Doanh nghiệp dệt may tại Nam Định: Chủ động ứng dụng công nghệ hiện đại
Áp dụng công nghệ mới giúp tăng năng suất |
Sản phẩm dệt may có mức tăng trưởng ổn định và khá so với cùng kỳ như: Sợi các loại tăng 9,9%, vải các loại (9,3%), khăn các loại (8,5%), quần áo may sẵn (9,9%). Để có được kết quả trên, thời gian qua, nhiều DN dệt may trong tỉnh đã quyết liệt triển khai thực hiện các biện pháp để nâng cao giá trị gia tăng như: Đầu tư chiều sâu, vừa nâng cấp nhà máy sẵn có, vừa tiến hành quy hoạch, đầu tư mới để đáp ứng yêu cầu về xuất xứ hàng hóa theo quy định của các hiệp định thương mại tự do; quan tâm xây dựng đội ngũ kỹ thuật, thiết kế… để chuyển đổi kinh doanh theo phương thức ODM, OBM... nhằm đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn...
Để nâng cao chất lượng sản phẩm, các DN như: Công ty CP Dệt may Sơn Nam, Thúy Đạt, Thủy Bình... đã chủ động đầu tư đổi mới dây chuyền công nghệ, áp dụng phương thức quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế, công cụ cải tiến năng suất như : ISO 9001:2008, 5S, TPM, Lean….
Cụ thể, Công ty CP Thúy Đạt đầu tư hệ thống nhà máy liên hoàn từ khâu kéo sợi, dệt, tẩy nhuộm, may, kiểm hóa… để hoàn thiện sản phẩm tại Khu công nghiệp Hòa Xá. Đến nay, các sản phẩm sợi, vải, khăn bông, quần áo của công ty đã đáp ứng hầu hết yêu cầu của thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc. Trong khi đó, Công ty CP Dệt may Sơn Nam đã đầu tư trên 120 tỷ đồng xây dựng 2 nhà máy kéo sợi OE công suất 6.000 tấn/năm tại Khu công nghiệp Hòa Xá và chuyển từ phương thức hợp đồng gia công sang xuất khẩu trực tiếp, lấy xuất khẩu làm định hướng phát triển.
Tại Công ty CP Thủy Bình, đã đầu tư nhà máy sản xuất sợi len theo công nghệ mới, giúp gia tăng tối đa độ bền màu, thân thiện với môi trường và không gây độc hại. Đây là đơn vị duy nhất trên địa bàn tỉnh và các tỉnh lân cận sản xuất sợi len xuất khẩu. Đặc biệt, quy trình sản xuất và sản phẩm đạt tiêu chí thân thiện với môi trường (thiết bị hiện đại tiêu hao ít năng lượng, không sử dụng hóa chất độc hại để nhuộm len…) nên sản lượng sợi len của công ty chiếm đến 45% thị phần cả nước. Cùng với đó, Nhà máy Sợi Vinatex Nam Định do Vinatex đầu tư từ năm 2016 với dây chuyền tiên tiến và hiện đại nhất thế giới hiện nay chính thức đi vào hoạt động đã giúp ngành công nghiệp dệt may có thêm một địa chỉ cung ứng nguyên liệu đầu vào cho các DN.
Gần đây nhất, tháng 4/2018, Nhà máy sợi Hòa Xá được khánh thành và đưa vào hoạt động. Nhà máy có mức đầu tư 369 tỷ đồng với công suất 7.000 tấn sợi/năm, áp dụng mô hình sản xuất tiên tiến, tự động hóa cao, hoạt động khép kín, áp dụng công nghệ thông tin điều khiển trên màn hình giúp người lao động điều khiển máy móc thuận tiện, chính xác, tiết kiệm thời gian, sức lao động và nhân lực, đồng thời giảm bụi bông, tiếng ồn.
Ông Nguyễn Quang - Phó giám đốc Nhà máy sợi Hòa Xá - cho biết, nếu sử dụng công nghệ cũ, 1 vạn cọc sợi cần khoảng 110 lao động, nhưng với dây chuyền tự động hóa, hiện đại như hiện nay, chỉ cần 65 lao động. Dây chuyền công nghệ hiện đại đã góp phần tăng năng suất cao gấp khoảng 4 lần so với dây chuyền sản xuất cũ.
Việc đầu tư, đổi mới công nghệ, áp dụng phương thức quản lý tiên tiến để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm là biện pháp hữu hiệu để DN dệt may Nam Định tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. |