Thứ tư 23/04/2025 02:30

Động đất Myanmar: Khuyến nghị với an toàn công nghiệp Việt Nam!

Động đất Myanmar đã làm rung chuyển toàn bộ Đông Nam Á. Trong bối cảnh đó, an toàn công nghiệp trở thành mắt xích then chốt không thể xem nhẹ.

Trưa ngày 28/3, một trận động đất mạnh 7,7 độ Richter xảy ra tại Myanmar đã gây rung chuyển trên diện rộng, ảnh hưởng đến hàng chục triệu người từ thành phố Mandalay tới tận Bangkok. Đây là trận động đất được giới chuyên gia đánh giá là lớn nhất từng xảy ra trên đất liền Myanmar trong hơn 75 năm qua.

Năng lượng giải phóng từ trận động đất tương đương với hàng trăm vụ nổ hạt nhân. Hệ quả là đường sá nứt toác, chùa cổ sụp đổ, cầu gãy, nhà dân bị nghiền nát, và cả khu dân cư biến thành đống đổ nát chỉ trong vài giây. Một tòa nhà 30 tầng đang xây dựng ở Bangkok – cách tâm chấn hơn 960 km – cũng đã đổ sập.

Trong bối cảnh rủi ro địa chấn ngày càng gia tăng, an toàn công nghiệp trở thành mắt xích then chốt không thể xem nhẹ.

Trận động đất mạnh 7,7 độ tại Myanmar ngày 28/3 xảy ra trên đứt gãy Sagaing – một cấu trúc kiến tạo dài và hoạt động mạnh. Ảnh minh họa

Đứt gãy Sagaing: "Vết rạn" nguy hiểm trong lòng châu Á

Sự kiện này là một trong những lần vỡ đứt gãy lớn nhất từ trước đến nay. Theo nhà địa chấn học Robin Lacassin tại Viện Vật lý Trái Đất Paris, tất cả các dữ liệu hiện có đều cho thấy đây là một trận động đất xảy ra trên đứt gãy Sagaing. Đây là một đứt gãy dạng “trượt ngang” (strike-slip) chạy dọc theo hướng Bắc - Nam, nơi hai khối vỏ Trái Đất trượt ngang qua nhau - tương tự như đứt gãy San Andreas ở California (Mỹ). Đứt gãy Sagaing được xem là “ranh giới trượt ngang chính ở phía này của mảng Ấn Độ” và đã từng gây ra nhiều trận động đất mạnh và tàn phá trong quá khứ.

Nhà địa chấn học Judith Hubbard từ Đại học Cornell Hubbard cũng lưu ý rằng, ngay trong tháng 5/2023, đứt gãy này từng gây ra một trận động đất 5,8 độ Richter, tuy chỉ gây thiệt hại ở mức độ vừa phải. Đây là một trong những đứt gãy nguy hiểm nhất ở Myanmar.

Theo Giáo sư Robin Lacassin, mặc dù không phải là khu vực hút chìm như Sumatra, nơi thường phát sinh động đất cực mạnh, nhưng các trận động đất kiểu trượt ngang vẫn có thể đạt đến 7-8 độ Richter.

Điểm đáng lưu ý là thủ đô Nay Pyi Taw của Myanmar nằm ngay trên đứt gãy này. Chỉ mới tháng 5/2023, nơi đây cũng từng xảy ra một trận động đất 5,8 độ. Điều đó cho thấy, hệ thống đứt gãy Sagaing đang tích tụ năng lượng và tiếp tục là mối nguy hiểm địa chấn lớn trong khu vực.

Vì sao trận động đất gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng?

Theo chuyên gia Roger Musson thuộc Cơ quan Khảo sát địa chất Anh (British Geological Survey), trận động đất tại Myanmar đặc biệt tàn phá vì xảy ra ở độ sâu chỉ khoảng 10km. Khi xảy ra động đất nông như vậy, sóng địa chấn không bị suy giảm nhiều trước khi chạm tới bề mặt, khiến các công trình chịu toàn bộ lực rung lắc.

Bên cạnh đó, theo chuyên gia Judith Hubbard từ Đại học Cornell, phần lớn nhà cửa và hạ tầng ở khu vực Sagaing không được thiết kế để chống chọi với các lực địa chấn lớn. "Rất ít tòa nhà có khả năng chống động đất trong khu vực này, dẫn đến thiệt hại nặng nề", bà Judith Hubbard nhận định.

Cơ quan Khảo sát địa chất Hoa Kỳ (USGS) ước tính số người thiệt mạng có thể lên tới 100.000, thiệt hại kinh tế có thể tương đương 70% GDP của Myanmar.

