Đó là đánh giá của ông Nguyễn Văn Hợp - Chủ tịch HĐTV EVNSPC - về kết quả làm việc của EVNSPC với các đoàn ĐBQH địa phương vừa qua. Ông Hợp cho biết, từ đầu năm đến nay, nhu cầu tiêu thụ điện năng ở khu vực miền Nam ngày một tăng cao. Tuy nhiên ngành điện đã có nhiều phương án thích hợp và cung cấp đủ điện, không điều hòa tiết giảm phụ tải để phục vụ cho các hoạt động chính trị, sản xuất kinh doanh, sinh hoạt trên địa bàn. Trong 9 tháng đầu năm 2019, sản lượng điện thương phẩm của EVNSPC là 54,062 tỷ kWh, tăng 9,94% so với cùng kỳ năm 2018. Toàn ngành tiết kiệm được 1,066 tỷ kWh, đạt 1,98% sản lượng điện thương phẩm. Tổng công suất năng lượng mặt trời áp mái khách hàng là 134.465 kWp, đạt 141% so với kế hoạch cả năm. Hiện có 7.358 khách hàng đã được lắp đặt công tơ 2 chiều; sản lượng phát lên lưới đến tháng 9/2019 là 24.943.181 kWh. Tính đến ngày 30/9/2019, đã thanh toán tiền điện mặt trời cho khách hàng với sản lượng là 17.098.361 kWh, số tiền 38,56 tỷ đồng.
PC Bà Rịa - Vũng Tàu cam kết giải tỏa những bức xúc của cử tri về điện |
Báo cáo với đoàn ĐBQH, Giám đốc Công ty Điện lực Đồng Tháp (PC Đồng Tháp) - ông Phạm Hữu Khải - cho biết, qua các buổi tiếp xúc cử tri của đoàn ĐBQH trước Kỳ họp lần thứ 8 - Quốc hội khoá XIV, công ty ghi nhận một số ý kiến liên quan đến lĩnh vực điện và đã giải quyết trên tinh thần “thấu tình đạt lý” của các cử tri. Ông Phạm Văn Hòa - Phó Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp - cho rằng, điện là nhu cầu không thể thiếu và bức thiết của người dân, vì thế những nỗi niềm bức xúc của cử tri đối với những trường hợp bất thường xảy ra là điều dễ hiểu. Ông Hòa nêu, giá điện hiện nay được tính là 6 bậc nhưng theo phản ánh của nhiều cử tri là chỉ nên thực hiện ở 4 bậc. Rất nhiều hộ dân nghèo ở vùng xa hiện nay chỉ dùng dăm bảy chục kWh điện/tháng, mặc dù diện hộ nghèo được nhà nước hỗ trợ miễn tiền điện 50 kWh/tháng, vì thế chỉ nên áp dụng bậc thang từ 1-100 kWh để hỗ trợ thêm cho người dân nghèo, sau bậc thang thứ nhất tính giá dịch vụ, ai dùng thêm thì trả tiền.
Theo ông Hoà, mặc dù người dân Đồng Tháp hầu hết đã có điện sử dụng, nhưng không ít hộ đang phải câu nối điện từ các hộ có công tơ. Việc câu móc điện không chỉ làm tăng tổn thất điện năng mà còn thiếu an toàn và nhiều khi bị trả giá cao. Ông Hòa đề nghị PC Đồng Tháp sớm thực thi những dự án kéo điện lưới quốc gia phục vụ người dân để không còn tình trạng câu nối điện kéo dài.
