Doanh nghiệp kiến nghị xem xét áp dụng mô hình thương mại tự do để thu hút đầu tư
Sáng 21/9, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị của Thường trực Chính phủ làm việc với các doanh nghiệp về giải pháp góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Tại hội nghị, đại diện nhiều doanh nghiệp đã có nhiều đề xuất, kiến nghị về các giải pháp góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Theo ông Đặng Minh Trường, Chủ tịch Tập đoàn Sun Group, Việt Nam cần thể chế hóa việc lựa chọn nhà đầu tư chiến lược theo cơ chế giao nhiệm vụ cho các doanh nghiệp tư nhân có đủ năng lực thực hiện các dự án trọng điểm mang tính trọng lực phát triển kinh tế-xã hội. Đi kèm với cơ chế lựa chọn này, cũng cần có các cơ chế đặc thù đi kèm.
"Đối với một dự án nếu đưa ra đấu thầu, đấu giá thì mất rất nhiều thời gian, 2-3 năm, thậm chí hơn. Tuy nhiên, với một số dự án lớn tạo động lực thì chỉ có một số doanh nghiệp đủ sức thực hiện, cuối cùng thì cũng sẽ chọn chúng tôi mà lại mất rất nhiều thời gian, chi phí, cơ hội và tiền bạc", ông Trường nêu ví dụ.
Ông Đặng Minh Trường, Chủ tịch Sun Group nêu kiến nghị tại hội nghị. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Đồng thời, Chủ tịch Tập đoàn Sun Group cũng kiến nghị xem xét áp dụng mô hình thương mại tự do tại các địa bàn tiềm năng du lịch biển đảo như Phú Quốc… nhằm phát triển thu hút đầu tư.
"Các hình thức này phổ biến trên thế giới như đảo Hải Nam (Trung Quốc), đảo Zeju (Hàn Quốc). Mặc dù Phú Quốc là địa danh rất nổi tiếng nhưng công tác truyền thông quảng bá chưa được tương xứng.
Với cơ chế đặc thù theo mô hình kinh tế tự do thì chắc chắn Phú Quốc sẽ trở thành điểm đến du lịch, nghỉ dưỡng mới của thế giới", ông Trường nói.
Về cơ chế dành cho thị trường khách du lịch nước ngoài, ông Trường đề xuất các bộ, ngành tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng mở rộng danh sách miễn thị thực đơn phương, miễn thị thực ngắn hạn thí điểm cho khách du lịch từ một số thị trường quy mô lớn, chi tiêu cao; cấp thị thực dài hạn, nhập cảnh nhiều lần cho phân khúc từ Ấn Độ, Trung Quốc, Hoa Kỳ, châu Âu…
Đề xuất Bộ Ngoại giao, Bộ Công Thương xây dựng cẩm nang về thương mại
Cũng tại hội nghị, ông Vũ Văn Tiền, Chủ tịch Tập đoàn Geleximco kiến nghị tăng cường phân cấp, phân quyền trong đầu tư các dự án.
"Thủ tướng, các Phó Thủ tướng động viên chúng tôi rất nhiều nhưng ở dưới có cả một rừng cơ chế, chính sách, chúng tôi vào không biết đi lối nào, ra lối nào. Tôi đề nghị tăng cường phân cấp, phân quyền, đơn giản hóa thủ tục", ông Tiền nói.
Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Chủ tịch Tập đoàn Ree Group đề xuất Chính phủ nên giao quyền cho tỉnh để cấp chủ trương đầu tư cho các doanh nghiệp bởi tỉnh hiểu rõ về năng lực, uy tín của từng nhà đầu tư, doanh nghiệp.
Ngoài ra, bà Mai Thanh cho rằng Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành có những chính sách miễn giảm thuế phù hợp cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư…
Tại hội nghị, đại diện Tập đoàn Masan kiến nghị gia tăng giá trị xuất khẩu cho Việt Nam. Theo ông, thời gian gần đây, giá trị xuất khẩu ở Việt Nam tăng trưởng và phát triển tốt, nhưng đã đến lúc phải tăng trưởng về chất, không tập trung quá về số lượng.
Trên bình diện quốc tế, thực phẩm của Việt Nam được đánh giá là ưa chuộng thứ 5 trong Top 10 các món ăn nổi tiếng trên thế giới.
Để lan tỏa văn hóa ẩm thực, tăng lợi thế cạnh tranh, mang văn hóa Việt Nam ra nước ngoài, Tập đoàn Masan đề nghị Chính phủ ban hành lộ trình, chiến lược vươn ra toàn cầu của ẩm thực Việt Nam, xây dựng hình ảnh hưởng thương hiệu ẩm thực của quốc gia, tạo nên những ẩm thực đại sứ của Việt Nam. Đây cũng là hình thức ngoại giao văn hoá đưa văn hoá ẩm thực Việt Nam ngang tầm khu vực và thế giới.
Ngoài ra, Masan cũng kiến nghị Bộ Ngoại giao, Bộ Công Thương có đề án xây dựng cổng thông tin cẩm nang và các tài liệu hướng dẫn về các tiêu chuẩn kỹ thuật khi xúc tiến thương mại tại các nước trên thế giới để doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu ra nước ngoài có thể dễ dàng tham khảo và tiếp cận.