Vì sao động đất Myanmar có thể lan sang Việt Nam?

Là một quốc gia không nằm trực tiếp trên các ranh giới mảng kiến tạo lớn nhưMyanmar hay Nhật Bản, Việt Nam vẫn chịu ảnh hưởng địa chấn từ khu vực xung quanh do đặc điểm cấu trúc địa chất liên kết chặt chẽ với vùng Đông Nam Á.

Các chuyên gia địa chấn học giải thích rằng, mặc dù tâm chấn nằm tại Myanmar, sóng địa chấn lan truyền theo cả chiều ngang và chiều sâu, có thể gây ra cộng hưởng địa chấn hoặc kích hoạt lại các vết nứt đã tồn tại trong vỏ Trái Đất ở miền Bắc Việt Nam. Đặc biệt, vùng Tây Bắc – nơi có hệ thống đứt gãy Sông Mã và Lai Châu – Điện Biên – là khu vực đã từng xảy ra nhiều trận động đất nhỏ, có thể nhạy cảm với tác động từ các rung chấn lớn gần biên giới.

Theo PGS.TS Cao Đình Triều (nguyên Viện phó Viện Vật lý Địa cầu), sóng địa chấn từ Myanmar không chỉ lan tới Thái Lan, Lào mà còn có thể ảnh hưởng đến nền móng địa chất tại Việt Nam, dù không gây đổ vỡ, nhưng có thể kích hoạt các hiện tượng rung nhẹ, sạt lở, nứt nền đất hoặc thay đổi cấu trúc mạch nước ngầm.

Theo số liệu từ Viện Vật lý Địa cầu, khu vực Tây Bắc Việt Nam – như Điện Biên, Lai Châu – từng ghi nhận các trận động đất có độ lớn từ 4,5 - 5,3 độ Richter. Một số vết rạn địa chất tại khu vực này có liên kết cấu trúc sâu với rìa phía Đông của mảng Ấn Độ - nơi tiếp giáp vùng hoạt động mạnh của đứt gãy Sagaing. Trong bối cảnh hoạt động của đứt gãy Sagaing gia tăng, không loại trừ khả năng xuất hiện các ảnh hưởng thứ cấp hoặc cộng hưởng địa chấn.

Cần chủ động từ xa với mọi tình huống

Từ bài học thực tế tại Myanmar - nơi chỉ trong vài giây, hàng loạt khu dân cư và hạ tầng thiết yếu bị san phẳng bởi trận động đất mạnh 7,7 độ – có thể thấy rõ rằng, thiên tai không chỉ là thách thức môi trường mà còn là nguy cơ hiện hữu đối với hệ thống công nghiệp quốc gia. Trong bối cảnh khu vực Đông Nam Á đang gia tăng nguy cơ địa chấn, các công trình công nghiệp và hạ tầng khác của Việt Nam không bị ảnh hưởng và vẫn đảm bảo tương đối tốt nhưng cần có phương án chủ động sớm từ xa với mọi tình huống, đề phòng trường hợp xấu có thể xảy ra. Cụ thể:

Thứ nhất, tích hợp yếu tố địa chấn vào quy hoạch công nghiệp: Lập bản đồ rủi ro địa chấn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, trung tâm logistics, nhà máy trọng điểm và trạm trung chuyển năng lượng; Rà soát lại vị trí xây dựng các cơ sở trọng yếu như nhà máy nhiệt điện, thủy điện, kho nhiên liệu, trạm điện cao thế… để tránh những khu vực gần đứt gãy hoạt động hoặc nền đất yếu - nơi có nguy cơ khuếch đại rung chấn khi có động đất.

Thứ hai, nâng cấp tiêu chuẩn thiết kế công trình công nghiệp: Ban hành và bắt buộc áp dụng các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khả năng kháng chấn trong xây dựng công nghiệp, nhất là với các công trình có tính chiến lược như nhà máy lọc dầu, nhà máy LNG, cảng hàng hóa quy mô lớn; đưa quy trình thẩm định địa chất trở thành điều kiện bắt buộc đối với các dự án đầu tư quy mô lớn, đặc biệt là các dự án FDI tại Tây Bắc, Trung Bộ – nơi có nền địa chất phức tạp và hoạt động kiến tạo mạnh.