Điện mặt trời áp mái ở vùng hải đảo |
Đại diện PC Long An cho biết, trong thời gian qua, một số kiến nghị của cử tri liên quan đến lĩnh vực điện đã được giải đáp cụ thể. Chẳng hạn, cử tri đề nghị sớm đầu tư hạ thế đoạn Cả Sậy và đoạn Cả He thuộc ấp Cả Sậy, xã Vĩnh Đại, huyện Tân Hưng. Đối với việc cấp điện cho khu vực trên, ngành điện đã đề xuất và đăng ký danh mục đầu tư cấp điện khu vực trên vào Dự án Cấp điện nông thôn theo QĐ số 1740/QĐ-TTg - Dự án 1740 (dự án 2081 trước đây) với khối lượng đầu tư khoảng 0,5 km đường dây trung thế; 1,2 km đường dây hạ thế; 25 kVA dung lượng máy biến áp; với tổng mức đầu tư khoảng 480 triệu đồng. Do vậy, để sớm triển khai đầu tư công trình, PC Long An đề nghị Sở Công Thương, UBND huyện Tân Hưng tham mưu UBND tỉnh có báo cáo Bộ Công Thương cho phép tách công trình trên ra khỏi Dự án 1740 để PC Long An có cơ sở triển khai đầu tư trong năm 2020.
Theo ông Lê Thanh Hùng - Giám đốc PC Vĩnh Long - sản lượng điện thương phẩm 9 tháng đầu năm 2019 đạt 781 triệu kWh, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2018; năm nay điện sử dụng trên địa bàn Vĩnh Long cao nhất trong 10 năm gần đây. Để đảm bảo nguồn điện, PC Vĩnh Long đã đầu tư 397 tỷ đồng triển khai 4 công trình lưới điện 110kV và 22 công trình lưới điện phân phối 22kV; ngoài ra còn phát triển gắn điện kế mới 5.924 khách hàng tại các xã nông thôn mới; đầu tư xóa hộ câu phụ hơn 1.000 hộ.
Còn ông Lưu Thành Công - Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long - đánh giá, cử tri tỉnh nhà khá hài lòng với việc cung cấp điện đủ, liên tục của ngành điện. Tuy nhiên, ông Lưu Thành Công yêu cầu PC Vĩnh Long cần tuyên truyền Luật Điện lực cho nhân dân biết để phòng tránh tai nạn do điện, tăng cường đảm bảo an toàn lưới điện trong mùa mưa. Đặc biệt, hiện nay còn một số HTX điện thu giá điện chênh lệch rất cao so với giá quy định của Chính phủ, ngành điện cần có phương án tiếp nhận lại các HTX điện, để đảm bảo tính công bằng trong giá điện đối với khách hàng.
Giám đốc PC Bà Rịa - Vũng Tàu - ông Nguyễn Văn Giáp - thông tin, về đầu tư xây dựng và sửa chữa lớn, năm 2019 vốn EVNSPC giao là 60,2 tỷ đồng để thực hiện sửa chữa 18 công trình, trong đó có 12 công trình sửa chữa lưới điện, 1 công trình công xa và 5 công trình sửa chữa nguồn điện. Về đầu tư xây dựng, EVNSPC sẽ tiếp tục bố trí 943,5 tỷ đồng để đầu tư trên địa bàn tỉnh. Ngành điện đến nay đã cải tạo xây dựng mới lưới điện cấp điện ổn định cho các khu nhà trọ thị xã Phú Mỹ. Công trình có tổng mức đầu tư là 14,9 tỷ đồng; cải tạo xây dựng mới lưới điện cấp điện ổn định cho các khu nhà trọ 2 thành phố và 4 huyện trên địa bàn tỉnh, tổng mức đầu tư là 14,5 tỷ đồng. Năm 2019, ngành điện dự kiến thực hiện xóa 3.485 hộ câu phụ, giá trị là 11,31 tỷ đồng; đầu tư 14,9 tỷ đồng để cấp điện cho 968ha nuôi tôm công nghiệp ở khu vực huyện Xuyên Mộc, huyện Đất Đỏ.
Ông Dương Minh Tuấn - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu - đánh giá cao nỗ lực và những đóng góp của ngành điện đối với quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Để có nguồn điện ổn định phục vụ cho nhu cầu kinh tế - xã hội, ông Tuấn đề nghị PC Bà Rại - Vũng Tàu tiếp tục đầu tư hệ thống hạ tầng lưới điện, nhất là các vùng lõm, nhiều hộ dân đang phải dùng điện câu phụ, đặc biệt là ở huyện Côn Đảo.
