Lan toả văn hoá của đồng bào Khmer qua lễ hội Ok Om Bok |
Thông qua kiến trúc chùa Khmer, người Khmer muốn giữ gìn nét đẹp trong văn hóa tín ngưỡng Phật giáo cùng tinh thần hướng thiện đến cộng đồng.
Trong kho tàng di sản văn hóa dân tộc Khmer, của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam, ngôi chùa Khmer có một vị trí quan trọng bởi ý nghĩa lịch sử, nghệ thuật và xã hội, đây là một biểu tượng văn hóa tinh thần, vật chất của dân cư trong khu vực với những đặc điểm kiến trúc độc đáo, riêng biệt và đặc sắc.
Người Khmer có quan niệm Đức Phật luôn bên họ để che chở và ban phúc lành nên hầu như ở trong các phum, sóc, người dân tự nguyện đóng góp để xây dựng ngôi chùa riêng cho địa phương mình. Tính riêng người Khmer sinh sống ở khu vực Tây Nam Bộ đã có hơn 1,3 triệu người, với hàng trăm ngôi chùa Khmer lớn nhỏ, trong đó có những ngôi chùa có niên đại xây dựng cách đây vài thế kỉ, được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia
Chùa Khmer tại Làng Văn hoá Việt Nam được xây dựng theo nguyên mẫu chùa K’Leang - một trong những ngôi chùa Khmer cổ nhất ở đồng bằng sông Cửu Long, do chính nghệ nhân người Khmer Nam bộ trực tiếp thiết kế và xây dựng.
Kiến trúc độc đáo chùa Khmer tại Làng Văn hóa |
Chính vì vậy, vốn kiến trúc cổ đặc sắc, đậm chất Khmer được thể hiện đầy đủ và sinh động trong công trình chùa Khmer tại Làng Văn hóa. Có thể nói, đây là một chỉnh thể nghệ thuật tổng hợp mà ở đó, các yếu tố kiến trúc, điêu khắc, hội họa, hoa văn trang trí được bố trí, sắp đặt một cách hài hòa, thể hiện sự kết tinh nghệ thuật truyền thống và trí tuệ sáng tạo của đồng bào Khmer Nam bộ.
Cổng chính được bố trí theo đúng phong cách kiến trúc Khmer truyền thống |
Nằm trong khu đất có tổng diện tích 0,8ha, vị trí trung tâm là chính điện, xung quanh chính điện có 4 tháp góc, bên trái là ao sen, vườn tháp và nhà thiêu, bên phải là am thờ. Phía sau chính điện, bên phải là chùa nhỏ (sala) và nhà ghe ngo ở bên trái, tất cả đều được bố trí theo đúng phong cách kiến trúc Khmer truyền thống, đặc biệt là ngôi chính điện. Đây là nơi tập trung đầy đủ nhất tài năng và nghệ thuật xây dựng của người nghệ nhân Khmer Nam bộ với những quy tắc kiến trúc “bất di, bất dịch” từ xưa đến nay.
Xung quanh chùa là hiên và hàng cột tròn, mỗi cột đều gắn tượng thần Krud |
Điểm nổi bật trong kiến trúc của chùa Khmer đều có hệ thống tượng, và phù điêu |
Chính điện chùa Khmer ở Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam nằm dọc theo hướng Đông - Tây, có mặt bằng hình chữ nhật với 3 cấp nền. Xung quanh là hiên và hàng cột hiên tròn, mỗi cột đều gắn tượng thần Krud một nửa thân là chim, một nửa là tiên nữ trong tư thế đứng dang hai tay vươn lên đỡ mái. Dọc theo hành lang và trên nóc mái là tượng rắn Naga bảy đầu luôn nhìn lên, đó là biểu tượng của thần Naga vĩnh cửu; mặt trước và sau chính điện có 4 cửa đi vào trong, dọc hai bên chính điện đều có dãy cửa sổ mở để lấy sáng và làm thông thoáng bên trong chính điện.
