Du lịch Lạng Sơn: Khai thác nguồn tài nguyên vô giá
Lễ hội Kỳ Cùng (Lạng Sơn) |
Ông có thể cho biết Lạng Sơn có những lễ hội nào mang dấu ấn đậm nét về lịch sử văn hóa và dân tộc Việt Nam?
Theo thống kê, hiện nay trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn có khoảng 240 lễ hội với tính chất và quy mô lớn, nhỏ khác nhau, trong đó, loại hình lễ hội dân gian truyền thống chiếm trên 90%. Hàng năm các lễ hội chủ yếu diễn ra từ tháng Giêng đến tháng Ba âm lịch, tập trung nhiều nhất vào tháng Giêng vì gắn với tín ngưỡng nông nghiệp của nhân dân.
Lạng Sơn có nhiều lễ hội đặc sắc, mang đậm nét lịch sử văn hóa của cộng đồng các dân tộc trong tỉnh nói riêng và miền núi phía Bắc nói chung như: Lễ hội Đồng Đăng, Lễ hội chùa Bắc Nga (huyện Cao Lộc); Lễ hội Chùa Tam Thanh, Lễ hội Kỳ Cùng – Tả Phủ (Lễ hội Đầu pháo- Kỳ Lừa), Lễ hội Chùa Tiên (thành phố Lạng Sơn); Lễ hội Ná Nhèm, Lễ hội Quỳnh Sơn (huyện Bắc Sơn); Lễ hội Bủng Kham, Lễ hội Báo Slao (huyện Tràng Định); Lễ hội Phài Lừa (huyện Bình Gia); Lễ hội Trò Ngô (huyện Hữu Lũng)…
Trong lễ hội, ngoài các nghi thức, nghi lễ thờ cúng thành hoàng và các vị thần, thánh gắn với tích của lễ hội, còn có nhiều trò chơi, trò diễn dân gian như: múa sư tử, múa võ dân tộc, trò chơi ném còn, đánh đu, đánh yến, cờ người… Ngoài ra bà con các dân tộc Tày, Nùng, nhất là các nam nữ thanh niên đến dự hội còn tổ chức hát Then, hát Sli, hát Lượn giao duyên.
Lễ hội trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn là một bức tranh sinh hoạt văn hóa cộng đồng sinh động, luôn có nét hấp dẫn riêng, hàng năm thu hút đông đảo nhân dân và du khách thập phương trong, ngoài nước đến tham quan và du lịch vào dịp đầu xuân. Chính vì vậy, hơn 10 năm trở lại đây, tỉnh Lạng Sơn tổ chức Lễ hội xuân Xứ Lạng quy mô cấp tỉnh hàng năm, đồng thời chỉ đạo mỗi huyện, thành phố lựa chọn từ 1- 2 lễ hội tiêu biểu để tổ chức lễ hội điểm nhằm tạo điểm nhấn, quảng bá tiềm năng di sản văn hóa, thu hút du khách đến với địa phương.
Hiện nay, một số lễ hội tiêu biểu như Lễ hội Đồng Đăng, Lễ hội Bắc Nga trung bình mỗi năm thu hút hàng chục vạn lượt khách trong nước và quốc tế. Riêng Lễ hội Kỳ Cùng- Tả Phủ tại thành phố Lạng Sơn, Sở VH-TT&DL đang xem xét tham mưu cho tỉnh nâng tầm quy mô tổ chức lên cấp tỉnh để quảng bá rộng rãi và thu hút khách du lịch đến với Lạng Sơn nhiều hơn nữa.
Lễ hội đền Tả Phủ ở Lạng Sơn |
Có ý kiến cho rằng trong hệ thống các nguồn tài nguyên phục vụ cho phát triển du lịch văn hóa, có một tài nguyên hết sức quan trọng, đó là các lễ hội. Ông đánh giá ý kiến này như thế nào?
Tôi nhất trí với quan điểm đó, bởi du lịch văn hóa là hình thức du lịch dựa vào bản sắc văn hóa dân tộc với sự tham gia của cộng đồng, nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Trong các loại tài nguyên du lịch, lễ hội là tài nguyên mang lại giá trị phục vụ du lịch rất lớn. Để phát triển du lịch, mọi quốc gia trên thế giới đều rất coi trọng sự phát triển của du lịch văn hóa, bởi đó là một loại hình du lịch có nhiều ưu điểm: Ít có tính mùa vụ, phát triển quanh năm, tạo nguồn thu ổn định…
Các lễ hội ở Lạng Sơn đã giúp cho kinh tế du lịch phát triển và cải thiện đời sống người dân như thế nào?