Thứ ba, xây dựng hệ thống cảnh báo sớm và kế hoạch ứng phó khẩn cấp: Mở rộng và hiện đại hóa mạng lưới trạm quan trắc địa chấn quốc gia, ưu tiên bố trí tại các khu vực tập trung công nghiệp; trang bị hệ thống cảnh báo sớm nội bộ cho các nhà máy, khu công nghiệp - có kết nối với hệ thống của Viện Vật lý Địa cầu và các tổ chức quốc tế như USGS, JMA; xây dựng kịch bản ứng phó cụ thể: Từ hướng dẫn sơ tán khẩn cấp, huấn luyện diễn tập định kỳ, đến quy trình đánh giá và gia cố kết cấu sau rung chấn.

Thứ tư, đánh giá rủi ro đứt gãy chuỗi cung ứng: Ngành Công Thương cần phối hợp với ngành giao thông vận tải và đầu tư, đánh giá lại tính kết nối và khả năng chống chịu của hệ thống logistics - bao gồm cầu, hầm, kho hàng, cảng biển, trạm trung chuyển và hạ tầng năng lượng; chuẩn bị trước các kịch bản gián đoạn chuỗi cung ứng trong trường hợp xảy ra động đất ở Việt Nam hoặc quốc gia lân cận, từ đó đảm bảo tính ổn định cho sản xuất và lưu thông hàng hóa.

Thứ năm, đào tạo, nâng cao nhận thức và chia sẻ kinh nghiệm quốc tế: Triển khai chương trình đào tạo nội bộ trong ngành công nghiệp về kiến thức địa chấn, kỹ năng ứng phó thiên tai trong nhà máy, và quy trình vận hành an toàn khi có động đất; khuyến khích các doanh nghiệp FDI - đặc biệt đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc - chia sẻ mô hình phòng chống, ứng phó động đất hiệu quả với các đối tác Việt Nam thông qua hội thảo, tập huấn và hợp tác kỹ thuật.

Trận động đất kinh hoàng tại Myanmar ngày 28/3 là lời cảnh tỉnh rõ ràng rằng: Địa chấn không còn là câu chuyện xa vời, mà là nguy cơ hiện hữu có thể lan xa, ảnh hưởng đến Việt Nam cả về địa chất lẫn chuỗi cung ứng kinh tế. An toàn công nghiệp trước rủi ro địa chấn không chỉ là một yêu cầu kỹ thuật, mà là một phần không thể thiếu của chiến lược phát triển bền vững quốc gia.
Thanh Thanh
Bài viết cùng chủ đề: Động đất

Tin cùng chuyên mục

Lưới điện thông minh: Xu thế hay bắt buộc?

Tin thuế quan 21/4: Doanh nghiệp thế giới chủ động, linh hoạt để tối ưu xuất nhập khẩu

Chiến sự Nga-Ukraine sáng 21/4: Lính Ukraine tháo chạy ở Toretsk

Mạng xã hội 'lột mặt nạ' hàng giả như thế nào?

Chiến sự Nga-Ukraine tối 20/4: Nga bất ngờ ngừng bắn 30 giờ, Kiev tổn thất nặng ở Zaporizhia

Nga nhận thêm máy bay 'Thú mỏ vịt', Đức lo ngại về tên lửa hành trình Taurus

Chiến sự Nga-Ukraine tối 19/4: Đặc nhiệm Ukraine tháo chạy ở Zaporizhia

Nga tạo ra 'vũ khí' vô hiệu hóa tác chiến điện tử

Pháp luật các nước qui định thế nào với y, bác sĩ 'bán hàng’ - Việt Nam có buông lỏng?

Tin thuế quan 19/4: Hoa Kỳ và Italy lạc quan về khả năng đạt thỏa thuận trước hạn

Báo chí giúp doanh nghiệp tiếp cận FTA nhiều nhất

Chiến sự Nga-Ukraine tối 18/4: Ukraine thất thủ ở Kursk

Kinh tế Malaysia tăng trưởng 4,4%, xuất khẩu vượt kỳ vọng

Thế giới đang ươm mầm tương lai năng lượng như thế nào?

Tên lửa Iskander được coi là vũ khí 'sát thần' tại Ukraine

Tin thuế quan 18/4: Châu Âu cải cách mạnh mẽ theo tinh thần 'đôi bên cùng thắng'

Chiến sự Nga-Ukraine tối 17/4: Lính Ukraine rút lui ở Oleshnya

Các 'ông lớn' thế giới quản lý rác thải ra sao?

Hoa Kỳ thử nghiệm đội hình robot tác chiến người - máy

Thiếu tội danh hình sự- 'lực cản' trong xử lý tội phạm đa cấp biến tướng