Thứ năm 28/11/2024 01:29

Doanh nghiệp Nhật Bản quan tâm đến môi trường đầu tư Vĩnh Phúc

Toàn tỉnh Vĩnh Phúc đã thu hút được 58 dự án đầu tư Nhật Bản,với tổng vốn đăng ký 1,62 tỷ USD.Nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đang lên kế hoạch đầu tư tại Vĩnh Phúc

Vĩnh Phúc thu hút 450 dự án FDI

Thực hiện Chương trình xúc tiến đầu tư năm 2023, UBND tỉnh Vĩnh Phúc vừa tổ chức “Hội nghị giao lưu, kết nối doanh nghiệp Việt Nam - Nhật Bản” năm 2023 với sự tham gia của rất nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn của Nhật Bản.

Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành (đứng giữa) tham dự Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác doanh nghiệp Việt Nam - Nhật Bản

Sự kiện nằm trong chuỗi các hoạt động hướng tới kỷ niệm 50 năm thiết lập mối quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản (21/9/1973 - 21/9/2023), nhằm tăng cường kết nối, thúc đẩy các hoạt động giao lưu, kết nối đầu tư, xúc tiến thương mại, du lịch giữa tỉnh Vĩnh Phúc và các địa phương, nhà đầu tư đến từ Nhật Bản, tạo mối quan hệ hợp tác phát triển giữa các nhà đầu tư Việt Nam và Nhật Bản.

Theo ông Vũ Việt Văn - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Vĩnh Phúc: Đến hết năm 2022, toàn tỉnh Vĩnh Phúc đã thu hút được 450 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), với tổng vốn đầu tư trên 7,5 tỷ USD.

“Trong đó, có 58 dự án của Nhật Bản, tổng vốn đăng ký trên 1,62 tỷ USD, đứng thứ 2 về số dự án, số vốn đầu tư nhưng đứng đầu về tỷ lệ vốn thực hiện và hiệu quả sản xuất kinh doanh trên địa bàn” - ông Vũ Việt Văn thông tin.

Các dự án của Nhật Bản chủ yếu đầu tư vào lĩnh vực sản xuất ô tô, xe máy, chế tạo, đóng góp tới 70% tổng thu ngân sách hằng năm của Vĩnh Phúc, giải quyết việc làm cho hơn 24 nghìn lao động. Bên cạnh đó, các dự án sử dụng nguồn vốn ODA Nhật Bản, điển hình là Dự án Cải thiện môi trường đầu tư trị giá 152 triệu USD đã giúp tỉnh giải quyết được những bất cập ban đầu như: Thiếu điện, thiếu nước sạch, hệ thống thoát nước và xử lý nước thải lạc hậu.

Mục tiêu của tỉnh Vĩnh Phúc là phấn đấu trở thành trung tâm phát triển công nghiệp, dịch vụ và du lịch của khu vực và cả nước. Trong thời gian tới tỉnh Vĩnh Phúc xác định: Tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài phục vụ nhiệm vụ phát triển nền kinh tế của địa phương, đặc biệt là các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn đa quốc gia đầu tư tại tỉnh. Chuyển từ thu hút đầu tư bị động sang chủ động và chủ trương thu hút có chọn lọc, lựa chọn khu vực, thị trường, đối tác để thúc đẩy hợp tác phát triển phù hợp với bối cảnh thế giới và khu vực.

Vĩnh Phúc hấp dẫn nhà đầu tư đến từ Nhật Bản

Sẵn sàng giải đáp thắc mắc của nhà đầu tư

Tại sự kiện, nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đánh giá cao môi trường đầu tư tại tỉnh Vĩnh Phúc, đồng thời mong muốn được chính quyền địa phương giải đáp những thắc mắc liên quan đến môi trường đầu tư. Cụ thể, đại diện Công ty Asahi đề nghị tỉnh Vĩnh Phúc cung cấp thông tin về tình hình quỹ đất sạch tại các khu công nghiệp và các thông tin một số dự án hạ tầng khu công nghiệp cần thu hút đầu tư.

Liên quan đến vấn đề này, đại diện UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, hiện trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc có 19 khu công nghiệp được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục các khu công nghiệp phát triển trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc với tổng diện tích 5.487,31ha. Trong đó, có 16 khu công nghiệp đã được chấp thuận chủ trương đầu tư và cấp Giấy chứng nhận đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

Theo phương án phát triển các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc tại Quy hoạch tỉnh trong giai đoạn 2021- 2030 phát triển thêm 4 khu công nghiệp mới và sau năm 2030 sẽ phát triển thêm 4 khu công nghiệp, nâng tổng số các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 lên 27 khu công nghiệp.

Về quỹ đất tại khu công nghiệp, theo UBND tỉnh Vĩnh Phúc, tại các khu công nghiệp còn quỹ đất có thể cho thuê là Khu công nghiệp Thăng Long (34 ha), Tam Dương II - khu A (5ha) đã có nhà đầu tư thứ cấp quan tâm và đang đàm phán thuê lại đất với các chủ đầu tư khu công nghiệp; Hiện chỉ còn Khu công nghiệp Bá Thiện - phân khu I có 152,67ha quỹ đất công nghiệp có thể sẵn sàng thu hút đầu tư...

