FTA Index: Cánh cửa mới mở ra cho doanh nghiệp Việt Nam
Việc tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) như CPTPP, EVFTA, UKVFTA đã mang lại nhiều cơ hội cho Việt Nam trong việc phát triển kinh tế, đa dạng hoá thị trường xuất nhập khẩu và thu hút đầu tư. Tuy nhiên, việc thực thi và tận dụng các FTA chưa đồng đều giữa các địa phương, đòi hỏi phải có giải pháp mạnh mẽ từ các cơ quan quản lý trung ương và địa phương. Từ năm 2022, Bộ Công Thương đã triển khai xây dựng Bộ chỉ số FTA (FTA Index), hiện đang hoàn thiện và dự kiến công bố sớm, với mục tiêu trình báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ.
Phóng viên Báo Công Thương đã có buổi trao đổi với ông Nguyễn Minh Khôi, Viện Tony Blair vì sự thay đổi toàn cầu (TBI) để làm rõ vấn đề về tính khoa học, pháp lý và dự báo những hàm ý chính sách sau khi có kết quả công bố FTA Index sẽ có ý nghĩa như thế nào.
Ông Nguyễn Minh Khôi, Viện Tony Blair vì sự thay đổi toàn cầu (TBI) |
Ông đánh giá thế nào về tình hình thực thi các FTA này của Việt Nam trong thời gian qua, đặc biệt từ góc độ nội luật hóa chính sách và những giải pháp của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương trong công tác hỗ trợ tận dụng các FTA?
Chính phủ và các cơ quan chức năng đang nỗ lực cải thiện việc thực hiện các FTA để mang lại lợi ích cho người dân và doanh nghiệp. Việt Nam không chỉ là một trong những nền kinh tế ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do mà còn có độ mở nền kinh tế rất lớn, với tỷ lệ xuất nhập khẩu trên GDP cao. Hai yếu tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam là cải cách thể chế và hội nhập quốc tế.
Trong thời gian qua, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã cải thiện đáng kể việc thực hiện các FTA, nhằm tối đa hóa lợi ích từ các hiệp định này cho doanh nghiệp và người dân. Đặc biệt, mức độ tận dụng các FTA của Việt Nam đã tăng từ 33% vào năm 2023 lên hơn 37% vào năm 2024, phản ánh sự tiến bộ trong việc thực thi các hiệp định thương mại tự do.
Về nội luật hóa, hệ thống pháp luật của Việt Nam có sự khác biệt so với các nước như Anh hay Mỹ, nơi hiệp định tự động có hiệu lực sau khi ký kết. Tại Việt Nam, sau khi ký kết FTA, cần có sự phê chuẩn của Quốc hội và Chính phủ, cùng các nghị định hướng dẫn thi hành. Việt Nam đã thực hiện rất nghiêm túc và hiệu quả việc nội luật hóa các hiệp định này.
Có hai nguyên nhân chính cho sự thành công này: Thứ nhất, là cam kết mạnh mẽ của Việt Nam đối với cộng đồng quốc tế, nâng cao uy tín là đối tác đáng tin cậy. Thứ hai, Chính phủ và các địa phương nhận thức rõ ràng, việc nội luật hóa nhanh chóng sẽ giúp tăng hiệu quả và mang lại lợi ích sâu rộng hơn cho doanh nghiệp và người dân.
Ông đánh giá như thế nào về tính khoa học và pháp lý của Bộ chỉ số FTA Index cũng như là công tác xây dựng và triển khai bộ chỉ số này?
Việc xây dựng Bộ chỉ số FTA thể hiện cam kết chủ động và tích cực của Việt Nam trong việc thực hiện các cam kết pháp lý đối với quốc tế. Quá trình này đã tham vấn nhiều chuyên gia trong và ngoài nước để đảm bảo tính chính xác và hiệu quả.
Về mặt pháp lý, Chính phủ đã thực hiện đúng quy định, có sự phê chuẩn của Quốc hội và tuân thủ các yêu cầu của pháp luật trong nước. Điều này cũng thể hiện cam kết của Việt Nam đối với các hiệp định quốc tế, bao gồm cả hỗ trợ kỹ thuật cho các nước đang phát triển như Việt Nam để thực hiện nội luật hóa.
Về mặt khoa học, Bộ Công Thương đã mời các chuyên gia quốc tế, trong đó có Viện Tony Blair, tham vấn trong việc xây dựng phương pháp luận và bảng hỏi. Quy trình triển khai bao gồm hai giai đoạn: thử nghiệm và triển khai toàn bộ, giúp đánh giá hiệu quả của bảng hỏi và đảm bảo tính khả thi khi thu thập thông tin từ các địa phương và doanh nghiệp.
Quy trình này cũng đã tính đến sự đa dạng của các vùng và địa phương, tránh sự thiên lệch khi so sánh các khu vực có quy mô và đặc thù khác nhau. Những yếu tố này đảm bảo chỉ số FTA phản ánh chính xác mức độ thực hiện các hiệp định thương mại tự do trên toàn quốc.
