Doanh nghiệp dệt may phía Nam: Thừa đơn hàng, thiếu lao động
Cũng theo lãnh đạo TCG, bên cạnh chi phí logistics, DN cũng đang phải chịu chi phí đầu vào rất cao. "Trước kia, DN thường mua nguyên phụ liệu từ Trung Quốc theo giá CIF (bao gồm cả phí vận tải, phí bảo hiểm). Nay, do chi phí vận chuyển tăng quá cao, nhà bán hàng không bán theo giá CIF mà bán theo giá FOB (không bao gồm phí vận tải, phí bảo hiểm). DN trong nước phải chịu chi phí vận tải tăng theo lần chứ không theo phần trăm khiến lợi nhuận giảm" - ông Trần Như Tùng bày tỏ.
Doanh nghiệp dệt may nỗ lực phục hồi sản xuất, kinh doanh |
Ông Bùi Văn Tiến - Tổng giám đốc Tổng công ty CP May Việt Tiến - cho hay: 4 tháng thực hiện giãn cách đã đánh đổ toàn bộ chỉ tiêu, kế hoạch của DN. 8 nhà máy của DN nằm trong vùng dịch nóng nhất của khu vực phía Nam, 100% bị ảnh hưởng, thậm chí có nhà máy bị phá sản và phải tái cơ cấu lại. Tại Việt Tiến, mặc dù đã tiêm đủ 2 mũi vaccine cho người lao động nhưng tỷ lệ lây nhiễm vẫn là 10% trong điều kiện thực hiện nghiêm ngặt 5K. DN mất đi 10% lao động do người lao động di chuyển về quê nên rất khó khăn tổ chức lại sản xuất.
Thiếu lao động, DN không dám nhận đơn hàng và yếu tố đầu vào tăng mạnh, tình trạng địa phương hóa trong chống dịch cản trở người lao động quay trở lại làm việc là những yếu tố ảnh hưởng đến khả năng khôi phục của doanh nghiệp ngành dệt may trong năm 2021 và năm 2022. Cùng đó, sự hồi phục của các thị trường lớn nhưng khá nhạy cảm về giá, giá đơn hàng gần như không tăng, dịch bệnh bùng phát trở lại với biến thể Omicron.
Trong Báo cáo kết quả khảo sát ngành dệt may trong làn sóng Covid-19 năm 2021, do Trung tâm Nghiên cứu Quan hệ lao động (ERC) thực hiện đã chỉ ra những con số đáng lo ngại về lao động cho các DN khu vực phía Nam. Theo đó, 10 - 15% người lao động đã về quê ngay sau 1/10/2021 và chưa trở lại; 10% lao động sẽ tiếp tục về quê nếu dịch ở miền Nam kéo dài. "Như vậy, đã xuất hiện xu hướng dịch chuyển lao động lâu dài" - TS. Đỗ Quỳnh Chi - Giám đốc Trung tâm nhấn mạnh, đồng thời cho biết, xu hướng thiếu lao động tại khu vực phía Nam sẽ ngày một rõ nét bởi sự cạnh tranh lao động của khu vực phía Bắc và miền Trung.
Về phía nhà mua hàng, 83,3% nhà mua hàng cho rằng, thiếu lao động là thách thức lớn nhất với việc phục hồi chuỗi cung ứng. Tình trạng thiếu lao động cũng khiến nảy sinh nhiều rủi ro vi phạm, bởi khi quay lại sản xuất, DN phải tăng ca quá nhiều để thực hiện các đơn hàng bị dồn ở thời điểm giãn cách; vấn đề an toàn lao động, sức khỏe người lao động, nhất là lao động nữ; dễ nảy sinh tranh chấp do không đối thoại với người lao động, quản lý áp đặt.
Kết quả khảo sát cũng thông tin, đến nay, các gói hỗ trợ của nhà nước hiệu quả nhất là hỗ trợ từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp, với trên 12 triệu lao động và 90% DN đã tiếp cận được; hỗ trợ từ Nghị quyết 68 rất ít DN tiếp nhận được, trừ DN trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh. Từ kết quả trên, nhóm khảo sát cũng đưa ra khuyến cáo, nhà nước xem xét lại các quy định cản trở hoạt động DN do địa phương hóa trong phòng, chống dịch; đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ người lao động, nhất là lao động di cư. Hiện, nhiều DN không còn nguồn lực để hỗ trợ cho các công nhân bị F0, dẫn đến tình trạng dấu bệnh những trường hợp này cũng cần sự chung tay hỗ trợ từ phía cơ quan nhà nước. Về phía nhãn hàng, DN chủ động và kiên trì đối thoại để giảm thiểu thiệt hại về hủy đơn, giao hàng chậm, giảm giá đơn hàng…
Ông TRẦN NHƯ TÙNG - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công: Đối tác yêu cầu giao hàng bằng đường hàng không, chúng tôi đàm phán để chia sẻ chi phí giao hàng nhưng chi phí đó được trừ vào các đơn hàng tiếp theo. Cách này sẽ được các nhãn hàng dễ dàng chấp nhận hơn là yêu cầu giao tiền ngay và trực tiếp. |