Ngoài ra, các doanh nghiệp trong thời gian tới có thể quan tâm nghiên cứu đầu tư vào các khu công nghiệp hiện đang thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng và xúc tiến đầu tư cơ sở hạ tầng gồm các Khu công nghiệp Sơn Lôi; Nam Bình Xuyên; Sông Lô I; Sông Lô II; Thái Hòa - Liễn Sơn - Liên Hòa (khu vực II - giai đoạn 1); Tam Dương I - khu vực 2.

Liên quan đến câu hỏi về đầu tư trung tâm thương mại của đại diện Công ty Simizu, UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, hiện toàn tỉnh có 7 siêu thị và 2 trung tâm thương mại. Trong thời kỳ 2021-2030, tỉnh sẽ tập trung phát triển siêu thị các loại (chủ yếu là hạng II và III); riêng siêu thị hạng I và trung tâm thương mại chỉ phát triển theo quy hoạch (chủ yếu ở các Khu đô thị, các khu công nghiệp lớn đang được đầu tư phát triển).

Trong đó, đối với thành phố: Bố trí ít nhất 5 điểm để xây dựng các trung tâm thương mại, trong đó có ít nhất 1 điểm tại trung tâm có diện tích ≥ 5ha; đối với thị xã: Bố trí từ 3 đến 5 địa điểm để xây dựng các trung tâm thương mại có diện tích ≥ 3ha; đối với cấp huyện: Bố trí từ 3 đến 5 địa điểm để xây dựng các trung tâm thương mại có diện tích ≥ 2ha.

Tại hội nghị, rất nhiều thắc mắc của nhà đầu tư Nhật Bản liên quan đến thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch, các chính sách thu hút đầu tư của địa phương… cũng được UBND tỉnh Vĩnh Phúc giải đáp cụ thể. Được biết, Nhật Bản là một trong những đối tác quan trọng trong thu hút đầu tư của tỉnh Vĩnh Phúc, theo đó, ngoài tập trung thu hút các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, tỉnh Vĩnh Phúc sẽ tập trung triển khai hiệu quả các thỏa thuận đã ký kết với 2 tỉnh Akita và Tochighi. Trong đó, có các dự án đang triển khai như đầu tư hạ tầng khu công nghiệp của Tập đoàn Sumitomo; dự án đầu tư, phát triển bò thịt tại Việt Nam với Tập đoàn Sojitz.

Cùng với đó, đẩy mạnh tìm kiếm cơ hội thực hiện các hoạt động thương mại, xuất khẩu sản phẩm chủ lực của tỉnh sang Nhật Bản; thúc đẩy hợp tác du lịch, kết nối đưa khách du lịch của Nhật Bản sang Vĩnh Phúc để du lịch thể thao golf, như mô hình đang triển khai đối với Công ty TNHH Tập đoàn Á Châu ASIA Group tại Vĩnh Phúc.

Tại hội nghị, đại diện Trung tâm Nghiên cứu, xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc; Công ty TNHH Tập đoàn Á Châu Asia Group; Trung tâm thông tin và xúc tiến du lịch (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc) và Công ty VY Planning đã kí kết Bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch.
Nguyễn Hoà
Bài viết cùng chủ đề: tỉnh Vĩnh Phúc

Tin cùng chuyên mục

TP. Hải Phòng hướng đến phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo bền vững

Quảng Ninh khẳng định vai trò đầu mối, thúc đẩy liên kết vùng

An Giang: 'Trải thảm đỏ' thu hút đầu tư hàng loạt dự án công nghiệp lớn

Thừa Thiên Huế: Di dời hơn 200 hộ dân sống ở vùng nguy cơ sạt lở đến nơi an toàn

Quảng Nam: Sóng lớn lại xé toạc bờ biển Hội An

Quảng Nam: Phát hiện một cá thể voi đi lạc giữa đồng bằng

Quảng Ninh: Đông Triều nỗ lực hướng tới môi trường xanh trong sản xuất, khai thác than

An Giang: Giới thiệu tiềm năng đầu tư và quảng bá sản phẩm đặc trưng

Tuyên Quang: Chia sẻ kinh nghiệm về quản lý, phát triển chợ, siêu thị

Vĩnh Phúc: Nhiều cơ hội phát triển dịch vụ logistics xanh

Khai mạc Hội chợ Nông nghiệp quốc tế Đồng bằng Bắc Bộ 2024 tại Thái Bình

Hạ tầng số hiện đại - 'chìa khóa' để Quảng Ninh tăng tốc chuyển đổi số

Quảng Ninh: Tăng tốc hoàn thành kế hoạch, giữ vững tăng trưởng 2 con số

Lạng Sơn: Phê duyệt mức hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo

Quảng Nam: Mưa lớn gây sạt lở nhiều nơi ở huyện miền núi Bắc Trà My

Sau sắp xếp đơn vị hành chính, thành phố Thanh Hóa sẽ có bao nhiêu phường, xã?

Thừa Thiên Huế: Công điện hoả tốc ứng phó mưa lũ, học sinh được nghỉ học

Nước lũ dâng cao, tỉnh Quảng Ngãi di dời khẩn cấp người dân

Quảng Nam: Mưa lớn gây sạt lở làm sập tường ở điểm trường Răng Chuỗi huyện Nam Trà My

Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh): Hướng tới ‘cái nôi’ giá trị văn hóa lịch sử