Đây là chương trình hỗ trợ cụ thể nằm trong gói hỗ trợ 26.000 tỉ đồng trong Nghị quyết 68 của Chính phủ vừa ban hành đầu tháng 7/2021, về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
Doanh nghiệp đã được vay vốn lãi suất 0% để phục hồi kinh doanh |
Theo báo cáo tổng hợp sơ bộ của Ngân hàng Chính sách Xã hội (CSXH) đến ngày 29/7, ngân hàng đã nhận được 171 hồ sơ đề nghị vay vốn từ các DN (người sử dụng lao động) với số tiền gần 111,2 tỉ đồng để trả lương cho 30.906 lượt người lao động.
Trong đó, Ngân hàng CSXH đã phê duyệt 125 hồ sơ đề nghị vay vốn của người sử dụng lao động với số tiền trên 99 tỉ đồng để trả lương cho 29.619 lượt người lao động theo Quyết định 23 của Thủ tướng Chính phủ (về thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid- 19).
Chỉ riêng ngày 30/7 đã có tới 19 tỉnh, thành phố như Hưng Yên, Ninh Bình, Bắc Ninh, Bắc Giang, Yên Bái, Thái Nguyên, Cao Bằng, Hà Giang, Sơn La, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình… được Ngân hàng CSXH tiếp tục giải ngân từ gói hỗ trợ trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Tại TP. Hồ Chí Chí Minh, theo ông Trần Văn Tiên - Giám đốc chi nhánh Ngân hàng CSXH chi nhánh TP. Hồ Chí Minh phía ngân hàng đã nhận hồ sơ và cho vay với các nhóm đối tượng này. Đến nay đã hướng dẫn hồ sơ cho 8 DN vay để trả lương cho hơn 3.000 lao động với số tiền đề nghị vay là 13 tỉ đồng.
Đây cũng là khoản vay không cần thế chấp tài sản, lãi suất 0%, thời hạn vay không quá 12 tháng. Số tiền vay tối đa được tính dựa trên số lượng lao động, mức lương tối thiểu vùng, và mỗi lao động được vay không quá 3 tháng. Ví dụ, nếu DN có 10 lao động đủ điều kiện thì có thể vay tối đa là khoảng 132,6 triệu đồng (lương tối thiểu khu vực TP. Hồ Chí Minh là 4.420.000 đồng/tháng). Đối tượng vay vốn là người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc, phải tạm dừng hoạt động do yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng chống dịch, hoặc DN hoạt động trong lĩnh vực vận tải, hàng không, du lịch, dịch vụ lưu trú, dịch vụ đưa người lao động ở Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài để phục hồi hoạt động kinh doanh. Một số điều kiện cơ bản là người lao động phải có tham gia bảo hiểm xã hội, DN không có nợ xấu tại tổ chức tín dụng. Các DN trong lĩnh vực ảnh hưởng trực tiếp (cụ thể như trên) thì phải hoàn thành quyết toán thuế trong năm 2020.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Ngân hàng CSXH chi nhánh TP. Hồ Chí Minh việc triển khai đang gặp khó khăn vì thành phố hiện đang thực hiện giãn cách theo quy định, nên đơn vị khó tư vấn trực tiếp cho DN có nhu cầu. Hiện ngân hàng đang tập trung hướng dẫn, tư vấn để người sử dụng lao động hoàn thiện hồ sơ chuẩn xác trên nhiều kênh khác nhau. Các DN có thể nộp hồ sơ trực tiếp tại các phòng giao dịch Ngân hàng CSXH thành phố Thủ Đức và quận, huyện nơi người sử dụng lao động có trụ sở, hoặc nộp trực tuyến qua Cổng thông tin điện tử quốc gia.
Theo ông Phạm Ngọc Hưng - Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TP. Hồ Chí Minh thời gian qua Bảo hiểm xã hội đã hỗ trợ DN và người lao động rất nhanh theo Nghị quyết 68 của Chính phủ. Còn về việc thực hiện Quyết định 23 các DN có thể thực hiện đăng ký vay vốn theo mẫu 12 và 13 theo Quyết định 23 của Thủ tướng Chính phủ. Các đơn vị liên quan sẽ nỗ lực truyền tải thông tin trên nhiều kênh khác nhau, cho các DN, người sử dụng lao động được biết để đăng ký, đồng thời cam kết hỗ trợ, tư vấn cụ thể để giải ngân sớm nhất có thể.
(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)