EVNNPT đẩy mạnh giải pháp đảm bảo điện mùa khô năm 2024
Nhu cầu điện tăng cao
Ông Phạm Lê Phú - Tổng giám đốc Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia (EVNNPT) cho biết, theo tính toán của Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia, dự kiến mức tăng trưởng phụ tải đỉnh năm 2024 so với năm 2023 tăng từ 8% đến 12%, đối với tăng trưởng phụ tải miền Bắc dự báo cao nhất đến 15% cao nhất cả nước trong khi các nguồn điện không được bổ sung nhiều là một thách thức rất lớn trong công tác đảm bảo vận hành lưới điện truyền tải, đặc biệt là lưới điện truyền tải Trung – Bắc cấp điện cho miền Bắc trong cao điểm mùa hè năm 2024.
Để đảm bảo năng lực truyền tải cung đoạn Trung – Bắc từ Đà Nẵng-Vũng Áng - Hà Tĩnh - Nghi Sơn - Nho Quan, trong công tác quản lý vận hành, EVNNPT đã triển khai nhiều giải pháp với tiến độ hoàn thành trước 30/4/2024 như: chỉ đạo các đơn vị lập và thực hiện phương án ngăn ngừa, giảm sự cố, cho từng đường dây, từng trạm biến áp; đảm bảo hoàn thành khối lượng thí nghiệm định kỳ thiết bị năm 2024; vệ sinh, bảo dưỡng, xử lý khiếm khuyết thiết bị trạm và đường dây trong các đợt cắt điện nhằm ngăn ngừa phát nhiệt, sự cố; đẩy nhanh thực hiện kế hoạch năm 2024; lắp đặt tăng cường lèo để tăng khả năng tải; hoán đổi, đảo chuyển dao cách ly, thay thế bộ phận dẫn dòng, thay thế dao cách ly các trạm biến áp 500kV liên kết Trung – Bắc để đảm bảo vận hành khi truyền tải cao; thiết lập mạch sa thải phụ tải theo tính toán của Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia; lắp đặt tụ bù ngang để đảm bảo vận hành điện áp lưới điện miền Bắc; tăng cường kiểm tra thiết bị, tăng cường ứng trực tại trạm biến áp và trên đường dây trong thời điểm truyền tải cao.
Ngoài ra, EVNNPT cũng đang nghiên cứu áp dụng một số ứng dụng khoa học công nghệ như ứng dụng hệ thống giám sát nhiệt độ để giám sát nhiệt độ mối nối, nhiệt độ các thiết bị tại trạm biến áp; ứng dụng UAV, trí tuệ nhân tạo phân tích hình ảnh kiểm tra thiết bị đường dây.
Theo kế hoạch cung ứng điện trong các tháng cao điểm mùa khô năm 2024 từ tháng 4 đến tháng 7,tổng điện năng sản xuất của các nhà máy điện (tại đầu cực máy phát) và nhập khẩu của toàn quốc vào mùa khô là 148,489 tỷ kWh. Trong các tháng cao điểm mùa khô, sản lượng điện vào khoảng 109,183 tỷ kWh.
Tính toán hồi đầu năm của EVNNPC cho thấy, năm 2024, phụ tải nhu cầu tiêu thụ điện có thể đạt khoảng 17.200 - 18.000 MW, tương ứng với tăng trưởng 8,7 - 13,7% so với năm 2023. Trong khi đó, năm 2024, miền Bắc không có nguồn điện lớn nào được bổ sung, ngoài 152,8 MW thuỷ điện nhỏ được hoàn thiện trong quý I và II/2024.
Sở dĩ nhu cầu điện tại miền Bắc tăng cao là do nhiều địa phương đẩy mạnh thu hút đầu tư vào sản xuất công nghiệp kéo theo tăng trưởng điện cao, thậm chí có tỉnh vượt 2 con số. Đơn cử như năm 2023, tăng trưởng điện của Nghệ An (10,1%), Hà Tĩnh (19,1%), Hà Nam (16%), Bắc Giang (9,7%).
