Thứ hai 23/12/2024 07:24

Đồng Tháp: Doanh nghiệp lúa gạo "khát" vốn, chính quyền địa phương và ngân hàng "vào cuộc"

Trước những khó khăn về vốn của các doanh nghiệp xuất khẩu gạo trên địa bàn, Bí thư Đồng Tháp đề nghị ngân hàng ưu tiên hỗ trợ xuất khẩu gạo.

Dự kiến xuất khẩu gần 590.000 tấn gạo

Chiều 17/11, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong chủ trì cuộc gặp gỡ với các doanh nghiệp xuất khẩu gạo và các ngân hàng trong tỉnh nhằm lắng nghe kiến nghị, tháo gỡ khó khăn trong bối cảnh diễn tiến giá lúa gạo biến động.

Được biết, hiện toàn tỉnh Đồng Tháp có 17 doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo được Bộ Công Thương cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, xuất khẩu. Trong 10 tháng của năm 2023, lượng gạo xuất khẩu ước đạt 449.393 tấn, tăng 17,1% so với cùng kỳ 2022; kim ngạch ước đạt 265,56 triệu USD, tăng 41,38% so với cùng kỳ năm 2022, vượt 15% so với kế hoạch năm 2023. Dự kiến năm 2023, lượng gạo xuất khẩu của tỉnh Đồng Tháp ước đạt 584.142 tấn, tăng 41,37% so với năm 2022; kim ngạch ước đạt 336,26 triệu USD, tăng 66,66% so với năm 2022.

Đồng Tháp hiện có khoảng 175 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xay xát, lau bóng gạo. Ước tính sản lượng xay xát, lau bóng gạo đạt 1,44 triệu tấn, tăng 31,5% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 99,6% kế hoạch năm. Dự kiến năm 2023, sản lượng gạo chế biến ước đạt 1,85 triệu tấn, tăng 38,27% so với năm 2022.

Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong chủ trì cuộc gặp gỡ với các doanh nghiệp xuất khẩu gạo và các ngân hàng

Những tháng đầu năm 2023, tình hình tiêu thụ lúa gạo trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp diễn ra thuận lợi, do nhu cầu nhập khẩu từ các nước tăng cao. Đặc biệt từ khi Ấn Độ ban hành chính sách hạn chế hoạt động xuất khẩu gạo, đã tác động đến thị trường thương mại gạo toàn cầu, giá gạo nội địa và xuất khẩu của Việt Nam đều tăng cao so với cùng kỳ năm 2022.

Hiện tại, giá lúa bình quân tăng hơn 2.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm 2022 khiến nông dân trồng lúa phấn khởi vì tăng lợi nhuận. Giá lúa chất lượng cao tại ruộng giá 9.000 đồng/kg, lúa thường IR 50404 giá 8.200 đồng/kg. Tại Đồng Tháp, theo kế hoạch sản xuất, diện tích gieo trồng lúa năm 2023 dự kiến đạt 494.400 ha, sản lượng dự kiến đạt 3,26 triệu tấn.

Theo các doanh nghiệp, giá gạo thế giới tăng nhanh cũng đồng thời đẩy giá lúa, gạo nguyên liệu trong nước tăng cao, gây ra khó khăn về tài chính cho nhiều doanh nghiệp đã ký kết hợp đồng với đối tác trước đó. Một số doanh nghiệp chưa liên kết thu mua với nông dân nên gặp khó về nguyên liệu để cung ứng cho các đơn hàng. Tâm lý chờ giá lúa tăng mới bán của người dân cũng gây khó khăn cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, doanh nghiệp đang thiếu vốn để thu mua lúa, gạo, gặp một số vướng mắc về thủ tục thuế…

Ông Trần Trương Tấn Tài, giám đốc Công ty TNHH Lúa gạo Việt Nam, cho biết thời gian qua doanh nghiệp mua lúa cầm chừng, bởi giá lúa hiện nay đã tăng đến 9.600 đồng/kg. “Giá lúa biến động ngoài sức tưởng tượng của doanh nghiệp, hiện chúng tôi tập trung xây dựng thương hiệu gạo chất lượng cao, chấp nhận lượng hàng đi không lớn, nhưng giá trị cao. Như hiện nay giá lúa tăng cao, trong khi doanh nghiệp chỉ có thể thu mua 7.000 đồng/kg, tính hết chi phí nông dân có lời 41%, thì gạo mới đủ sức cạnh tranh trên thị trường” - ông Tài cho hay.

Trong khi đó, ông Trương Văn Chính, Giám đốc Công ty TNHH xuất nhập khẩu Chơn Chính cho biết, hiện doanh nghiệp này khá khó khăn do đội vốn lên trong quá trình thu mua và nâng cấp mở rộng nhà xưởng. Do vậy doanh nghiệp mong muốn hợp tác được với các ngân hàng lớn tại Đồng Tháp nhằm mở rộng vùng liên kết. “Bên cạnh đó, việc thu mua phải nhanh, cần sự hỗ trợ của ngân hàng và sự thấu hiểu chia sẻ của hợp tác xã và nông dân với doanh nghiệp” - ông Chính bày tỏ.

Dư nợ lĩnh vực lúa gạo vùng Đồng bằng sông Cửu Long đạt gần 103 nghìn tỷ đồng,

Chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp

Trước kiến nghị của doanh nghiệp, đại diện các ngân hàng khẳng định, hiện nay vốn cho vay của ngân hàng luôn thừa, đối tượng xuất khẩu gạo có thể hưởng lãi suất thấp chỉ 4%. Ông Nguyễn Thái Ngọc - Phó giám đốc Ngân hàng BIDV chi nhánh Sa Đéc cho biết, ngân hàng cấp hạn mức gần 1.000 tỷ đồng cho tất cả các doanh nghiệp nhưng đến thời điểm này chỉ sử dụng khoảng 2/3.

