Ông Trầm Bê tái xuất thương trường
Ngày 29/5, Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 của Công ty cổ phần Bệnh viện đa khoa tư nhân Triều An đã bầu ông Trầm Bê làm thành viên Hội đồng quản trị nhiệm kỳ 2022 – 2027. Đây là sự kiện đánh dấu sự trở lại thương trường của ông Trầm Bê sau khi hoàn thành thi hành các bản án hình sự, với tổng cộng 7 năm tù.
Ông Trầm Bê làm thành viên Hội đồng quản trị nhiệm kỳ 2022 – 2027 của Công ty cổ phần Bệnh viện đa khoa tư nhân Triều An. Ảnh minh họa |
Ông Trầm Bê cũng chính là người sáng lập và Chủ tịch Hội đồng quản trị Bệnh viện Triều An. Tuy nhiên, ông Trầm Bê đã rời khỏi các vị trí lãnh đạo tại bệnh viện này sau khi vướng vòng lao lý bởi vụ án tại Ngân hàng Phương Nam (SouthernBank) và Ngân hàng Sài Gòn Thương tín (Sacombank) năm 2017.
Ông Trầm Bê sinh năm 1959, khởi nghiệp từ khai thác tài nguyên gỗ với Công ty Chế biến lâm sản Đông Anh. Thời gian sau, ông tham gia bất động sản với Công ty Đầu tư Xây dựng Bình Chánh (BCCI) rồi đến mảng y tế của Bệnh viện Triều An.
Ngoài ra, ông Trầm Bê cũng đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, tài chính và cả bất động sản.
Doanh nghiệp của đại gia Đường “bia” lỗ nặng
Báo cáo gừi Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) mới đây, Công ty cổ phần Đường Man xác nhận khoản lỗ sau thuế hơn 51,5 tỷ đồng trong năm 2022, cùng kỳ năm trước lỗ gần 92 tỷ đồng. Hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu của Đường Man cũng tăng từ 6,09 lên 8,42 lần, hệ số dư nợ trái phiếu trên vốn chủ sở hữu tăng từ 0,95 lên 1,26 lần.
Công ty Đường Man thành lập ngày 4/2/2002, hoạt động chính trong lĩnh vực sản xuất tinh bột và các sản phẩm từ tinh bột. Vốn điều lệ ban đầu của Đường Man là 200 tỷ đồng, với 5 cổ đông sáng lập gồm: Ông Nguyễn Hữu Đường (Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm người đại diện pháp luật), ông Nguyễn Anh Tuấn, ông Nguyễn Xuân Ảnh, ông Nguyễn Đức Thái và bà Nguyễn Thị Thu Huyền.
Đường Man hiện là thành viên của Công ty TNHH Hòa Bình, Tập đoàn đã triển khai nhiều công trình quy mô như khách sạn dát vàng Dolce By Wyndham Hanoi Golden Lake, dự án dát vàng Hội An Golden Sea, tháp đôi Hòa Bình (diện tích xây dựng 23,845.2 m2), khách sạn Hòa Bình Palace 3 sao (3,000 m2); tòa nhà căn hộ 4 sao Hòa Bình Green (25,000 m2); chung cư cao cấp (6 sao) Hoa Binh Green City (250,000 m2)…
Nhiều doanh nghiệp chậm trả lãi trái phiếu
Cong ty cổ phần Đầu tư và Dịch vụ Đất Xanh Miền Nam vừa công bố thông tin bất thường về việc chậm thanh toán gốc, lãi trái phiếu MNRCH2123001. Theo kế hoạch, Đất Xanh Miền Nam phải thanh toán kỳ lãi thứ 12 đến thứ 16 trong thời gian từ 15/2 - 31/5. Cụ thể, trong tháng 2, công ty có hai kỳ thanh toán lãi vào các ngày 15/2 (kỳ 12) và 28/2 (kỳ 13) với số tiền lần lượt lần khoảng 1,6 tỷ đồng và 1,4 tỷ đồng.