Công nhân điện kiểm tra kỹ thuật tại trạm biến áp |
Tăng cường các giải pháp
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương, EVN với tinh thần không để thiếu điện, EVNNPT đã xây dựng và triển khai kế hoạch cung cấp điện mùa khô và cả năm 2024 với mục tiêu đảm bảo vận hành an toàn, liên tục, ổn định hệ thống truyền tải điện đảm bảo cung cấp điện cho phát triển kinh tế, xã hội, sinh hoạt của nhân dân trong các tháng mùa khô và cả năm 2024
Theo đó, các đơn vị phải thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin về thời tiết, cảnh báo cháy rừng; Tổ chức kiểm tra toàn bộ các khu vực có nguy cơ xảy ra cháy trong và gần hành lang tuyến đường dây 220kV, 500kV, khu vực gần các Trạm biến áp. Lập phương án xử lý, loại bỏ nguy cơ, không để xảy ra sự cố do cháy trong và gần hành lang an toàn đường dây truyền tải; rà soát, bổ sung các phương án phối hợp phòng cháy, chữa cháy rừng, nương rẫy tại các khu vực gần đường dây truyền tải điện. Đặc biệt lưu ý đến vấn đề an toàn điện khi chữa cháy gần đường dây 220kV, 500kV . Kiểm tra, lắp đặt đầy đủ các biển báo hiệu, báo cấm theo quy định; nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ công nhân viên trong công tác quản lý vận hành lưới điện truyền tải.
Phối hợp chặt chẽ với chính quyền, công an, quân đội các địa phương tổ chức phòng ngừa và xử lý các hành vi vi phạm quy định về bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp theo quy định của pháp luật.
Tăng cường các biện pháp tuyên truyền bằng nhiều hình thức , vận động các tổ chức, cá nhân ký cam kết nghiêm chỉnh chấp hành các quy định về phòng cháy, chữa cháy, phòng, chống cháy rừng; Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Kiểm lâm, các Công ty Lâm nghiệp, Lâm trường và các chủ rừng tại các địa phương để tuyên truyền, chấp hành và thực hiện tốt các quy định về bảo vệ hành lang an toàn lưới truyền tải điện không để xảy ra sự cố lưới điện do cháy rừng. Chủ động thông tin giữa đơn vị truyền tải điện và người dân địa phương, chính quyền và các đơn vị, ban ngành liên quan về các vụ cháy rừng có nguy cơ ảnh hưởng đến đường dây truyền tải điện 220kV, 500kV.
Kiểm tra hệ thống thông tin liên lạc thường xuyên đảm bảo hệ thống được thông suốt để kịp thời phục vụ công tác khắc phục sự cố, công tác thông tin với các lực lượng chức năng khi có tình huống bất thường xẩy ra gây ảnh hưởng đến an toàn Hệ thống truyền tải điện. Các đơn vị chuẩn bị nhân lực, phương tiện, vật tư, thiết bị để sẵn sàng phối hợp hỗ trợ với nhau khi có sự cố xảy ra.
Theo báo cáo của EVNNPT, trong tháng 1/2024, tại miền Bắc, hệ thống lưới điện 500 kV có 04/34 đường dây vận hành tải cao trên 80% và mức cảnh báo từ 90% - 100% tải định mức; 12/26 MBA 500kV vận hành tải cao trên 80% và mức cảnh báo từ 90% - 100% tải định mức. Đối với lưới điện 220kV có 22/191 đường dây thường xuyên vận hành tải cao trên 80% và mức cảnh báo từ 90% - 100% tải định mức; 5 đường dây vận hành chế độ khẩn cấp từ 100% đến 110% định mức; 41/141 MBA thường xuyên vận hành tải cao trên 80% và cảnh báo từ 90% - 100%; 12 MBA vận hành chế độ khẩn cấp từ 100% đến 110% định mức; 3 MBA vận hành chế độ cực kỳ khẩn cấp trên 110% định mức. |