Mục tiêu đầy tham vọng
Mới đây, kênh thông tấn Associated Press (AP) của Mỹ đã có bài viết đánh giá cao tiềm năng điện mặt trời của Việt Nam. Theo đó, AP đưa ra nhận định Việt Nam đang đi đúng hướng khi tập trung phát triển các trang trại năng lượng mặt trời quy mô lớn và giảm dần sự phụ thuộc vào than đá và khí đốt tự nhiên. Đây là bước tiến quan trọng trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang phát triển nhanh.
![]() |
Phát triển điện mặt trời được coi là một bước tiến quan trọng trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ. Ảnh minh họa: baochinhphu.vn |
Theo AP, mục tiêu khai thác 16% năng lượng từ mặt trời vào năm 2030 của Việt Nam là rất tham vọng, cao hơn gấp 3 lần so với mục tiêu trước đó là 5%. Để đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng, AP dự đoán Việt Nam sẽ cần hơn 211Gwh điện vào năm 2030, vượt qua cả tổng công suất hiện tại nước Đức.
Ông Giles Cooper, chuyên gia năng lượng tại Công ty luật quốc tế Allens cho biết, nếu Việt Nam chỉ dựa vào các dự án khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) thì sẽ không đủ để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ điện năng vào năm 2030. Ông cũng nhấn mạnh rằng Việt Nam cần nâng cấp lưới điện để theo kịp sự phát triển của năng lượng sạch.
Ông Cooper đặc biệt đánh giá cao quyết định cho phép các nhà máy và cơ sở sản xuất mua điện trực tiếp từ các nhà sản xuất năng lượng. Điều này sẽ hỗ trợ các tập đoàn lớn đạt mục tiêu về ứng phó biến đổi khí hậu, đồng thời giảm nhu cầu xây dựng các cơ sở sản xuất điện gần các nhà máy.
Thách thức và cơ hội trong phát triển năng lượng mặt trời
Tiến sĩ Margareth Sembiring từ Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore) cho rằng, tiềm năng phát triển điện mặt trời của Việt Nam đến từ điều kiện tự nhiên thuận lợi. Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ hiệu quả và phù hợp với chương trình nghị sự khí hậu toàn cầu từ Chính phủ Việt Nam cũng đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển năng lượng mặt trời của nước ta.
Theo tiến sĩ Sembiring, Việt Nam cũng đã xây dựng một khung chính sách rõ ràng, tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo, đồng thời thể hiện cam kết mạnh mẽ trong việc giảm phát thải carbon. Chính nhờ vậy, Việt Nam đã trở thành quốc gia đi đầu trong khu vực Đông Nam Á về phát triển năng lượng tái tạo quy mô lớn, thu hút nhiều khoản đầu tư vào điện mặt trời và điện gió.
Tuy nhiên, để duy trì đà phát triển, tiến sĩ Sembiring cho rằng, Việt Nam cần sự cam kết mạnh mẽ từ Chính phủ, sự phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan liên quan, và hỗ trợ về tài chính, kỹ thuật để vượt qua các rào cản hiện tại. Đồng thời, Việt Nam cũng cần coi an ninh năng lượng trọng tâm chính cho sự phát triển các ngành công nghiệp, vì sự quan tâm đến năng lượng tái tạo có thể thay đổi theo thời gian, phụ thuộc vào tiến bộ công nghệ và nhu cầu năng lượng.
Bên cạnh đó, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng đóng vai trò to lớn cho sự phát triển của điện mặt trời trong tương lai. Bằng cách mạnh mẽ theo đuổi quá trình chuyển đổi xanh và sự không ngừng đầu tư vào kỹ thuật, tiến sĩ Sembiring tin rằng ngành điện Việt Nam có thể vượt qua các rào cản và thách thức trên con đường phát triển điện mặt trời trong tương lai.
Tiến sĩ Margareth Sembiring nhận định: "Kinh nghiệm của Việt Nam cho thấy quá trình chuyển đổi sang năng lượng carbon thấp ở mỗi quốc gia sẽ có những đặc thù riêng, phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên, nhu cầu năng lượng và chiến lược phát triển kinh tế. Việt Nam cũng đã chứng minh rằng, với sự quyết tâm và chiến lược đúng đắn, các quốc gia đang phát triển hoàn toàn có thể trở thành những hình mẫu trong việc phát triển năng lượng sạch và bền vững". |