Doanh nghiệp xi măng trong nước đang trông chờ các nhà đầu tư nước ngoài.
CôngThương - Trong bối cảnh thị trường bất động sản suy giảm, ngành xi măng trong nước rơi vào cảnh thừa cung, hiệu quả đầu tư thấp, kéo theo nhiều doanh nghiệp xi măng thua lỗ và nguy cơ phá sản.
Ông Đỗ Đức Oanh, Tổng thư ký Hiệp hội Xi măng Việt Nam cho biết, hiện nay chỉ khoảng 50% doanh nghiệp xi măng có thể trụ được, 30% doanh nghiệp khó khăn và 20% doanh nghiệp hết sức khó khăn và có nguy cơ phá sản.
Đối phó với tình hình trên, các doanh nghiệp sản xuất xi măng buộc phải tái cơ cấu. Theo đại diện Hiệp hội, hiện nay các doanh nghiệp trong nước không đủ lực để tái cơ cấu hoặc hỗ trợ các doanh nghiệp khác, nên "cứu cánh" chính là đối tác nước ngoài.
Nhà nước đã yêu cầu một số doanh nghiệp trong nước mua lại những nhà máy xi măng đang gặp khó khăn nhưng nguồn lực các doanh nghiệp này không đủ khả năng, như Tổng công ty Công nghiệp Xi măng (Vicem) chưa thể mua lại nhà máy xi măng Cẩm Phả và Hạ Long, nên tất yếu sẽ xảy ra việc mua bán sáp nhập (M&A) giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài, ông Oanh nói.
Cùng quan điểm trên, Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính (VAFI) cho biết, 3 năm qua, đã và đang có khoảng 10 thương vụ M&A trong ngành xi măng. Trong đó, những doanh nghiệp xi măng quản trị kém, nợ nhiều và lâm vào tình cảnh phá sản buộc phải bán cho nhà đầu tư chiến lược có tiềm lực tài chính và có năng lực quản trị cao hơn.