Ông nhận định thế nào về phương pháp tiếp cận và những nội dung, tiêu chí đánh giá của Bộ chỉ số FTA Index? Ông có thể chia sẻ thêm về kinh nghiệm triển khai và ý nghĩa của những bộ chỉ số tương tự như này trên thế giới?
Việc xây dựng chỉ số FTA Index là một bước đi mới và khác biệt so với kinh nghiệm quốc tế. Đây là một sáng kiến tích cực, thể hiện sự đổi mới trong công tác thương mại của Việt Nam. Mặc dù thiếu kinh nghiệm quốc tế trực tiếp để áp dụng, điều này cũng phản ánh lợi thế, vì chúng ta đang tiên phong và có tầm nhìn sáng tạo.
Thực tế, hiện tại các quốc gia và khối thương mại lớn như Liên minh Châu Âu hay Bắc Mỹ chưa có một chỉ số thống nhất tương tự như FDI Index. Điều này tạo ra cả khó khăn lẫn cơ hội. Mặc dù thiếu sự tham khảo từ các quốc gia khác, nhưng đây cũng là dịp để Việt Nam chủ động phát triển một chỉ số FTA Index mang tính sáng tạo và chủ động, theo dõi và hoàn thiện theo thời gian.
Một số kinh nghiệm quốc tế gần nhất có thể chia sẻ bao gồm chỉ số tận dụng các điều khoản ưu đãi trong các hiệp định thương mại tự do. Đây là chỉ số được nhiều quốc gia sử dụng để đánh giá mức độ sử dụng các ưu đãi thuế quan từ các hiệp định thương mại. Liên minh châu Âu, đi xa hơn, không chỉ đánh giá các ưu đãi thuế mà còn tính đến các yếu tố kỹ thuật và môi trường.
Thêm nữa, OECD cũng đã xây dựng một chỉ số từ năm 2011 để đánh giá mức độ thuận lợi hóa thương mại, dựa trên 12 chỉ số khác nhau. Tuy nhiên, chỉ số này chỉ đánh giá ở cấp quốc gia, không như FTA Index của Việt Nam, dự kiến sẽ đánh giá cụ thể ở cấp địa phương và tỉnh.
Tóm lại, việc xây dựng và phát triển FTA Index cho Việt Nam là một sự đổi mới rất đáng hoan nghênh. Mặc dù thiếu kinh nghiệm quốc tế, Việt Nam sẽ dần hoàn thiện bộ chỉ số này, từ đó tạo ra bức tranh tổng thể giúp thuận lợi hóa thương mại và hỗ trợ doanh nghiệp trong các địa phương, thúc đẩy sự phát triển kinh tế.
Hội nhập sâu và mở rộng các cam kết FTA chắc chắn sẽ tác động tới việc triển khai và duy trì bộ chỉ số cũng như là công tác thực thi các FTA tại Việt Nam. Ông có khuyến nghị như thế nào tới các chủ thể của công tác thực thi các FTA tại Việt Nam?
Bộ chỉ số FTA Index sẽ tạo ra một bức tranh toàn diện, giúp các địa phương nhìn nhận rõ vị thế và nỗ lực của mình trong việc tận dụng các hiệp định thương mại tự do (FTA). Qua đó, nó không chỉ tăng cường tính cạnh tranh lành mạnh giữa các tỉnh mà còn thúc đẩy các địa phương cải thiện các yếu tố mạnh và khắc phục những yếu điểm.
Để triển khai hiệu quả bộ chỉ số này, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các tỉnh và Trung ương, các cơ quan bộ, ngành, cũng như các chính sách của trung ương. Những cam kết và ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do cần được chuyển ngay lập tức thành lợi ích thực tế cho doanh nghiệp và các địa phương. Các tỉnh có thể học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm, chẳng hạn như tỉnh A mạnh về năng lực sản xuất, tỉnh B giỏi trong việc truyền thông và cung cấp thông tin, từ đó cải thiện năng lực cạnh tranh chung.
Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cần chú trọng lắng nghe và hiểu rõ khó khăn của doanh nghiệp trong quá trình triển khai chỉ số. Những thông tin thiếu sót về các ưu đãi từ FTA có thể là tín hiệu cho chính quyền địa phương cung cấp thêm thông tin cho doanh nghiệp, giúp họ tiếp cận tốt hơn và từ đó, cải thiện kết quả cuối cùng cho địa phương.
Một yếu tố quan trọng nữa là ứng dụng khoa học và công nghệ, đặc biệt là chuyển đổi số, trong việc minh họa các kết quả của bộ chỉ số. Việc sử dụng các công cụ chuyển đổi số sẽ giúp các doanh nghiệp, chính quyền địa phương, và các nhà hoạch định chính sách dễ dàng theo dõi và đánh giá kết quả. Bộ Công Thương đã xây dựng một cổng thông tin về các hiệp định thương mại tự do, và nếu kết nối kết quả của bộ chỉ số với cổng thông tin này, sẽ tạo ra một nền tảng đa dạng, giúp doanh nghiệp tiếp cận thông tin, tìm hiểu về ưu đãi, và nâng cao hiệu quả triển khai các FTA.
Xin cảm ơn ông!