại Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp và sẽ mở cửa đến ngày 17/6. Với 30 bức ảnh do các Việt kiều đã từng đi thăm Trường Sa và nhà giàn DK1 thực hiện, cũng như những hiện vật mà họ sưu tập trong các chuyến đi đã mang lại cho người xem nhiều cảm xúc. Đặc biệt một bức tranh do họa sĩ trẻ Nguyễn Tuấn Đạt vẽ về Trường Sa đã được bán đấu giá. Số tiền thu được trị giá 500 euro đã được tác giả trao tặng Ban tổ chức để ủng hộ Trường Sa.

Theo Báo Tin tức
Bài viết cùng chủ đề: Văn hoá - Giải trí

Tin cùng chuyên mục

Người trẻ hôm nay vẫn thổi bùng 'ngọn lửa', sẵn sàng viết tiếp nên câu chuyện hòa bình

Tháng 5/2025: Nhiều chính sách mới hỗ trợ trẻ em, học sinh

Du lịch hay ‘trốn phố’ về quê: Người Việt chọn gì?

Thời tiết hôm nay 3/5: Bắc Bộ ngày nắng, đêm mưa

Thời tiết biển hôm nay 3/5/2025: Biển Đông có lốc xoáy

Từ lời nhắn ‘thế hệ các cháu đừng có huân chương’ đến hiệu triệu ‘đôi cánh mới’ của Tổng Bí thư

Bộ đội Biên phòng Lai Châu cứu bé gái lạc trong rừng

Chuyển đổi số du lịch nông thôn mới: Tiềm năng còn bỏ ngỏ

Tai nạn giao thông trong 2 ngày lễ đầu tháng 5 giảm cả hai tiêu chí

Từ ngày 1/7/2025, khoảng 1,6 triệu người cao tuổi sẽ nhận trợ cấp hưu trí

Từ tuyến lửa Trường Sơn đến 'xa lộ' logistics - Bài 3: Từ 'mạch máu' thép đến 'huyết quản' số

Thời tiết hôm nay 2/5: Hà Nội đêm mưa, ngày nắng

Thời tiết biển hôm nay 2/5/2025: Hầu hết vùng biển mưa, dông

Về Bảo tàng Lịch sử Quân sự, cùng dòng người ngược dấu xưa

Rộn ràng sắc màu ngày 1/5 trên khắp phố phường Hà Nội

Trải nghiệm mới tại Công viên Thống nhất dịp nghỉ lễ

Số hóa đất đai, quy hoạch: Đòn bẩy đổi mới nông thôn

Công nhân sáng tạo: Nền móng cho phát triển trong kỷ nguyên mới

Từ tuyến lửa Trường Sơn đến 'xa lộ' logistics - Bài 2: Hòa nhịp cùng đất nước

Học giả Nguyễn Đình Đầu: Người tận hiến cho dân tộc và lịch sử nước nhà