EVN và UBND tỉnh Hoà Bình: Tháo gỡ khó khăn để thi công trở lại nhà máy Thuỷ điện Hoà Bình mở rộng
Chiều 27/9 tại tỉnh Hòa Bình, lãnh đạo Tỉnh ủy Hòa Bình và lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã có cuộc họp trao đổi, thống nhất tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để thi công trở lại Nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng.
Cuộc họp giữa Lãnh đạo EVN và UBND tỉnh Hoà Bình |
Lãnh đạo EVN cho biết, dự án Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng có công suất 480MW với tổng mức đầu tư 9.220 tỷ đồng. Dự án được khởi công vào ngày 10/1/2021, đến nay đã cơ bản hoàn thành bàn giao mặt bằng đối với phạm vi mặt bằng công trình chính (78,91ha). Tuy nhiên, một số hạng mục công việc còn tồn tại, vướng mắc về mặt bằng chưa được xử lý dứt điểm như: phạm vi mặt bằng đường Lê Đại Hành; mặt bằng Xưởng đóng tàu tại vị trí xây dựng mới; mặt bằng đường dây 500kV, 220kV đấu nối…
Trong quá trình thi công, do ảnh hưởng của các đợn mưa kéo dài vào tháng 6/2021, đã xảy ra sạt trượt tại khu vực hố móng do ảnh hưởng của các đợt mưa kéo dài. Trước tình trạng này, EVN đã báo cáo Chính phủ, Bộ Công Thương và các bộ/ngành liên quan đồng thời chỉ đạo các nhà thầu tạm dừng thi công tất cả các hạng mục công trình để tập trung xử lý khối sạt.
Trên cơ sở Báo cáo đánh giá tổng thể dự án của EVN và ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, cũng như các đợt kiểm tra thực tế, Bộ Công Thương đã có văn bản số 5338/BCT-ATMT ngày 8/9/2022 cho phép thi công trở lại Dự án Nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng. Trong đó yêu cầu: Trong quá trình tổ chức thi công, yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam bảo đảm tuyệt đối an toàn cho Nhà máy Thủy điện Hòa Bình, nhất là đập thủy điện Hòa Bình, an toàn tuyệt đối với tượng đài Bác Hồ và các công trình hiện hữu. Tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật về đầu tư, thi công xây dựng công trình và các quy định pháp luật liên quan.
Thuỷ điện Hoà Bình hiện hữu |
Đại diện EVN cho biết, việc tạm dừng thi công sau khi xảy ra khối sạt có ảnh hưởng lớn đến tiến độ dự án. Dự kiến, dự án sẽ phát điện muộn 1 năm so với kế hoạch ban đầu (chuyển từ năm 2024 sang năm 2025).
Bên cạnh đó, thời gian dừng thi công khoảng 10 tháng, nên giấy phép nổ mìn của nhà thầu thi công đào đá đã hết hạn, cần trình hồ sơ xin gia hạn nổ mìn; phương án vận chuyển đất đá thải ra bãi thải dốc Cun cũng chỉ được Sở Giao thông Vận tải thỏa thuận trong thời hạn 1 năm nên cần trình thỏa thuận lại; giá nhiên liệu, xi măng, sắt thép, thuốc nổ, cát, đá…
Tại cuộc họp, ông Nguyễn Phi Long, Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình khẳng định, Nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng là công trình trọng điểm, vừa góp phần đảm bảo an ninh năng lượng của đất nước, vừa góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
Chính vì vậy, Tỉnh ủy sẽ chỉ đạo các sở, ban, ngành phối hợp chặt chẽ với các đơn vị của EVN để giải quyết nhanh chóng, kịp thời các khó khăn, vướng mắc của dự án.
Cũng tại buổi làm việc, hai bên đều nhấn mạnh và đồng thuận về việc thi công trở lại dự án Nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng phải đảm bảo tuyệt đối an toàn cho công trình thủy điện Hòa Bình hiện hữu, các công trình xung quanh và đảm bảo an toàn lao động. Cùng với đó, thực hiện tốt công tác đảm bảo môi trường trong quá trình thi công.
Mục tiêu xây dựng thuỷ điện Hoà Bình mở rộng nhằm tăng cường công suất phủ đỉnh cho hệ thống điện quốc gia, tạo điều kiện khai thác tối đa nguồn nước xả thừa nước hàng năm vào mùa lũ của nhà máy thủy điện Hòa Bình hiện hữu để phát điện; nâng cao khả năng điều tần, ổn định tần số của hệ thống điện quốc gia; góp phần giảm chi phí hệ thống điện quốc gia; giảm bớt cường độ làm việc của các tổ máy hiện hữu, qua đó kéo dài tuổi thọ của thiết bị, tiết kiệm chi phí bảo dưỡng và sửa chữa. Công trình có 2 tổ máy với công suất lắp máy là 480 MW. Điện lượng trung bình hàng năm 479 triệu kWh/năm (mùa lũ) và tăng khả năng huy động điện năng giờ cao điểm của nhà máy điện Hòa Bình hiện hữu vào mùa khô khoảng 264,4 triệu kWh/năm. |