Đòn bẩy kích cầu cho doanh nghiệp từ các hội chợ cuối năm
Theo Trung tâm Xúc tiến thương mại Đồng Nai (Sở Công Thương), vào cuối tháng 11 và đầu tháng 12 tới đây, đơn vị này dự kiến tổ chức 6 phiên chợ hàng Việt về nông thôn tại các huyện: Trảng Bom, Định Quán, Tân Phú, Xuân Lộc, Cẩm Mỹ và Long Thành. Bên cạnh đó, còn có 2 phiên chợ công nhân tại các khu công nghiệp: Bàu Xéo (H.Trảng Bom) và Tam Phước (TP.Biên Hòa).
Ngoài các phiên chợ này, trung tâm dự kiến phối hợp với đơn vị liên quan của tỉnh tổ chức 26 chuyến hàng Việt về các nhà máy và khu công nghiệp trong tỉnh. Việc thực hiện các phiên chợ này được Trung tâm Xúc tiến thương mại Đồng Nai lý giải nhằm hỗ trợ kết nối sản phẩm của doanh nghiệp Việt sản xuất tới người tiêu dùng ở các vùng nông thôn, các khu công nhân.
Doanh nghiệp tiếp cận người tiêu dùng hiệu quả hơn qua các hội chợ kích cầu dịp cuối năm |
Tại tỉnh Sóc Trăng, mới đây Hội chợ xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP và đặc sản vùng miền tỉnh Sóc Trăng năm 2020 với quy mô trên 360 gian hàng của hơn 150 cá nhân, tổ chức sản xuất kinh doanh đến từ khắp các địa phương đã diễn ra thành công. Theo Sở Công thương Sóc Trăng, hội chợ là một trong những giải pháp cụ thể để thực hiện chủ trương kích cầu cuối năm; đồng thời tạo cơ hội cho các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp gặp gỡ thảo luận tìm kiếm đối tác, ký kết giao thương hàng hóa, liên kết đầu tư và phát triển sản xuất, góp phần phát triển thị trường trong nước.
Hay ở các địa phương khác là Hậu Giang, An Giang, Vĩnh Long… cũng liên tục tổ chức những hội chợ, phiên chợ hàng Việt cuối năm để tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp kết nối sản xuất - tiêu dùng. Sở Công Thương tỉnh Hậu Giang đánh giá, những hoạt động này đã góp phần đưa hàng Việt có chất lượng tốt phục vụ người dân, quảng bá được sản phẩm thương hiệu cho doanh nghiệp. Điển hình là Hội chợ thương mại công nghiệp Hậu Giang diễn ra đầu tháng 11/2020 vừa qua. Theo đó, dù đến từ những địa phương khác nhau nhưng tất cả doanh nghiệp tham gia đều có kỳ vọng có thể mang sản phẩm đến gần hơn với hàng ngàn khách tham quan, mua sắm.
Với TP. Hồ Chí Minh, ước tính vào dịp cuối năm thường có cả trăm phiên chợ, hội chợ hàng Việt được doanh nghiệp và các ngành chức năng tổ chức. Năm nay cũng không ngoại lệ bởi từ đầu tháng 10/2020 tới nay, đã có hàng loạt hội chợ kích cầu mua sắm được Sở Công Thương thành phố tổ chức. Ở mỗi hội chợ này đều thu hút hàng ngàn lượt người tiêu dùng tham quan, mua sắm.
Ông Phạm Thanh Hùng - Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Ba Huân - chia sẻ, Ba Huân đã đều đặn tham gia những hội chợ cuối năm bởi ngoài việc tăng kết nối tiêu thụ sản phẩm thì hội chợ còn giúp doanh nghiệp tìm hiểu nhu cầu - thị hiếu của người tiêu dùng; tìm kiếm đối tác phù hợp để đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến trong thời gian tới, từ đó nâng cao sức cạnh tranh, tăng thị phần ở nội địa. “Ở các hội chợ này, chúng tôi không chỉ mang tới sản phẩm chất lượng mà còn giảm giá ít nhất 15% cho khách hàng dễ dàng tiếp cận”, ông Hùng cho biết.
Có thể thấy, hội chợ, phiên chợ là những hoạt động cụ thể, giải pháp thiết thực giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, là đòn bẩy hỗ trợ, tạo điều kiện để các doanh nghiệp đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh, kết nối cung cầu, phát triển thị trường trong nước. Tuy vậy, tại một số hội chợ, nhiều người tiêu dùng cho rằng, hàng hóa chưa phong phú, đa dạng; còn có hiện tượng hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ trà trộn vào hội chợ, phiên chợ. Chính vì thế, để các hội chợ thương mại mang lại hiệu quả thiết thực, khi tham gia hội chợ doanh nghiệp phải mang sản phẩm kết nối đúng cam kết về chất lượng, chủ động trong việc tìm kiếm thị trường, các nhà phân phối tại địa phương.
Bà Bùi Thị Thanh An - Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương): Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 trên thế giới diễn biến phức tạp, Chính phủ có chủ trương thực hiện mục tiêu kép là vừa phòng chống dịch hiệu quả vừa đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội, thì những hội chợ kích cầu này sẽ là cầu nối hiệu quả cho doanh nghiệp tìm đầu ra cho hàng hóa, thúc đẩy sản xuất kinh doanh trong bối cảnh bình thường mới. |