Các điển tích trang trí trên các tường bao đều ngầm định hướng tới ý nghĩa hướng thiện |
Nghệ nhân Lý Lết dân tộc Khmer, người trực tiếp thiết kế và phụ trách xây dựng chùa Khmer tại Làng Văn hóa chia sẻ: Nét độc đáo trong nghệ thuật kiến trúc chùa Khmer nói chung, chùa Khmer ở Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam nói riêng là tuân thủ quy tắc “tâm tỏa”, theo đó, kích thước của vị trí trung tâm chính điện là cơ sở để xác định quy mô cũng như kích thước các bộ phận khác của chùa Khmer. Đây là quy tắc căn bản nhất trong xây dựng một ngôi chùa Khmer, đồng thời là dấu hiệu để nhận dạng và phân biệt chùa Khmer với chùa của các dân tộc khác.
Trang trí hoa văn của người Khmer trên công trình tạo tác rất tinh tế và công phu, tính thẩm mỹ cao |
Điêu khắc cũng là một nét độc đáo, đặc sắc làm tăng thêm giá trị thẩm mỹ cho chùa Khmer. Nóc trần và dọc theo bốn bức tường bên trong chính điện đều được vẽ các bức tranh như “Lễ hạ điền”, “Tì kheo Ni”, “Vích-sen-đo”… kể về cuộc đời của đức Phật từ lúc sinh ra đến khi Niết Bàn với những giá trị nhân văn cao đẹp và những triết lý sâu sắc nhưng gần gũi với cuộc sống. Nơi cao nhất và tôn nghiêm nhất là nơi đặt tượng Phật. Ngoài tượng Phật, nghệ thuật điêu khắc còn thể hiện ở các tượng đầu thần Mahaprum, Kayno, Krud… mà mỗi hình tượng mang đậm tính đặc thù dân tộc. Nghệ thuật trang trí cũng khá hoàn thiện và công phu tại chùa Khmer. Mỗi khoảng trống đều được tận dụng từ cổng vào, riềm tường, cột, khuôn cửa nóc mái cho đến khoảng không chật hẹp của bất kỳ công trình hay bộ phận kiến trúc nào đều được điêu khắc từ đơn giản đến phức tạp, tinh tế như một nét đặc thù tài hoa của mỹ thuật Khmer cổ điển.
Phía trong chánh điện là bức tượng Đức Phật Thích Ca ngồi trên tòa sen cao |
Ngôi chùa là nơi sinh hoạt tôn giáo, văn hóa của đồng bào Khmer giữa Thủ đô Hà Nội |
Đối với đồng bào Khmer Nam bộ, ngôi chùa có ý nghĩa lớn và sâu sắc. Chùa là nơi được người Khmer tôn thờ và kính trọng nhất, không chỉ bởi nó là bộ mặt của phum sóc, là trung tâm sinh hoạt văn hóa, tâm linh của cộng đồng, mà còn là điểm tựa tinh thần, góp phần giáo dục, định hướng nhân cách mỗi người dân sống “tốt đời, đẹp đạo”, hướng tới những giá trị chân, thiện, mỹ. Chùa Khmer Việt Nam còn là sự hàm chứa triết lý sâu xa “văn dĩ tải đạo”, nói lên tình đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau của các dân tộc anh em.
Đặc biệt ngày lễ, Tết truyền thống của đồng bào Khmer, thu hút rất đông du khách đến tham quan chiêm bái |
Giữa Thủ đô Hà Nội, trong khuôn viên “sơn thủy, hữu tình” của Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, một ngôi chùa Khmer khang trang, bề thế được hoàn thiện theo đúng phong cách kiến trúc cổ truyền. Đây là niềm tự hào sâu sắc của đồng bào Khmer, bởi thông qua sự hiện diện ấy, cộng đồng các dân tộc anh em và du khách thập phương sẽ hiểu hơn về phong tục tập quán cũng như nghi thức Nam tông của người Khmer Nam bộ. Sự hiện diện ấy cũng cho thấy tính đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta trong thực hiện chính sách dân tộc, chính sách tôn giáo, đại đoàn kết toàn dân, phát triển nền văn hóa Việt Nam đa dạng, thống nhất, tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.