Thứ năm 21/11/2024 21:20

Dọn rác ô nhiễm - 2.000 bạn trẻ nhóm Sài Gòn Xanh đang hồi sinh những dòng kênh ‘chết’

250 dự án hoạt động với hơn 3.000 tấn rác được thu gom sau gần 2 năm thành lập, những người trẻ trong nhóm Sài Gòn Xanh đang hồi sinh những dòng kênh ‘chết’.

Được thành lập từ cuối năm 2022, từ một, hai thành viên ban đầu khởi xướng, đến nay nhóm Sài Gòn Xanh đã có gần 2.000 thành viên. Những bạn trẻ tình nguyện, yêu môi trường này đang âm thầm từng ngày dọn dẹp các con kênh, rạch trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh, thành khác khắp cả nước.

Đến nay, nhóm Sài Gòn Xanh đã có gần 2.000 thành viên. Ảnh: SGX

Là người đầu tiên nảy sinh ý tưởng "hồi sinh" những dòng kênh "chết", anh Nguyễn Lương Ngọc, Chủ nhiệm nhóm Sài Gòn Xanh chia sẻ: "Trước đây tôi cũng làm với các nhóm mùa hè xanh, chủ nhật xanh, xuân tình nguyện, các hoạt động bên Đoàn Thanh niênHội Liên hiệp Thanh niên. Khi tham gia các hoạt động bên đó, chỉ là dọn rác ở trên cạn, ngoài đường, chứ không dọn rác dưới kênh. Nhận thấy rác ở dưới kênh cũng tích tụ lâu rồi và mình thấy việc này chưa có tổ chức nào đứng lên, tạo ra một câu lạc bộ nào để dọn rác nên mình muốn tạo ra một tổ chức như vậy, rồi kêu gọi mọi người tham gia".

Anh Nguyễn Lương Ngọc, Chủ nhiệm và là người thành lập ra nhóm Sài Gòn Xanh. Ảnh: NVCC

Trong suốt 2 năm qua, định kỳ mỗi thứ 5, thứ 7 và chủ nhật hằng tuần, nhóm sẽ tập trung để dọn dẹp và làm sạch các con kênh, rạch đang bị ô nhiễm. Gần đây, các thành viên của Sài Gòn Xanh đang bắt đầu dành riêng buổi thứ 7 để cải tạo lại một "diện mạo mới" cho những bức tường "xấu xí" trong thành phố. Nhóm đã "hô biến" những bức tường bị vẽ bậy thành những bức tranh sinh động, đẹp mắt mang thông điệp bảo vệ môi trường.

Các thành viên của Sài Gòn Xanh dành buổi thứ 7 để cải tạo lại một "diện mạo mới" cho những bức tường "xấu xí" trong thành phố. Ảnh: SGX
Nhóm đã "hô biến" những bức tường bị vẽ bậy thành những bức tranh sinh động, đẹp mắt mang thông điệp bảo vệ môi trường. Ảnh: SGX

Anh Ngọc cho biết, chi phí thực hiện các hoạt động một phần do vận động ủng hộ, quyên góp, một phần do các thành viên trong nhóm tự bỏ tiền túi ra làm.

"Từ ngày thành lập nhóm đến nay, Sài Gòn Xanh đã thực hiện được khoảng 250 hoạt động và thu gom hơn 3.000 tấn rác. Sau khi nhặt rác dưới kênh xong, nhóm sẽ liên hệ với các công ty môi trường, kết hợp với họ để xử lý rác", anh Ngọc chia sẻ.

Thời gian qua, những video về quá trình dọn rác dưới các con kênh ô nhiễm của Sài Gòn Xanh đã thu hút được khá nhiều sự quan tâm của cộng đồng mạng Việt Nam. Những video này cũng nhận được hàng triệu lượt xem, bình luận, yêu thích và chia sẻ rộng rãi, góp phần phổ biến, truyền cảm hứng ý thức bảo vệ môi trường một cách hiệu quả.

Theo anh Ngọc, các thành viên nhóm đến từ đa dạng tầng lớp, ngành nghề, chiếm phần đông nhất là sinh viên, nhân viên văn phòng, lái xe công nghệ, công nhân tự do. Nhờ sự lan toả trên mạng xã hội mà hoạt động của nhóm hiện nay không chỉ có sự tham gia của các bạn trẻ người Việt mà nhiều người nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam.

Một trong những thành viên người nước ngoài tham gia tích cực với hoạt động của nhóm là anh Arturas Balynas, quốc tịch Litva, hiện đang sinh sống và làm việc tại Đồng Nai.

Trao đổi về những khó khăn trên hành trình "hồi sinh" những dòng kênh "chết" của Sài Gòn Xanh, trưởng nhóm cho biết: "Chúng tôi làm công việc này gặp nhiều mối nguy hiểm như giẫm phải kim tiêm, mảnh sành, động vật đang phân huỷ, đặc biệt là những hoá chất độc hại mà người dân thải ra ngoài, sinh vật nguy hiểm như rắn, rết, chuột, bọ cạp,… Đáng nhớ nhất, trong quá trình hoạt động cũng có nhiều bạn bị giẫm kim tiêm, tuy nhiên may mắn cho nhóm là cũng kịp được các trung tâm y tế chữa trị kịp thời, họ cũng tư vấn cho cách phòng ngừa HIV. Từ đó, nhóm cũng tự tin làm việc hơn".