Trong thời gian tới, ông Tuấn đề nghị ngành điện cần tiếp tục ứng dụng các công nghệ mới để giảm thiểu thời gian mất điện do bảo dưỡng sửa chữa; áp dụng công nghệ thông tin trong khâu dịch vụ khách hàng, đào tạo đội ngũ cán bộ công nhân viên ngày càng chuyên nghiệp để mang lại nhiều sự tiện ích cho khách hàng.
Đối với địa bàn Côn Đảo, ngoài việc đầu tư thêm nguồn (máy phát) cho huyện Côn Đảo thì việc đầu tư nguồn năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện gió để thúc đẩy kinh tế du lịch vốn đang tăng trưởng rất mạnh tại đây và góp phần giảm thiểu ô nhiểm môi trường cho Côn Đảo.
Công nhân ngành điện có mặt ở những vùng sâu vùng xa miền Tây Nam bộ |
Làm việc với Đoàn ĐBQH, Giám đốc PC Tây Ninh - ông Nguyễn Tấn Hùng - cho rằng, Tây Ninh là địa phương đứng đầu nhóm ở miền Nam có mức tiêu thụ điện năng lớn. Năm 2019, sản lượng điện thương phẩm kế hoạch được EVNSPC giao thực hiện 3.900 triệu kWh; nhưng 9 tháng đầu năm đã đạt 3.008,6 triệu kWh, tăng 21,76% so cùng kỳ. Theo ông Hùng, PC Tây Ninh rất quan tâm và thường xuyên đăng ký tham gia các buổi tiếp xúc cử tri, kịp thời cung cấp thông tin và giải đáp các ý kiến có liên quan đến ngành điện. Đồng thời, ghi nhận những ý kiến đóng góp của cử tri để không ngừng hoàn thiện, nâng cao chất lượng phục vụ ngày càng tốt hơn. Đơn cử, 9 tháng đầu năm 2019, các điện lực đã kịp thời tiếp nhận, giải quyết 11 kiến nghị trong các cuộc tiếp xúc cử tri.
Để nâng cao hiệu quả tuyên truyền, vận động thanh toán tiền điện qua các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt, ông Hùng đề xuất với Đoàn ĐBQH trong quá trình tiếp xúc cử tri, đại biểu tiếp tục hỗ trợ thông tin thêm cho người dân sử dụng điện hiểu rõ về chủ trương; hỗ trợ tuyên truyền, vận động người dân, đặc biệt là những người hưởng lương từ ngân sách. Các đại biểu Quốc hội tiếp tục hỗ trợ thông tin thêm cho người dân hiểu rõ về Chương trình quốc gia về Quản lý nhu cầu điện (DSM), Chương trình điều chỉnh phụ tải điện (DR) và phát triển nguồn điện mặt trời.
Tại buổi làm việc với Đoàn ĐBQH, Phó Giám đốc PC Sóc Trăng - ông Võ Văn Tư - đã thông tin chi tiết về tình hình sản xuất kinh doanh, triển khai các dự án điện trên địa bàn và gửi các kiến nghị đến Đoàn ĐBQH nhiều kiến nghị của ngành. Bà Hồ Thị Cẩm Đào, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Sóc Trăng đánh giá, PC Sóc Trăng đã quan tâm phát triển đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp và đưa vào sử dụng nhiều dự án lưới điện, đặc biệt là thực hiện dự án xóa hộ câu phụ, đã cấp điện cho 1.800 hộ dân trong năm 2019. Công tác vận động, tuyên truyền tiết kiệm điện được ngành điện thực hiện bằng nhiều hình thức đã có tác động tích cực đến ý thức sử dụng điện an toàn, tiết kiệm và hiệu quả trong nhân dân.
Đối với các dự án trọng điểm cấp điện cho nông thôn giai đoạn 2016 - 2020, bà Đào đề nghị PC Sóc Trăng tiếp tục kiến nghị với EVN sớm bố trí nguồn vốn để thực hiện các dự án chất lượng và đúng tiến độ, nhằm cung ứng đủ điện, đặc biệt đối với vùng nông thôn.