

Mùa Xuân năm 1975, khi quân dân cả nước đang ào ạt tiến về giải phóng Sài Gòn trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, thì tại Biển Đông, một trận đánh khác - không kém phần quan trọng - đã diễn ra trong lặng lẽ nhưng quyết liệt: Giải phóng các đảo chiến lược thuộc quần đảo Trường Sa. Quyết định mở Chiến dịch Trường Sa xuất phát từ nhận định sáng suốt và kịp thời của Quân ủy Trung ương và Đại tướng Võ Nguyên Giáp - người khi đó nhấn mạnh: "Biển và đại dương sẽ là nguồn tài nguyên chủ yếu của nhân loại kể từ thế kỷ 21". Câu nói ấy không chỉ thể hiện tầm nhìn xa trông rộng về địa chiến lược, mà còn chính là lời hiệu triệu hành động khẩn cấp - nếu không giành lại các đảo đang do quân đội Việt Nam Cộng hòa đóng giữ, nguy cơ rơi vào tay nước ngoài là rất lớn. |
Từ sau ngày 2/4/1975, khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ thị “phải tổ chức đánh chiếm ngay Trường Sa, thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng”, chiến dịch tác chiến biển bắt đầu. Lực lượng chủ công là Đội 1 Trung đoàn đặc công 126 (Hải quân) cùng các đơn vị đặc công nước, bộ binh, pháo binh và tàu vận tải Đoàn 125. Đoàn công tác mang mật danh C75 do Trung tá Mai Năng - người sau này được tuyên dương Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân chỉ huy. Họ lên đường từ Đà Nẵng với ba tàu cải trang thành tàu cá, mang trong mình trọng trách đặc biệt: Đánh chiếm các đảo chiến lược đang bị chiếm giữ. |
![]() |
Ngày 14/4/1975, đảo Song Tử Tây - điểm đầu của chiến dịch được giải phóng chỉ sau 30 phút chiến đấu. Quân địch bị bắt sống gần như toàn bộ. Đây là bước đột phá, là bàn đạp để mở rộng ra toàn bộ quần đảo. Trong những ngày tiếp theo, từng đảo lần lượt được giải phóng: Sơn Ca, Nam Yết, Sinh Tồn, Trường Sa, bằng các đòn đánh thần tốc, bí mật, sáng tạo và dứt khoát. Đặc biệt, lực lượng đặc công và vận tải biển đã vượt qua vô vàn thách thức: Từ địa hình xa đất liền, tình trạng thiếu vũ khí hiện đại, đến nguy cơ va chạm với các tàu chiến nước ngoài, kể cả Hạm đội 7 của Mỹ đang lăm le gần đó. |
Chiến dịch kết thúc thắng lợi vào ngày 29/4/1975, chỉ một ngày trước khi Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng. Toàn bộ các đảo do Việt Nam Cộng hòa chiếm giữ trong quần đảo Trường Sa đã trở lại với đất Mẹ Việt Nam. Lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng tung bay giữa Biển Đông là biểu tượng của chủ quyền thiêng liêng, không thể tranh cãi. |
Giải phóng Trường Sa không đơn thuần là một chiến thắng quân sự. Đó là một hành động có tính chiến lược về chủ quyền lãnh thổ, pháp lý quốc tế và an ninh biển đảo dài hạn. Từ thời điểm đó đến nay, sự hiện diện liên tục, đầy đủ và có tổ chức của lực lượng Hải quân Nhân dân Việt Nam trên các đảo là bằng chứng xác đáng cho quyền làm chủ của Việt Nam tại Trường Sa - một trong những vùng biển đảo có vị trí địa chính trị và địa kinh tế quan trọng nhất khu vực. Ngay từ năm 1975, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đã xác định: Giữ vững Trường Sa là giữ vững cánh cửa phía Nam của Tổ quốc. Trong bối cảnh các quốc gia xung quanh cũng đang thể hiện tham vọng chủ quyền tại Biển Đông, việc ta chủ động chiếm lĩnh, quản lý và bảo vệ Trường Sa đã kịp thời chặn đứng mọi âm mưu chiếm đoạt. |
Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng cảnh báo: “Nếu chậm, để nước ngoài chiếm trước thì tình hình sẽ rất phức tạp”. Và thực tế, ngày 29/4/1975, chỉ vài giờ sau khi ta giành toàn bộ Trường Sa, một số tàu nước ngoài đã tiến vào khu vực đảo. Nhưng khi thấy lá cờ của Quân Giải phóng phấp phới trên các đảo, họ lặng lẽ rút lui. Có thể nói, đây là một chiến thắng có tính “phòng ngừa chiến lược”, mà đến nay vẫn còn nguyên giá trị. |
Tròn 50 năm sau ngày giải phóng, Trường Sa đã vươn mình từ vùng đất hoang sơ, thiếu thốn trở thành trung tâm kết hợp kinh tế - quốc phòng giữa đại dương. Từ các công trình quân sự như nhà chỉ huy, trận địa radar, hải đăng, sân bay, đến các công trình dân sinh như trường học, nhà khách, nhà tưởng niệm Bác Hồ, chùa Trường Sa, hệ thống năng lượng sạch… đã hình thành trên khắp các đảo. Những biểu tượng văn hóa tinh thần như lá cờ Tổ quốc bằng gốm sứ, Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đài tưởng niệm liệt sĩ đã tạo nên điểm tựa tinh thần cho hàng vạn chiến sĩ ngày đêm bám trụ giữa biển khơi. Hải quân Nhân dân Việt Nam tiếp tục là lực lượng nòng cốt, không chỉ bảo vệ chủ quyền mà còn là chỗ dựa cho ngư dân vươn khơi bám biển. Các chương trình như “Hải quân làm điểm tựa cho ngư dân” hay “Nhận đỡ đầu con em ngư dân” là minh chứng cho sự kết hợp hài hòa giữa an ninh quốc phòng và phát triển dân sinh. Trong tình hình thế giới, khu vực đang tiếp tục có những biến động phức tạp, Trường Sa không chỉ là một địa danh – mà là một tiền đồn sống còn, cần được tiếp tục đầu tư chiều sâu về hạ tầng, nhân lực, công nghệ và năng lượng sạch. Việc thực hiện Nghị quyết số 36 và số 09 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế biển và xây dựng tỉnh Khánh Hòa trở thành trung tâm kinh tế - quốc phòng biển là định hướng lớn, trong đó Trường Sa là mũi nhọn then chốt. |
Chiến thắng Trường Sa năm 1975 là minh chứng hùng hồn cho sự kết hợp chặt chẽ giữa tư duy chiến lược cấp cao, tinh thần “quyết thắng” của Bộ đội Cụ Hồ và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Trong chiến dịch ấy, mỗi chiến sĩ là một ngọn sóng, vươn ra khơi xa, đập tan âm mưu xâm chiếm, giữ vững từng tấc đảo, hòn đá của quê hương. Phát huy truyền thống ấy, các thế hệ hôm nay không chỉ giữ gìn di sản, mà còn tiếp tục kiến tạo tương lai cho Trường Sa – vùng đảo không chỉ của chiến sĩ, mà là của cả dân tộc. |
Thu Hường Đồ họa: Hồng Thịnh |