Thứ tư 25/12/2024 11:34

Dự án Nhà máy alumin Nhân Cơ: Vướng mắc về mặt bằng khai thác quặng bôxit được tháo gỡ

Nhà máy alumin Nhân Cơ sẽ hoàn thành việc mở rộng vào năm 2030, đến nay, các vướng mắc trong giải phóng mặt bằng khai thác quặng bôxít cơ bản đã được tháo gỡ.

Trung tâm công nghiệp bôxít - nhôm quốc gia

Ngành công nghiệp bôxít - alumin – nhôm của Việt Nam đã thành vóc thành hình sau khi Nhà máy alumin Nhân Cơ với công suất 650.000 tấn/năm chính thức đi vào hoạt động từ năm 2017 và Đắk Nông, địa phương có nguồn tài nguyên quặng bôxít lớn nhất khu vực Tây Nguyên đang được xem là “thủ phủ” của ngành công nghiệp này.

Phát triển công nghiệp bôxít - alumin – nhôm không chỉ đảm bảo chủ động nguồn nguyên liệu cho sản xuất trong nước mà còn đẩy mạnh xuất khẩu, đưa Việt Nam ghi danh vào bản đồ cung ứng nguyên liệu quan trọng cho ngành công nghiệp.

Khai thác quặng tại mỏ bôxit Nhân Cơ

Tại Đắk Nông, trữ lượng và tài nguyên dự báo khoảng 4,3 tỷ tấn, chiếm 45% tổng trữ lượng và tài nguyên quặng bôxít cả nước. Với tiềm năng lớn về khoáng sản bôxít, Đảng và Chính phủ đã định hướng xây dựng Đắk Nông trở thành Trung tâm công nghiệp bôxít - nhôm quốc gia.

Đến nay, trên địa bàn /chu-de/tinh-dak-nong.topic, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã đưa vào vận hành Nhà máy alumin Nhân Cơ với công suất 650.000 tấn/năm. Kể từ khi đi vào sản xuất (năm 2017) đến hết tháng 7/2023, Nhà máy đã sản xuất và tiêu thụ 4,46 triệu tấn alumin quy đổi; doanh thu đạt 35.069 tỷ đồng; nộp ngân sách Nhà nước 3.722 tỷ đồng. Dự án tạo việc làm cho khoảng 1.033 lao động với thu nhập bình quân 13,2 triệu đồng/người/tháng. Dự án nhà máy alumin Nhân Cơ có hiệu quả kinh tế và có đóng góp quan trọng vào việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Đắk Nông và khu vực Tây Nguyên.

Theo Quy hoạch khoáng sản được Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 866/QĐ-TTg ngày 18/7/2023, giai đoạn đến năm 2030, Nhà máy alumin Nhân Cơ sẽ hoàn thành việc mở rộng, nâng công suất lên 2,0 triệu tấn/năm để đáp ứng 100% nguyên liệu alumin cho Nhà máy điện phân nhôm Đắk Nông và xuất khẩu. Hiện nay, TKV đang khẩn trương thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư cho việc mở rộng, nâng công suất Nhà máy alumin Nhân Cơ theo đúng chủ trương và mục tiêu của Quy hoạch khoáng sản.

Được biết, Nhà máy điện phân nhôm Đắk Nông do Công ty TNHH Luyện kim Trần Hồng Quân làm Chủ đầu tư với công suất 450.000 tấn nhôm/năm. Đến nay, Chủ đầu tư đã hoàn thành phần xây dựng nhà xưởng, các công trình phục vụ và hạ tầng kỹ thuật đấu nối với hạ tầng Khu công nghiệp Nhân Cơ, Công ty TNHH Luyện kim Trần Hồng Quân đang khẩn trương phối hợp với Tổng thầu EPC chuẩn bị việc lắp đặt thiết bị, dự kiến Quý II/2026 sẽ hoàn thành đầu tư và đưa Phân kỳ 1 với công suất 150.000 tấn/năm vào sản xuất, Quý IV/2027 đạt công suất thiết kế 450.000 tấn/năm.

Khi đạt công suất thiết kế, Nhà máy điện phân nhôm sẽ tiêu thụ khoảng 900.000 tấn alumin/năm do Tập đoàn TKV cung cấp. Với sản lượng thực tế hiện nay của TKV tại 2 nhà máy alumin Nhân Cơ (Đắk Nông) và Tân Rai (Lâm Đồng) là 1,3 triệu tấn alumin/năm và đến năm 2030 dự kiến đạt công suất tổng cộng 4,0 triệu tấn alumin/năm thì nguồn nguyên liệu alumin cho Nhà máy điện phân nhôm hiện nay và trong tương lai được đảm bảo tin cậy và chắc chắn.

