Đừng để du lịch nội địa lâm cảnh "lấy đá ghè chân mình"
Theo các doanh nghiệp lữ hành, giá vé máy bay nội địa thường chiếm từ 20 - 30% cơ cấu giá tour trọn gói. Vì vậy, việc giá vé máy bay tăng mạnh, nhất là mới đây giá trần vé máy bay được điều chỉnh tăng buộc các công ty lữ hành phải điều chỉnh tăng giá tour nội địa 10 - 20%.
Thực tế này đang làm cho sức hút của thị trường du lịch nội địa có nguy cơ sụt giảm mạnh trước mùa cao điểm sắp tới, khi nhiều người dân đã tính toán chọn tour nước ngoài thay vì tour trong nước.
Đơn cử, thời điểm tháng 3,4 chặng bay TP. Hồ Chí Minh – Hà Nội giá vé khứ hồi khoảng 4,5 – 6 triệu đồng/người trong khi giá tour tầm 3,5 – 4 triệu đồng/người lịch trình 4 ngày. Như vậy, tổng chi phí tour, gồm cả vé máy bay sẽ rơi từ 7-10 triệu đồng/người. Với mức giá này, du khách sẽ ưu tiên chọn đi du lịch nước ngoài như Thái Lan, Singapore với mức giá tương đương.
Du lịch trong nước chuẩn bị bước vào cao điểm. Ảnh: TTXVN |
Ông Phạm Hải Quỳnh - Viện trưởng Phát triển du lịch châu Á (ATI) chia sẻ, từ trước đến nay giá vé máy bay luôn là một rào cản và rủi do với các doanh nghiệp lữ hành vì vậy việc hãng hàng không không có chính sách an toàn cho các đơn vị lữ hành là một điều đáng lo ngại. “Nhiều khi dịch vụ cả một hành trình tour không bằng giá vé máy bay phải trả”- ông Quỳnh nói.
Về phía cơ quan quản lý ngành du lịch, ông Hà Văn Siêu – Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam cũng thừa nhận rằng, giá vé máy bay khá cao, chi phí cho vận tải tăng lên, kéo chi phí cho chuyến du lịch cũng tăng lên, làm ảnh hưởng đến nhu cầu của khách. “Trước đây đến mùa cao điểm, vì mất cân đối giữa cung và cầu thì giá vé máy bay mới lên cao. Tuy nhiên như hiện nay giá cao sẽ tạo ra nhiều sức ép hơn cho điểm đến”- ông Siêu cho hay.
Du lịch nội địa cùng với du lịch quốc tế khẳng định vai trò quan trọng đối với sự phát triển du lịch. Ngay giai đoạn đối diện với dịch Covid-19, chúng ta đã nhận thức sâu sắc hơn về tầm quan trọng của thị trường nội địa với quy mô dân số hơn 100 triệu người và có nhu cầu, khả năng đi du lịch ngày càng cao. Du lịch nội địa đã được coi là một điểm tựa để thúc đẩy ngành du lịch phục hồi và phát triển. Vì vậy, năm 2024, ngành du lịch xác định rõ, cần tập trung thu hút khách quốc tế, tuy nhiên không thể bỏ qua thị trường nội địa.
Để giảm bớt áp lực của việc giá vé máy bay, ông Hà Văn Siêu khuyến nghị, cần những phương tiện truyền thông đưa tin kịp thời để du khách có phương án, kế hoạch đi du lịch, và doanh nghiệp lữ hành cũng phải chủ động hơn... Bên cạnh đó, đại diện Cục Du lịch quốc gia chia sẻ thêm rằng, hiện đang có nhiều yếu tố tác động đến giá dịch vụ hàng không, tuy nhiên nên nhìn nhận "trong nguy có cơ" khi cũng là cơ hội tốt để khai phá, phát triển những sản phẩm, hình thức vận tải khác. “Du lịch trong nước cần đa dạng hóa những sản phẩm phục vụ khách, đa dạng hóa những điểm đến, đa dạng hóa phương tiện…”- ông Siêu nhấn mạnh.
Trước sự quan tâm của dư luận, bà Lê Thị Tố Linh - Phó trưởng Phòng thương mại hành khách của Vietnam Airlines tại khu vực Việt Nam thông tin, trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch quốc tế (VITM Hà Nội 2024) diễn ra vào trung tuần tháng 4 này, Vietnam Airlines sẽ mang đến 10.000 vé máy bay giá tốt để kết hợp với các doanh nghiệp du lịch xây dựng combo tour du lịch. Đặc biệt, đối với các đường bay mới, hãng hàng không sẽ áp dụng mức giá thấp nhất trong khung giá tạo điều kiện cho các doanh nghiệp xây dựng tour với giá thành phù hợp.
Bên cạnh các giải pháp nhằm tránh các tác động của giá vé máy bay đối với thị trường du lịch nội địa, trong mùa cao điểm du lịch trong nước sắp tới, trước vấn nạn “chặt chém” du khách, theo ông Vũ Thế Bình – Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, các điểm đến cần phải ngăn chặn, xử lý triệt để; các địa phương phải mạnh tay xử lý, tăng cường kiểm tra, giám sát thị trường. Đặc biệt đề xuất công khai giá các dịch vụ hoặc mức tăng phù hợp. Bởi theo ông, nếu chúng ta không xử lý sớm, du lịch nội địa sẽ rơi vào tình trạng “lấy đá ghè chân mình” trước các sự tăng giá của các loại chi phí.