Thứ bảy 28/12/2024 10:21

Đóng điện vận hành công trình lưới điện vượt biển dài nhất Đông Nam Á

Công trình lưới điện vượt biển dài nhất Đông Nam Á, từ đất liền ra đảo ngọc Phú Quốc, Kiên Giang vừa được Tổng công ty Điện lực miền Nam đóng điện vận hành.

Ngày 14/10, tại TP. Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, Tổng công ty Điện lực miền Nam tổ chức lễ đóng điện vận hành cấp điện áp 110kV giai đoạn 1, Công trình Đường dây 220kV vượt biển Kiên Bình - Phú Quốc.

Đường dây điện 220kV vượt biển dài nhất khu vực Đông Nam Á do toàn bộ đội ngũ kỹ sư, công nhân Việt Nam tự thiết kế, quản lý, xây dựng, thi công

Đây là công trình đường dây vượt biển trên không cấp điện áp 220kV dài nhất khu vực Đông Nam Á, được khởi công tháng 3/2019, có tổng mức đầu tư hơn 2.220 tỷ đồng. Công trình gồm 2 mạch, có tổng chiều dài hơn 80km đường dây 220kV, gồm 169 vị trí trụ. Trong đó, có 117 vị trí trụ vượt biển trên không từ xã Kiên Bình (huyện Kiên Lương) ra TP. Phú Quốc.

Đồng bộ với công trình Đường dây 220kV Kiên Bình - Phú Quốc giai đoạn 1, vận hành ở cấp điện áp 110kV còn có: Công trình Trạm biến áp 110kV Nam Phú Quốc, công suất thiết kế là 2 máy x 63MVA. Trong đó, giai đoạn đầu lắp 1 máy 63MVA và phần đường dây đấu nối 2 mạch, có 5 vị trí cột, đấu nối từ vị trí tiếp bờ của Đường dây 220kV Kiên Bình - Phú Quốc với Trạm biến áp 110kV Nam Phú Quốc.

Lãnh đạo Tổng công ty Điện lực miền Nam cùng các địa biểu thực hiện nghi thức đóng điện vận hành cấp điện áp 110kV giai đoạn 1, Công trình Đường dây 220kV vượt biển Kiên Bình - Phú Quốc

Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Phước Đức - Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực miền Nam - nhấn mạnh: Nhận thức được ý nghĩa lớn lao, tầm quan trọng của công trình đường dây 220kV Kiên Bình - Phú Quốc trong việc đảm bảo cấp điện cho TP. Phú Quốc, tổng công ty đã tập trung nguồn lực quyết liệt triển khai đầu tư dự án, quán triệt từ công tác quản lý dự án đến khâu đầu tư và tổ chức thực hiện.

Quá trình thi công công trình đối diện những khó khăn, trở ngại do điều kiện thời tiết bất lợi, mưa bão thường xuyên khi thi công trên biển. Cùng với khó khăn do dịch Covid-19làm ảnh hưởng đến việc điều động máy móc, nhân sự thi công, vận chuyển vật tư, vật liệu xây dựng cũng ảnh hưởng đến quá trình thi công. Ngoài ra, công tác đền bù giải phóng mặt bằng đoạn bờ Kiên Lương và thành phố Phú Quốc gặp rất nhiều vướng mắc cũng như địa hình địa chất phía đảo Phú Quốc cũng rất phức tạp.

Các kỹ sư ngành điện miền Nam đóng điện vận hành cấp điện áp 110kV giai đoạn 1, Công trình Đường dây 220kV vượt biển Kiên Bình - Phú Quốc

Được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, sự hỗ trợ nhiệt tình, trách nhiệm từ lãnh đạo UBND tỉnh Kiên Giang, TP. Phú Quốc, huyện Kiên Lương và các Sở, ban ngành trong tỉnh. Cùng sự quyết tâm, nỗ lực không biết mệt mỏi của các tập thể, cá nhân thuộc Tổng công ty Điện lực miền Nam và các nhà thầu thi công, đơn vị giám sát… công trình đã hoàn thành đóng điện đưa vào vận hành an toàn, chất lượng từ ngày 5/10/2022 vừa qua. “Điều này giúp cho việc cung cấp điện trên địa bàn TP. Phú Quốc được cải thiện tốt hơn về chất lượng, độ tin cậy, giảm tổn thất điện năng, đã kịp thời san tải cho đường dây cáp ngầm 110kV hiện hữu đang vận hành ở mức tải cao” - ông Nguyễn Phước Đức nhấn mạnh.

Điểm nổi bật là năng lực cung cấp điện cho đảo Phú Quốc tăng gấp khoảng 5 lần phụ tải hiện hữu và có thể đáp ứng nguồn cung cấp điện đến năm 2035. Công trình hoàn thành tạo điều kiện quan trọng để địa phương phát triển vững mạnh về kinh tế - xã hội, nhất là đáp ứng nhu cầu cho sự phục hồi du lịch tại Phú Quốc sau đại dịch Covid-19, góp phần giữ vững an ninh, quốc phòng, chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, từ đó giúp TP. Phú Quốc tiếp đà cất cánh, bay cao vươn tầm, tương xứng với vị thế đảo ngọc.