Tiếp đó, ngày 31/3, công ty phải thanh toán lãi kỳ 14 với số tiền khoảng 1,6 tỷ đồng. Kỳ lãi thứ 15 và 16 dự kiến thanh toán vào ngày 4/5 và ngày 31/5, lần lượt khoảng 1,5 tỷ đồng và 1,6 tỷ đồng.
Tuy nhiên, do chưa thu xếp kịp nguồn thanh toán nên Đất Xanh Miền Nam đã có công văn về việc chậm thanh toán lãi, lùi về ngày 30/6 sẽ thanh toán hết tất cả các kỳ trên với tổng số tiền khoảng hơn 7,7 tỷ đồng.
Báo cáo tài chính cho thấy, năm 2022, Đất Xanh Miền Nam lỗ sau thuế 122 tỷ đồng, trong khi năm trước lãi gần 16 triệu đồng.
Ngoài Đất Xanh Miền Nam, Công ty cổ phần Đường Man, công ty thuộc hệ sinh thái của đại gia Nguyễn Hữu Đường chậm trả lãi trái phiếu với mệnh giá 200 tỷ đồng. Theo báo cáo, ngày 30/11/2021 là ngày thanh toán lãi của trái phiếu DMBOND2017 với giá trị 5,48 tỷ đồng và tiền chậm thanh toán là 13,39 tỷ đồng. Tuy nhiên, thực tế công ty chỉ thanh toán được 5,5 tỷ đồng.
Nguyên nhân được Đường Man lý giải do tổ chức phát hành chưa thu xếp đủ nguồn thanh toán tại ngày thanh toán theo kế hoạch. Đáng nói, thời điểm chậm thanh toán diễn ra vào ngày 30/11/2021 nhưng tới ngày 18/5/2023, Đường Man mới báo cáo với HNX.
Nhiều cổ phiếu bỗng tăng “dựng đứng”
Tuần qua, mã cổ phiếu TDH của Công ty cổ phần Phát triển Nhà Thủ Đức (Thuduc House) liên tục tăng trần thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư. Theo đó, chốt phiên cuối tuần, mã THD đứng ở mức 5.150 đồng/cổ phiếu, tăng 6,85%. Đây là phiên thứ 6 cổ phiếu này đạt mức trần với tổng biên độ tăng gần 50%. Nếu so với đầu năm, TDH đã tăng hơn 60%, từ mốc 2.840 đồng/cổ phiếu lên mức giá hiện tại.
Lý giải về điều này, lãnh đạo Thuduc House cho biết cổ phiếu tăng do cung cầu của thị trường, việc quyết định giao dịch mua bán của nhà đầu tư nằm ngoài tầm kiểm soát của công ty. Thuduc House khẳng định không có bất kỳ sự tác động nào ảnh hưởng đến giá giao dịch cổ phiếu TDH trên thị trường chứng khoán.
Ngoài ra, Thuduc House cũng đề cập đến quyết định của Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE) về việc đưa TDH khỏi diện hạn chế giao dịch do đã khắc phục được vi phạm về công bố thông tin. Tuy nhiên, theo quyết định của HoSE, cổ phiếu này vẫn trong diện cảnh báo. Bên cạnh đó, loạt tin tức tích cực về tình hình hoạt động của Thuduc House thời gian qua cũng là một trong những lý do khiến cổ phiếu này tăng.
Tương tự, cổ phiếu QCG của Quốc Cường Gia Lai cũng liên tục tăng trần trong những phiên giao dịch gần đây. Tính chung, cổ phiếu QCG đã tăng trần 6 phiên liên tiếp từ 26/5 - 2/6, nâng giá cổ phiếu từ 5,100 đồng lên mức 7.590 đồng/cổ phiếu.
Trong bản giải trình gửi cơ quan quản lý, Quốc Cường Gia Lai cho biết vẫn đang hoạt động bình thường, không có bất cứ biến động nào, và Công ty luôn công bố, báo cáo đầy đủ các sự kiện liên quan đến hoạt động theo quy định.
Quốc Cường Gia Lai khẳng định việc giá cổ phiếu tăng trần 5 phiên liên tiếp từ 26/5-1/6 là sự kiện khách quan, nằm ngoài sự kiểm soát của doanh nghiệp.