Thanh Hóa: Người dân lo ngại ô nhiễm môi trường khi quy hoạch khu xử lý rác tại xã Yên Lạc Cận cảnh bốc xếp lưu huỳnh lộ thiên nguy cơ gây ô nhiễm môi trường ở Vĩnh Phúc |
Ô nhiễm môi trường là vấn đề được bàn thảo lâu nay nhưng vẫn chưa có lời giải hữu hiệu, theo GS.TS Đặng Thị Kim Chi - Nguyên Phó Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ Môi trường, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, qua thực tế nghiên cứu, ô nhiễm môi trường của làng nghề tương đối phổ biến, ở trong tất cả các lĩnh vực sản xuất và phụ thuộc vào các dạng sản phẩm, quy trình công nghệ. “Chất ô nhiễm khác nhau gây nên những vấn đề ô nhiễm môi trường khác nhau và tác hại đến sức khỏe của người dân”, GS.TS Đặng Thị Kim Chi cho hay.
Không phải người dân không biết về sự nguy hại từ quá trình xử lý môi trường thô sơ trong các làng nghề hiện nay nhưng chấp nhận đánh đổi vì vấn đề kinh tế. Tại các làng nghề, nhiều tỷ phú đã xuất hiện nhưng cuộc sống và chất lượng môi trường ở khu vực này liên tục đi xuống và ngày càng trầm trọng hơn.
Vì sao ô nhiễm môi trường làng nghề chưa được giải quyết triệt để? Ảnh: Kim Oanh |
Đáng nói, trong hệ thống chính sách hiện nay có không ít văn bản quy phạm pháp luật quy định về bảo vệ môi trường làng nghề, tuy nhiên cho đến nay bài toán ô nhiễm môi trường làng nghề vẫn rất nan giải.
Lý giải về vấn đề này, ông Tạ Đình Thi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội chỉ ra, có 4 trở ngại lớn đã và đang gây khó cho việc giải bài toán ô nhiễm môi trường làng nghề hiện nay.
Thứ nhất, nguồn lực chính để triển khai công tác bảo vệ môi trường làng nghề vẫn trông chờ vào ngân sách, trong khi đó nguồn lực này rất hạn chế.
Thứ hai là công nghệ xử lý, để lựa chọn được công nghệ phù hợp cho tất cả các ngành nghề là không có, bởi chất thải phát sinh từ các làng nghề rất khác nhau.
Thứ ba là mặt bằng sản xuất, khu vực để sản xuất của các hộ gia đình trong làng nghề rất nhỏ hẹp, thậm chí là thiếu, chưa nói tới mặt bằng để xây dựng và vận hành hệ thống xử lý môi trường.
“Một vấn đề nữa là tâm lý ỷ lại của người dân làng nghề vào sự hỗ trợ của Nhà nước khiến bài toán ô nhiễm môi trường làng nghề càng khó giải”, ông Tạ Đình Thi thông tin thêm.
Đồng tình với quan điểm trên, GS.TS Đặng Thị Kim Chi, cho rằng, để xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề, trước hết công nghệ xử lý môi trường phải phù hợp với trình độ kỹ thuật của dân làng nghề. Bởi, đa số bà con làng nghề không được đào tạo chuẩn về kỹ thuật mà học theo kinh nghiệm truyền thống, truyền miệng, nếu đưa vào áp dụng những công nghệ tiên tiến quá, mới quá nhiều khi không áp dụng được.
Công nghệ xử lý môi trường phụ thuộc vào yêu cầu đặc thù của chất thải cần phải xử lý. Vì vậy phải chọn công nghệ làm sao cho đơn giản, phù hợp và tùy mức độ, quy mô. “Chúng tôi đã thấy có đơn vị xây dựng hệ thống xử lý nước thải cho cả làng nghề nhưng không sử dụng được bởi hệ thống được đặt theo hướng ngược lại dòng chảy của nước thải”, GS.TS Đặng Thị Kim Chi nói.
Đứng ở góc độ chính sách, ông Tạ Đình Thi, cho biết, hiện nay có bốn thách thức trong giải quyết ô nhiễm môi trường làng nghề, chính sách hiện hành phải tập trung vào đó. Theo đó, huy động, đa dạng hóa, xã hội hóa các nguồn lực và sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường tại các làng nghề. Tiếp đó, cần tổ chức tốt công tác quy hoạch, bao gồm quy hoạch khu sản xuất, khu xử lý môi trường và phải được sự đồng thuận của người dân. Cùng đó, Nhà nước cùng với hộ gia đình trong các làng nghề nghiên cứu mô hình sản xuất kinh doanh phù hợp theo hướng thân thiện môi trường, theo kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.
“Khung chính sách cơ bản về bảo vệ môi trường làng nghề đã đầy đủ, vấn đề chính hiện nay là cần phải tiếp tục cụ thể hóa và thực thi hữu hiệu hơn nữa. Cùng đó, công tác truyền thông nâng cao nhận thức cho người dân, kể cả các đối tượng khác nhau trong xã hội, để cộng đồng cùng hiểu và chia sẻ rồi chung tay góp sức vào để giải quyết”, ông Tạ Đình Thi nhấn mạnh.
Ông cũng đồng thời bày tỏ, một số loại hình làng nghề quá gây ô nhiễm cũng cần kiên quyết giải quyết và xử lý chứ không để tình trạng như hiện nay. Ý thức cộng đồng, trách nhiệm xã hội đối với môi trường làng nghề cũng đặc biệt cần cải thiện, đây chính là động lực cũng là giải pháp quan trọng giúp giải bài toán ô nhiễm môi trường làng nghề hiện nay.