Việc ngâm mình dưới các con kênh ô nhiễm để dọn dẹp rác tiềm ẩn rất nhiều nguy hiểm. Ảnh: SGX

Theo anh Ngọc, trước đây khi nhóm mới hoạt động, nhiều người dân cũng sợ nguy hiểm nên ngăn cản, không cho làm. Nhưng bây giờ khi hoạt động của nhóm bắt đầu trở nên phổ biến thì người dân không còn cản trở nữa mà rất ủng hộ.

"Khi mở ra hoạt động này, chúng tôi đã tính toán sự an toàn lao động cho các thành viên tham gia dọn rác dưới kênh. Sợ nhất là các hoá chất đổ trực tiếp xuống kênh gây ngứa, dị ứng da. Còn về kim tiêm thì đã có thuốc phơi nhiễm nên cũng đỡ lo. Chúng tôi đã chuẩn bị đầy đủ các phương án ứng phó, xử lý khi gặp những tình huống nguy hiểm phát sinh", anh Ngọc bộc bạch.

Để mở rộng phạm vi hoạt động, thời gian gần đây, nhóm Sài Gòn Xanh đang mở rộng hoạt động ra phía Bắc. Đặc biệt là sau cơn bão số 3, nhóm cũng đã cử một số thành viên ra Bắc hỗ trợ dọn dẹp, xây nhà, lắp mái tôn, cào đường, cào bùn xìn ở các tỉnh phía Bắc đang chịu ảnh hưởng do bão lũ.

Sài Gòn Xanh đã thực hiện được khoảng 250 hoạt động và thu gom hơn 3.000 tấn rác. Ảnh: SGX

Với tiêu chí "ở đâu có rác, ở đó có Sài Gòn Xanh", đội ngũ gồm nhiều bạn trẻ năng động, nhiệt huyết và giàu tình yêu thiên nhiên, môi trường đã và đang ra quân làm sạch hàng trăm con kênh, rạch ô nhiễm trên khắp mọi miền Tổ quốc.

Hình ảnh 1 con kênh trước và sau khi được nhóm Sài Gòn Xanh dọn dẹp. Ảnh: SGX

Những con kênh ô nhiễm, nước đen như mực, đặc sánh, bề mặt rác phủ dày đặc, cùng với mùi hôi thối nồng nặc khiến ai đi ngang qua cũng phải bịt mũi, e dè. Vậy mà các bạn trẻ này đã không ngần ngại ngâm mình dưới dòng nước hôi thối ấy trong suốt nhiều tiếng đồng hồ, bất chấp nguy hiểm để hồi sinh những dòng kênh ô nhiễm không phải là điều dễ dàng mà ai cũng làm được.

Đáng quý hơn, hành động, nghĩa cử cao đẹp ấy còn được các bạn trẻ duy trì thường xuyên trong suốt nhiều năm nay thì quả là một sự nỗ lực không hề nhỏ. Mong rằng, thông qua những hoạt động như vậy có thể góp phần thức tỉnh ý thức bảo vệ môi trường trong mỗi chúng ta, để tương lai sau này xã hội không còn một con kênh nào cần "giải cứu".

Tiểu Kết
Bài viết cùng chủ đề: ô nhiễm môi trường

Tin cùng chuyên mục

Tình người lan tỏa từ 'khu chợ 0 đồng' của chàng trai một chân tại Bình Dương

Cô gái người Dao nuôi khát vọng xây dựng ngành dược liệu Việt vươn tầm quốc tế

Thủy điện Quảng Trị: Anh Nguyễn Trí Thức - Người lãnh đạo gương mẫu, tận tâm

Hỗ trợ người nghèo tham gia ‘lưới’ an sinh: Để không ai bị bỏ lại phía sau

Người phụ nữ nuôi tham vọng đưa hạt sachi Việt Nam ra thế giới

Lai Châu: Lực lượng Cảnh sát cơ động 'Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát'

Thừa Thiên Huế: Người kỹ sư điện với cách làm ‘dân vận khéo’

Đồng Nai: Minh 'râu' bán rau và hành trình tặng rau miễn phí cho công nhân

Thanh Hóa: Già làng Thao Văn Sếnh hơn 30 năm bảo vệ giữ gìn cột mốc biên cương

Gia Lai: Dự án 'Hy vọng' ươm mầm cho tương lai trẻ nghèo vùng Chư Prông

Từ việc học sinh nhặt được của rơi trả người đánh mất: Giáo dục đạo đức cho con trẻ rất quan trọng

Quán cơm 0 đồng giúp đỡ người nghèo của chàng trai kinh doanh cho thuê xe ở Đắk Lắk

Nhóm kỹ sư AI Works và việc phát triển sản phẩm phục vụ ngành dầu khí

Nhân viên Điện lực Lâm Đồng trả lại 300 triệu đồng cho người chuyển nhầm tài khoản

Những người hùng thầm lặng ngày đêm bám ‘cung đèo tử thần’ giúp người gặp nạn ở Kon Tum

Quảng Ninh: Trung úy công an trả lại tiền, vàng nhặt được khi tuần tra cho một phụ nữ đánh rơi

Chị Nguyễn Thị Ngọc Châu và hành trình hiến máu nóng tiếp hi vọng cho bệnh nhân cấp cứu

Vượt định mệnh, dùng đôi chân khuyết nhược đi trao yêu thương

Tiệm sửa xe đặc biệt giữa lòng Đà Nẵng, khách trả phí bằng nụ cười, lời cảm ơn

Những chiến sĩ tình nguyện trắng đêm 'vá đường' miễn phí ở Gia Lai