Lừa đảo du lịch cuối năm “vào mùa”: “Lá chắn” nào để bảo vệ cộng đồng? Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị phát triển du lịch Việt Nam nhanh, bền vững |
Trong 10 tháng năm 2023, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt gần 10 triệu lượt (hơn 9,998 triệu lượt), tăng gấp 4,6 lần so với cùng kỳ năm trước, vượt chỉ tiêu kế hoạch cả năm; khách nội địa đạt 98,7 triệu lượt khách; tổng thu từ khách du lịch đạt 582,6 nghìn tỷ đồng.
Theo tổng hợp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, du lịch là một điểm sáng trong phục hồi nền kinh tế, kết quả phục hồi du lịch có tác động lan tỏa tới nhiều lĩnh vực, góp phần cải thiện 3 động lực tăng trưởng của nền kinh tế là đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng.
Lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam phục hồi tương đối chậm. Ảnh: TTXVN |
Tuy nhiên, tại Hội nghị phát triển du lịch Việt Nam nhanh, bền vững do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì diễn ra sáng nay (ngày 15/11), Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch – ông Nguyễn Văn Hùng cho biết, khách du lịch quốc tế 10 tháng năm 2023 mới chỉ bằng 69% so với cùng kỳ năm 2019 (thời điểm trước đại dịch). Khách du lịch nội địa, sau giai đoạn tăng trưởng mạnh trong năm 2022, đang có dấu hiệu chững lại. Ngành du lịch phải đối mặt với nhiều thách thức, vướng mắc, nhiều vấn đề kéo dài nhiều năm, nhiều nhiệm kỳ chưa giải quyết được.
Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch nêu rõ, hiện thị trường trọng điểm truyền thống mở cửa từng bước, chưa lấy lại tốc độ tăng trưởng như trước đại dịch; công tác kết nối, khai thác các thị trường mới, thị trường tiềm năng còn chậm, gặp nhiều khó khăn.
Ngoài ra, xu hướng lựa chọn các điểm đến gần thay vì lựa chọn điểm đến có khoảng cách xa của một số thị trường trọng điểm của Việt Nam; việc chậm kết nối, chậm khôi phục tần suất các đường bay quốc tế như trước dịch Covid-19; các yếu tố tác động khác như lạm phát, tỉ giá tăng, xung đội chính trị, hầu bao cho du lịch của du khách sụt giảm ... đã ảnh hưởng lớn đến lượng khách quốc tế đến Việt Nam thời gian qua.
Truyền thông chính sách, cập nhật, quảng bá thông tin về những quy định mới của du lịch Việt Nam còn hạn chế, thiếu kịp thời tại các thị trường nguồn quốc tế do thiếu hệ thống văn phòng xúc tiến du lịch quốc gia, sự phối hợp chưa thực sự chặt chẽ giữa các cơ quan trong nước với các cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài; công tác quản lý điểm đến tại một số địa phương có biểu hiện thiếu quyết liệt, chưa kịp thời xử lý các vấn đề về ô nhiễm môi trường, rác thải, tình trạng "chặt, chém" du khách… làm ảnh hưởng đến hình ảnh, thương hiệu du lịch Việt Nam.
Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam - ông Vũ Thế Bình cũng đánh giá, trong 10 tháng, ngành du lịch đã cố gắng hết sức nhưng còn nhiều điều chưa đạt được. Tuy khách du lịch quốc tế của chúng ta tăng nhanh, thị trường nội địa cũng tăng nhanh nhưng tốc độ đã suy giảm.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, quan trọng là thu từ khách nội địa giảm khá nhiều nên ở đây phải bàn kỹ hơn về du lịch nội địa. "Quốc tế thì chúng ta đã đạt vượt mức đề ra trong kế hoạch, nhưng phải lưu ý là kế hoạch của chúng ta đặt ra rấp thấp, nên có vượt thì phải gấp đôi mới tương xứng với các nước trong khu vực được. Còn 2 tháng cuối năm, phải quyết liệt thu hút nhiều nhất có thể với khách quốc tế" - ông Bình nhấn mạnh.
Đặc biệt, ông Vũ Thế Bình cho rằng, các tỉnh, thành phố tập trung quá nhiều cho việc tổ chức các hoạt động bề nổi ở trong nước như lễ hội, các sự kiện chính trị, văn hóa, kinh tế gắn với du lịch nhưng không đạt được mục tiêu bởi lễ hội vốn sinh ra từ phong tục tập quán dân tộc, từ đời sống tinh thần của cộng đồng dân cư.
“Khách du lịch rất ít quan tâm đến các lễ khai mạc hoành tráng, các cuộc biểu diễn văn nghệ của hàng nghìn diễn viên không chuyên, những người phải bỏ hàng tháng để tập luyện. Khách du lịch chỉ quan tâm bản sắc văn hóa truyền thống. Nếu như những kinh phí đó chuyển sang cho hoạt động xúc tiến du lịch quốc tế sẽ phát huy nhiều hơn”- ông Bình nêu.
Ngoài ra, hiện nhân lực của thị trường thì thiếu trầm trọng, hiện nay ngành du lịch mới chỉ thu hút được khoảng 60% lao động. Nhiều lao động có nghiệp vụ cao đã chuyển sang ngành khác. Nhiều doanh nghiệp du lịch, đặc biệt là các cơ sở lưu trú phải sử dụng cả lao động chưa qua đào tạo để phục vụ khách. Việc đầu tư nghiên cứu, xây dựng các sản phẩm du lịch mới còn quá ít. Trong đó, hiện nay phải đầu tư cho du lịch văn hóa, du lịch thể thao, du lịch ẩm thực, du lịch MICE, du lịch nông thôn nhưng vấn đề này chưa phát triển thành chính sách cụ thể nên những sản phẩm này chưa được đầu tư kịp thời.