Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã dự báo khu vực này sẽ lấy lại tốc độ tăng trưởng trung bình trên 5% vào năm 2021. Cộng đồng doanh nghiệp Mỹ cho biết, các nhà xuất khẩu, công nhân và nông dân Mỹ cần tiếp cận với các thị trường này nếu muốn tham gia vào sự tăng trưởng mạnh mẽ này.
RCEP tập hợp các quốc gia có quy mô dân số khoảng 2,2 tỷ người và chiếm 30% sản lượng kinh tế của thế giới. Các bên ký kết hiệp định là Australia, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand và 10 thành viên ASEAN. Hiệp định đặt mục tiêu giảm bớt các rào cản thương mại và tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp trong khu vực kinh doanh dễ dàng hơn.
Các chuyên gia cho rằng việc ký kết RCEP chỉ ra những thách thức đối với Mỹ khi muốn quay lại chủ nghĩa đa phương sau nhiệm kỳ của Tổng thống Donald Trump. Eswar Prasad, giáo sư kinh tế và chính sách thương mại tại Đại học Cornell cho biết, hiệp định thương mại mới này gắn kết chặt chẽ hơn vận mệnh kinh tế của các nước ký kết và theo thời gian sẽ tạo ra các quỹ đạo kinh tế, chính trị ở châu Á.
RCEP sẽ hạ thấp hoặc xóa bỏ thuế quan đối với các hàng hóa và dịch vụ khác nhau, mặc dù phạm vi của hiệp định có phần hạn chế vì về cơ bản là mở rộng thương mại tự do theo các khuôn khổ hiện có. Theo các chuyên gia, một trong những lợi ích lớn nhất liên quan đến quy tắc xuất xứ của hiệp định, giúp các công ty dễ dàng thiết lập chuỗi cung ứng trải dài trên nhiều quốc gia. Deborah Elms, người sáng lập Trung tâm Thương mại châu Á, cho biết, việc sản xuất và bán hàng hóa trong khu vực sẽ dễ dàng hơn nhiều khi RCEP có hiệu lực. Các công ty có thể xây dựng cơ sở và bán hàng trên toàn khu vực với chỉ một giấy chứng nhận xuất xứ và không phải tuân thủ nhiều hình thức và quy tắc khác nhau. Điều đó có nghĩa là các công ty từ Mỹ và các quốc gia khác không tham gia RCEP sẽ khó cạnh tranh hơn ở châu Á. Các công ty ở châu Á được hưởng ưu đãi thuế quan hơn, có thể tiếp cận hải quan tốt hơn, cải thiện khả năng tiếp cận thị trường đối với dịch vụ và cơ hội đầu tư tốt hơn đáng kể.
Sở dĩ RCEP rất quan trọng như vậy vì đây là một trong những hiệp định thương mại lớn nhất từng được ký kết, với các quốc gia thành viên đại diện cho khoảng 1/3 dân số và sản lượng kinh tế của thế giới. RCEP cũng đánh dấu thỏa thuận thương mại đa phương đầu tiên của Trung Quốc, thỏa thuận cắt giảm thuế quan song phương đầu tiên giữa Nhật Bản và Trung Quốc, và lần đầu tiên Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc tham gia một hiệp định thương mại tự do duy nhất. RCEP sẽ bổ sung gần 200 tỷ USD cho nền kinh tế toàn cầu và 0,2% mỗi năm vào GDP của các thành viên, theo ước tính của các học giả Peter A. Petri và Michael G. Plummer trong nghiên cứu của Viện Kinh tế quốc tế Peterson. Ngoài ra, hiệp định này rất quan trọng vì nó sẽ khơi dậy niềm tin của nhà đầu tư.
Việc chính thức hóa RCEP được đưa ra khi khu vực châu Á - Thái Bình Dương, khu vực phần lớn đã có thể kiểm soát được đại dịch, đang tìm cách phục hồi kinh tế. Mặc dù hiệp định cần có thời gian phê chuẩn để thực hiện, nhưng vẫn có thể giúp thúc đẩy các nền kinh tế châu Á. RCEP nhấn mạnh ưu tiên cao mà khu vực đặt ra đối với việc mở cửa thị trường quốc tế và hội nhập kinh tế sâu rộng, tại một thời điểm rất thách thức đối với hệ thống thương mại toàn cầu hiện nay.
Riêng đối với Trung Quốc và Mỹ, để xem xét RCEP có ý nghĩa như thế nào thì cần nhìn lại Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Đây là một phần trong chiến lược “xoay trục” sang châu Á của chính quyền Mỹ thời Tổng thống Obama và nhằm chống lại sự trỗi dậy của Trung Quốc bằng cách cải thiện hợp tác kinh tế với các đồng minh trong khu vực. TPP bao gồm một loạt các quy định về môi trường, nhân quyền, sở hữu trí tuệ và lao động nhằm tăng cường khả năng cạnh tranh của Mỹ. Thời đó, những “tác giả” của hiệp định này hy vọng rằng nếu có đủ các đối tác thương mại lớn khác của Trung Quốc ký kết TPP thì Trung Quốc cũng sẽ bị buộc phải tham gia - và tuân thủ các tiêu chuẩn mới. Nhưng vào đầu năm 2017, khi Tổng thống Donald Trump nhậm chức, đã coi đó là một thỏa thuận thương mại tự do sẽ đưa việc làm sản xuất của Mỹ ra nước ngoài và quyết định rút khỏi TPP. Hiệp định này đã được sửa đổi thành Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), với 11 quốc gia - bao gồm cả Nhật Bản, Canada và Australia.
RCEP không giống như CPTPP, không bao gồm các điều khoản chi tiết liên quan đến các tiêu chuẩn về môi trường và lao động. Với cả hai hiệp định khu vực ở châu Á - Thái Bình Dương đều không có sự tham gia của Mỹ, các chuyên gia nhận định Mỹ hiện có ít đòn bẩy hơn để gây áp lực đối với Trung Quốc trong việc điều chỉnh các hoạt động kinh tế và thương mại để phù hợp hơn với các tiêu chuẩn của Mỹ về lao động, môi trường, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và các vấn đề khác liên quan đến thương mại tự do.
Cho đến nay, ông Joe Biden - người tuyên bố đắc cử Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ thứ 46, vẫn không cam kết về việc liệu có tìm cách tham gia CPTPP mới hay không. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, RCEP có thể là động lực khiến chính quyền Mỹ trong thời gian tới phải tham gia lại vào khu vực này. Phát biểu hôm 16/11, chỉ một ngày sau khi RCEP được ký kết, ông Biden đã nói rằng, Mỹ cần làm việc với các đồng minh để thiết lập các quy tắc thương mại toàn cầu nhằm chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc. Mỹ chiếm tới 25% nền kinh tế trên thế giới và Mỹ cần phải liên kết với các đồng minh để có thêm 25% khác hoặc hơn thế để Mỹ có thể đặt ra các quy tắc thương mại quốc tế. Học giả Plummer hy vọng RCEP sẽ là một động lực thúc đẩy Mỹ xây dựng lại mối quan hệ của mình, bởi nếu không, Mỹ có nguy cơ tụt hậu trong khu vực kinh tế có tiềm năng hứa hẹn nhất thế giới.