Đất hoàn thổ đảm bảo đúng tiến độ và có thể sớm hoàn trả

Mặc dù đã khai thác và đi vào sản xuất giai đoạn đầu của dự án, nhưng trên thực tế, vẫn còn một số bất cập trong việc quản lý, sử dụng diện tích đất sau khai thác.

Dự án Nhà máy alumin Nhân Cơ

Với công suất 650.000 tấn alumin/năm, mỗi năm Nhà máy alumin Nhân Cơ khai thác khoảng 3,8 triệu tấn quặng bôxít nguyên khai, tương ứng với diện tích đất cần giải phóng khoảng 80 ha/năm.

TKV đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp Giấy phép khai thác mỏ bô xít Nhân Cơ để làm nguyên liệu cho Nhà máy alumin với diện tích 3.074 ha. Theo quy định của Luật Đất đai, TKV được Nhà nước giao đất để thực hiện dự án khai thác bôxít với thời hạn thuê đất là 30 năm (bằng với thời gian hoạt động của Dự án).

Các mỏ quặng bôxít Đắk Nông được khai thác theo hình thức cuốn chiếu từng khu vực (khai thác đến đâu, hoàn thổ lại đến đó) với tốc độ khai thác và hoàn thổ nhanh (mỗi khu vực khai thác – hoàn thổ mất khoảng 3-5 năm). Theo phương án cải tạo, phục hồi môi trường đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt, các khu vực quặng bôxít sau khi kết thúc khai thác được đổ đất để hoàn thổ và trồng cây keo. TKV tiếp tục phải quản lý các diện tích đất đã hoàn thổ này cho đến hết thời hạn thuê đất (30 năm).

Tuy nhiên, có một số bất cập là mặc dù có quỹ đất đã hoàn thổ, nhưng TKV không trả lại được đất cho người dân và địa phương, Tập đoàn vẫn phải quản lý quỹ đất này do bị rằng buộc bởi quy định về việc quản lý, sử dụng đất theo thời hạn cho thuê đất (30 năm). Tỉnh Đắk Nông vẫn phải dành các diện tích đất lớn nằm ngoài các khu vực đã kết thúc khai thác để triển khai các dự án tái định canh, định cư cho các hộ dân bị thu hồi đất phục vụ cho việc khai thác mỏ, dẫn đến giảm quỹ đất dành cho canh tác và cho các dự án phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Các nguyên nhân và bất cập nêu trên dẫn đến việc gia tăng rất nhanh đơn giá bồi thường, giải phóng mặt bằng khu vực Nhân Cơ, từ 1,5 tỷ đồng/ha vào năm 2017 lên khoảng 2,5 tỷ đồng/ha vào năm 2022, làm tăng giá thành sản xuất và giảm hiệu quả sản xuất kinh doanh của Nhà máy alumin Nhân Cơ.

Những giải pháp cơ bản tháo gỡ vướng mắc đã được triển khai

Do quỹ đất hoàn thổ sau khai thác bôxít rất lớn và gia tăng nhanh hàng năm, hiện nay mỗi năm khoảng 80 ha, khi mở rộng Nhà máy alumin lên 2 triệu tấn/năm thì mỗi năm yêu cầu khoảng 250 ha - đây là nguồn tài nguyên đất có giá trị lớn để phục vụ công tác tái định canh, định cư và phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Vì vậy, để nâng cao giá trị và hiệu quả sử dụng đất sau khai thác bôxít, giảm áp lực lên công tác đền bù - giải phóng mặt bằng và gia tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh của Nhà máy alumin Nhân Cơ, thời gian qua, TKV đã phối hợp với tỉnh Đắk Nông lập Phương án sử dụng đất sau khai thác theo hướng: Rút ngắn thời hạn cho thuê đất, theo đó, TKV bàn giao sớm quỹ đất sau khai thác cho tỉnh để ưu tiên thực hiện công tác tái định canh, định cư cho các hộ dân phải di dời nhằm phục vụ và tạo điều kiện thuận lợi cho việc giải phóng mặt bằng các khu vực khai thác bôxít tiếp theo.

Giải pháp quản lý, sử dụng đất nêu trên là hợp lý và thực tế, nâng cao hiệu quả sử dụng đất sau khai thác, đảm bảo hài hòa lợi ích của doanh nghiệp, người dân và tỉnh; tạo điều kiện thuận lợi cho công tác đền bù - giải phóng mặt bằng khai thác bôxít và hiện thực hóa chủ trương của Đảng và Chính phủ về việc phát triển nhanh ngành công nghiệp bôxít - alumin - nhôm, đặc biệt cho giai đoạn 2021 - 2030 với sản lượng alumin dự kiến tăng lên 11,6 - 18,65 triệu tấn/năm (gấp 9-14 lần so với hiện nay).