Theo số liệu thống kê, trung bình mỗi năm có hơn 2 triệu lượt du khách đến với Lạng Sơn, tổng doanh thu hơn 800 tỷ đồng, trong đó các lễ hội thu hút khoảng 900.000 lượt du khách, doanh thu xã hội ước hơn 300 tỷ đồng.
Xuất phát từ thực tế đó, cơ sở vật chất du lịch như nhà hàng, cơ sở lưu trú, điểm vui chơi giải trí… đã được đầu tư xây dựng khá mạnh, đồng thời thúc đẩy phát triển các loại hình dịch vụ du lịch khác kèm theo như: Kinh doanh hàng lưu niệm, sản vật địa phương... tạo ra việc làm cho hàng nghìn lao động trực tiếp và gián tiếp. Người dân tham gia đón tiếp khách, có nguồn kinh tế nhất định để đầu tư cho phát triển cơ sở vật chất, kỹ thuật hạ tầng du lịch, qua đó dần nâng cao chất lượng dịch vụ đáp ứng cho du khách và phục vụ trực tiếp cho đời sống của mình.
Để bảo đảm cho sự phát triển kinh tế du lịch bền vững, vai trò của người dân rất quan trọng. Người dân sẽ dần nhận thức được vai trò và lợi ích từ kinh tế du lịch đem lại, góp phần làm đa dạng hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch. Vì vậy, khi kinh tế du lịch phát triển đời sống của người dân địa phương sẽ được cải thiện về cả vật chất cũng như tinh thần.
Hiện nay trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn có khoảng 240 lễ hội với tính chất và quy mô lớn, nhỏ khác nhau, trong đó, loại hình lễ hội dân gian truyền thống chiếm trên 90%. |
Lạng Sơn có những chính sách gì để bảo tồn nguồn tài nguyên văn hóa lễ hội vô giá của địa phương, thưa ông?
Từ năm 1998, khi có Nghị quyết TW 5 (khóa VIII), Tỉnh ủy, UBND tỉnh Lạng Sơn đã tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành quan tâm, chú trọng đến công tác bảo tồn và phát huy vốn di sản văn hóa của tỉnh, trong đó có hoạt động lễ hội. Tỉnh đã ban hành nhiều nghị quyết, chương trình, kế hoạch, đề án, cơ chế, chính sách liên quan đến công tác này, trong đó đã nêu rõ các quan điểm và đề ra các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, toàn diện cho hoạt động văn hóa nói chung và cho công tác bảo tồn, phát huy vốn di sản văn hóa các dân tộc trong tỉnh nói riêng, gắn với việc quảng bá tiềm năng kinh tế - văn hóa và phát triển du lịch một cách bền vững trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.
Hiện nay tỉnh Lạng Sơn đã và đang tích cực tranh thủ nguồn vốn từ chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa và nguồn ngân sách của tỉnh để thực hiện công tác bảo tồn, phát huy vốn di sản văn hóa của tỉnh, trong đó có việc triển khai nhiệm vụ nghiên cứu, bảo tồn, phục dựng các lễ hội truyền thống.
Chỉ tính từ năm 1998 đến nay, ngành VH-TT&DL tỉnh Lạng Sơn đã thực hiện được 11 dự án nghiên cứu, phục dựng lễ hội trong tổng số gần 30 dự án nghiên cứu, sưu tầm, phục dựng, bảo tồn và phát huy các loại hình di sản văn hóa phi vật thể của đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh.
Hơn 4 năm qua, ngành VH-TT&DL đã tổ chức triển khai công tác điền dã, kiểm kê toàn bộ văn hóa phi vật thể trên 8/11 huyện, thành phố, còn 4 huyện tiếp tục hoàn thành trong năm 2015. Qua công tác kiểm kê, năm 2014, tỉnh đã lựa chọn, lập hồ sơ được 3 lễ hội đặc sắc để trình Bộ VH-TT&DL quyết định đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia...
Xin cảm ơn ông!