“Lãi suất cho doanh nghiệp đã giảm từ 2 - 3%, mức lãi suất phổ biến 6,5 - 7%, phụ thuộc vào chính sách của mỗi ngân hàng, thực tế ngân hàng có quy định để đảm bảo an toàn tín dụng, cấp một phần tín dụng tín chấp tạo điều kiện cho doanh nghiệp” - ông Ngọc nói.

Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong cho biết, phản ánh từ doanh nghiệp giúp lãnh đạo tỉnh có cái nhìn thực tế hơn về tình hình sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu gạo trên địa bàn tỉnh. Lãnh đạo tỉnh cũng như nông dân rất phấn khởi khi thời gian gần đây giá lúa gạo tăng, xuất khẩu mạnh sang các nước. Tuy nhiên, trong bối cảnh đó vẫn có nhiều khó khăn đối với doanh nghiệp kinh doanh, xuất khẩu gạo.

Ông Lê Quốc Phong yêu cầu, các sở, ngành và chính quyền địa phương quan tâm hỗ trợ, tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp. Cùng đó, tiếp tục hỗ trợ, phát huy vai trò của hợp tác xã trong việc liên kết sản xuất, tiêu thụ với doanh nghiệp, giúp giữ được sự ổn định của vùng lúa nguyên liệu phục vụ sản xuất, xuất khẩu gạo.

Để tăng cường mối liên kết giữa người dân và doanh nghiệp, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp đề nghị nâng cao năng lực, tính chuyên nghiệp của hợp tác xã, nông dân trong cung ứng nguyên liệu lúa, gạo. Đối với khó khăn về vốn, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp đề nghị các ngân hàng trên địa bàn quan tâm hỗ trợ, nghiên cứu tiết giảm các thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực xuất khẩu gạo được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư sản xuất, kinh doanh.

Đối với những vướng mắc về logistics, giao thông, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp đề nghị Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Phước Thiện nắm bắt thêm thông tin từ doanh nghiệp để có giải pháp tháo gỡ, nhằm giúp doanh nghiệp giảm chi phí trung gian, thuận lợi trong hoạt động. Về triển khai giống lúa mới, mở rộng diện tích sản xuất của doanh nghiệp, Bí thư Tỉnh ủy đề nghị ngành nông nghiệp cần tiếp cận để nghe chi tiết hơn và có sự quan tâm, hỗ trợ phù hợp.

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối tháng 8/2023, dư nợ toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long đạt trên 1 triệu tỷ đồng, tăng 5,35% so với cuối năm 2022. Trong đó, tín dụng phát triển ngành nông nghiệp, nông thôn được các tổ chức tín dụng quan tâm, với dư nợ đạt gần 535 nghìn tỷ đồng, tăng 6,04%, cao hơn mức tăng trưởng tín dụng chung của vùng và mức tăng trưởng tín dụng nông nghiệp nông thôn toàn quốc.

Đặc biệt, tín dụng đối ngành lúa gạo, có mức tăng trưởng ấn tượng. Cụ thể, dư nợ lĩnh vực lúa gạo đạt gần 103 nghìn tỷ đồng, tăng 9%, chiếm khoảng 53% dư nợ lúa gạo cả nước. Dự kiến, từ nay đến cuối năm 2023, tăng trưởng tín dụng cho lĩnh vực này tiếp tục tăng nhanh do yếu tố mùa vụ và nhu cầu xuất khẩu được cải thiện.

Ngân Thương
Bài viết cùng chủ đề: Xuất khẩu gạo

Tin cùng chuyên mục

Nuôi dưỡng nguồn thu thuế vì nền tài chính lành mạnh của quốc gia

LPBank bổ nhiệm thêm thành viên Ban điều hành, tạo động lực cho chiến lược phát triển toàn diện

'Cái bắt tay' trị giá 100 tỷ USD giữa ông Donald Trump và tỷ phú Nhật Bản

F88 cung cấp dịch vụ ngân hàng sau ký kết hợp tác chiến lược với MB

Chứng khoán Bảo Việt: đón nhận nhiều giải thưởng uy tín, khẳng định vị thế 25 năm trên thị trường

Sớm thành lập các trung tâm tài chính, tạo 'cú hích' cho nền kinh tế

D2D dự chi 233 tỷ đồng làm 6 nhà xưởng cho thuê, hoàn vốn sau 10 năm

VietinBank mở rộng thanh toán xuyên biên giới sang Lào

Bac A Bank ra mắt giao diện mới của ứng dụng ngân hàng điện tử

Việt Nam là điểm sáng trong chính sách đầu tư của các tập đoàn toàn cầu

Phó Thủ tướng: Ngành ngân hàng triển khai hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp trên tinh thần ‘cả hai cùng thắng’

Ngành ngân hàng tập trung tái cơ cấu trong năm 2025

Dòng vốn 3.000 tỷ đồng kỳ vọng vực dậy DIC Corp

Nâng hạng thị trường chứng khoán: Cơ hội để Việt Nam hút vốn ngoại

Nam A Bank lọt top 50 công ty kinh doanh hiệu quả nhất Việt Nam 2024

Nhận diện thách thức, tìm cơ hội cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2025

Đón 'sóng' thoái vốn nhà nước của VNSteel, nhà đầu tư trúng đậm

Thêm tổ chức quốc tế nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam

Cơ cấu nợ cho khách hàng bị thiệt hại bởi bão số 3- chính sách tín dụng đậm ý nghĩa nhân văn

Đề xuất rút ngắn quy trình niêm yết chứng khoán xuống 30 ngày