TKV và tỉnh Đắk Nông đã báo cáo các cơ quan chức năng và Chính phủ về các vướng mắc, bất cập, cũng như giải pháp quản lý, sử dụng quỹ đất sau khai thác và đã được các bộ, ngành liên quan ủng hộ. Vào tháng 8/2024, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có Quyết định cho phép TKV hoàn trả lại 130 ha đất sau khai thác bôxít tại Đắk Nông (trả lại sớm, trước thời hạn cho thuê đất) để tỉnh Đắk Nông chuyển đổi đất sang sử dụng vào các mục đích tái định canh, định cư, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Ngày 11/10/2024, tại Hội nghị về tình hình thực hiện Kết luận số 31-KL/TW ngày 07/3/2022 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển ngành công nghiệp bôxít - alumin - nhôm giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 tại tỉnh Đắk Nông, liên quan đến các bất cập và vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng và quản lý, sử dụng quỹ đất sau khai thác, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trương Thanh Hoài đã có ý kiến kết luận: “Đối với các diện tích đã khai thác xong cần sớm hoàn thổ, trả lại cho địa phương quản lý và báo cáo cấp có thẩm quyền đưa ra khỏi Quy hoạch khoáng sản, không để chồng lấn với các quy hoạch khác… Bộ Công Thương đã có ý kiến góp ý về việc cho phép trả lại ngay các diện tích đã khai thác hết bôxít mà không cần hoàn thổ tại dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường...”

Với cơ sở thực tế nêu trên, vướng mắc và bất cập trong việc giải phóng mặt bằng khai thác mỏ bôxít đã cơ bản được tháo gỡ, tạo điều kiện thuận lợi cho việc khai thác quặng bôxít ổn định lâu dài cho Nhà máy alumin Nhân Cơ cũng như đối với các dự án khai thác bôxít - sản xuất alumin khác.

Duy Minh
Bài viết cùng chủ đề: Nhôm Đắk Nông

Tin cùng chuyên mục

Thanh Hóa: Nông dân 'thay áo mới' cho đào phai Quảng Chính

Bà Rịa - Vũng Tàu: Hơn 3.400 tàu cá neo đậu an toàn tránh bão số 10

Ngành Công Thương Cần Thơ 2024: Dấu ấn từ những con số biết nói

Ngành Công Thương Hải Phòng: Dấu ấn tăng trưởng trong năm nhiều biến động

Sóc Trăng: Nhiều điểm sáng trong hoạt động của ngành Công Thương năm 2024

Tuyên Quang: Nâng cao hiệu quả mô hình truyền thanh số

Hòa Bình sẽ xử lý cán bộ buông lỏng quản lý về an toàn thực phẩm

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận kiến nghị cơ chế đẩy nhanh tiến độ dự án điện hạt nhân

Đồng Tháp: 3 địa phương không chuyển đổi cơ cấu cây trồng năm 2025

Cần Thơ: Dự kiến hỗ trợ hơn 5 tỷ đồng cho 114 cán bộ dôi dư do tinh gọn

Đồng Tháp thu hút đầu tư 66 dự án, tổng vốn hơn 12.000 tỷ đồng

Hiệu quả vận hành hồ Thủy điện A Vương trong mùa mưa lũ năm 2024

Gia Lai: Học sinh hào hứng với nhiều trải nghiệm thú vị khi được hoá thân thành chiến sĩ

Ngành Công Thương Sơn La đề xuất 5 giải pháp chống lãng phí

Hợp tác xã Nấm Tam Đảo: Hỗ trợ người dân làng Nủ khôi phục nghề trồng dâu nuôi tằm, dệt lụa

Quảng Bình: Đảm bảo cung ứng nguồn hàng hoá an toàn cho thị trường Tết nguyên đán

TP. Hải Phòng chi 4.000 tỷ đồng cho thu nhập tăng thêm đối với công chức trong 3 năm

Thanh Hóa: Triển khai các giải pháp để tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 1,0% trở lên trong năm 2025

Trở lại nơi làm nhà máy điện hạt nhân ở Ninh Thuận: Bài 3 - Vào cuộc với hào khí anh hùng

Sóc Trăng: Nông dân kỳ vọng lớn vào vụ hành tím sớm phục vụ Tết