Lãnh đạo Tổng công ty Điện lực miền Nam thăm Công trình Trạm biến áp 110kV Nam Phú Quốc

Giai đoạn tiếp theo, Tổng công ty Điện lực miền Nam đã và đang triển khai các công trình đồng bộ cấp điện áp 22kV-110kV-220kV bao gồm: Dự án tái cấu trúc lưới điện Phú Quốc vay vốn KFW (Ngân hàng Tái thiết và Phát triển Đức), hoàn thành phần còn lại của đường dây 110kV Phú Quốc - Nam Phú Quốc, trạm ngắt 110kV Phú Quốc; đường dây 110kV Phú Quốc - Bắc Phú Quốc và trạm biến áp 110kV Bắc Phú Quốc theo đúng quy hoạch điện lực đã được phê duyệt.

“Tổng công ty Điện lực miền Nam mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ, đồng hành từ các cấp lãnh đạo, chính quyền các cấp và nhân dân địa phương, tạo điều kiện để Tổng công ty sớm hoàn thành các hạng mục công trình còn lại. Qua đó, góp phần, đảm bảo nhiệm vụ cung cấp điện phục vụ thành phố Phú Quốc tiếp đà phát triển, giữ vững an ninh, quốc phòng, chủ quyền biển đảo thiêng liêng của tổ quốc” - ông Nguyễn Phước Đức bày tỏ.

Trước đó, tháng 2/2014, đánh dấu bước ngoặt của Ngành điện Việt Nam, khi nguồn điện lưới Quốc gia được đưa ra cấp điện cho Đảo Ngọc Phú Quốc, bằng đường cáp ngầm xuyên biển 110kV Hà Tiên - Phú Quốc dài nhất Đông Nam Á, thay thế hoàn toàn nguồn điện diesel tại chỗ. Qua đó tạo cú hích thúc đẩy thu hút đầu tư, phát triển du lịch và kinh tế biển… theo đó nhu cầu phụ tải sử dụng điện trên đảo liên tục tăng nhanh với mức tăng trưởng bình quân trên 35%/năm.

Từ khi có lưới điện quốc gia, nhu cầu, tốc độ phụ tải trên đảo tăng nhanh đột biến, chỉ sau 2 năm vận hành, công suất phụ tải tăng hơn 2 lần so với trước đó và đạt 16MW, cộng với số liệu thống kê, khảo sát mức đăng ký nhu cầu phụ tải điện trên địa bàn, dự báo đến năm 2020 lên công suất yêu cầu khoảng 250MW. Trong khi đó nguồn cấp điện toàn bộ “đảo ngọc” qua đường cáp ngầm xuyên biển 110kV độc đạo, chỉ đáp ứng tối đa 131MW. Nhận thấy rõ nguy cơ và tiềm ẩn nhiều rủi ro, nên từ đầu năm 2016, Tổng công ty Điện lực miền Nam đã báo cáo Tập đoàn Điện lực Việt Nam trình và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận bổ sung Dự án lưới điện 220kV cấp điện cho đảo Phú Quốc vào quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia tại Văn bản số 2308 ngày 27/12/2016.

Đến Tháng 1/2018, Tập đoàn Điện lực Việt Nam phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi Công trình Đường dây 220kV Kiên Bình - Phú Quốc. Ngay sau đó, Tổng công ty Điện lực miền Nam đã khẩn trương triển khai, phê duyệt thiết kế kỹ thuật vào Tháng 5/2018, phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công vào Tháng 10/2018 và tổ chức khởi công công trình từ tháng 3/2019.

Minh Khuê
Bài viết cùng chủ đề: Điện lực miền Nam

Tin cùng chuyên mục

Thi công dự án trạm biến áp 220kV Sầm Sơn và đường dây đấu nối

Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai: Ưu tiên đảm bảo cung cấp điện toàn hệ thống dịp lễ, Tết

Bộ Công Thương lấy ý kiến về các văn bản liên quan đến giá và vận hành thị trường điện

Đường dây 500kV mạch 3: 'Chiến dịch' thần tốc, tiết kiệm và hiệu quả

Hiện thực hóa 4 quy hoạch ngành quốc gia: Khơi thông nguồn lực phát triển đất nước

Đóng điện Dự án đường dây 220kV Nậm Sum – Nông Cống

EVNNPT đóng điện đường dây 220kV Rạch Giá 2 - Kiên Bình mạch 2

Bộ Công Thương lấy ý kiến về Dự thảo Nghị định về giấy phép hoạt động điện lực theo Luật Điện lực

EVNNPT đóng điện Trạm biến áp 220kV Nam Cấm

70 năm ngành điện Việt Nam và sứ mệnh trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

Bộ Công Thương rốt ráo chuẩn bị đưa Luật Điện lực vào thực thi

EVN tiếp tục nâng cao chất lượng kinh doanh, dịch vụ khách hàng năm 2025

Tăng cường cấp điện cho Hà Nội qua dự án truyền tải điện hơn 1.600 tỷ đồng

Công ty Điện lực Cao Bằng: Lan tỏa nghĩa tình ngành điện

Chỉ thị của Bộ Công Thương về bảo đảm cung cấp điện trong các dịp Lễ, Tết và năm 2025

EVNGENCO2 tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư với các dự án, nhà máy điện tại Lào

Tuyên Quang: Hoàn thành các công trình điện, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương

Xuất xưởng máy biến áp 500kV lớn nhất do Việt Nam sản xuất

EVNNPT tăng cường khả năng truyền tải điện cho nhiều tỉnh miền Trung - Nam

Hội nghị Người lao động EVNGENCO2 năm 2024: Phát huy quyền dân chủ của người lao động