Ông Hồ Quang Bửu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam: Phải hoàn thành các dự án đã được quy hoạch
Quảng Nam hiện có 40 dự án thủy điện đã được quy hoạch. Trong đó, có 22 dự án đã đi vào vận hành (giai đoạn 2015 - 2020, các nhà máy này đã cung cấp cho hệ thống điện khoảng 17,564 tỷ kWh điện, bình quân 2,927 tỷ kWh điện/năm), 8 dự án đang thi công và 10 dự án trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư.
Giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Quảng Nam đặt ra yêu cầu phải hoàn thành việc đầu tư xây dựng các dự án thủy điện thuộc quy hoạch hiện có trên địa bàn tỉnh và cũng chỉ đạo các Sở, ngành, địa phương tạo mọi điều kiện thuận lợi để các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện.
Khi tất cả các dự án thủy điện đi vào vận hành, sẽ đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt một số dự án thủy điện vừa và nhỏ khi vào hoạt động sẽ tạo thêm một nguồn cấp điện đảm bảo ổn định, chất lượng cho khu vực các huyện miền núi phát triển kinh tế - xã hội.
Ông Nguyễn Thanh - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Thừa Thiên Huế: Nhà máy thủy điện có vai trò rất quan trọng
Các nhà máy thủy điện trên địa bàn tỉnh đã cung cấp nguồn điện trực tiếp, đáp ứng nhu cầu cho phát triển kinh tế - xã hội, làm thay đổi bộ mặt đáng kể ở nông thôn miền núi liên kết với khu vực trung tâm, tăng nguồn thu cho ngân sách địa phương thông qua hình thức nộp thuế (ước khoảng 300 tỷ đồng/năm), hỗ trợ cộng đồng thông qua việc chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng (36 đồng/kWh)…
Đặc biệt, những năm qua với việc điều tiết, vận hành liên hồ đúng quy định đã góp phần trong công tác phòng, chống thiên tai, chống hạn phục vụ sản xuất nông nghiệp; làm chậm lũ cho vùng hạ du, điều tiết nước, cấp nước, đẩy mặn vào mùa cạn. Hiện nay, tỉnh Thừa Thiên Huế đã cấp chủ trương đầu tư 13 dự án thủy điện nằm trong quy hoạch được phê duyệt. Trong đó đã có 11 nhà máy thủy điện tham gia phát điện; 2 dự án đang trong giai đoạn thi công dự kiến đưa vào vận hành trong quý IV năm 2021.
Ông Phạm Văn Binh - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Gia Lai: Tiếp tục khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh
Để tiếp tục khai thác có hiệu quả tiềm năng thủy điện cũng như góp phần tăng sản lượng điện phát lên lưới quốc gia, đảm bảo an ninh năng lượng và góp phần tăng thu ngân sách trên địa bàn, tỉnh Gia Lai đã quyết định: Đối với các dự án thủy điện có trong quy hoạch và các dự án chưa có trong quy hoạch, nếu dự án nào sau khi được nghiên cứu, kiểm tra và đánh giá sự ảnh hưởng mà bảo đảm 4 tiêu chí theo Quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ của tỉnh (gồm: Gần đường giao thông, gần lưới điện quốc gia, giảm thiểu tác động đến môi trường, hiệu quả về mặt kinh tế), bảo đảm không chuyển nước, không lấy đất rừng đặc dụng, không ảnh hưởng đến diện tích rừng tự nhiên hiện có, đất an ninh - quốc phòng và được sự đồng thuận của chính quyền địa phương cũng như nhân dân vùng dự án; Sở Công Thương sẽ kiến nghị Bộ Công Thương, UBND tỉnh Gia Lai đồng ý về chủ trương cho phép tiếp tục đầu tư xây dựng đối với các dự án thủy điện có trong quy hoạch và chủ trương cho phép bổ sung quy hoạch đối với các dự án thủy điện chưa có trong quy hoạch.
Ông Lưu Văn Khôi - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đăk Lăk: Sẽ chọn lọc, bổ sung một số thủy điện vừa và nhỏ
Không thể phủ nhận tiềm năng của thủy điện vừa và nhỏ, đây là một nguồn năng lượng cần được khai thác, phát triển bền vững, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Tuy nhiên, để khai thác, phát triển bền vững thì từ công tác lập quy hoạch, lập dự án đầu tư, thiết kế kỹ thuật, thi công xây dựng cho đến việc quản lý vận hành, tính toán các yếu tố tác động lên môi trường sinh thái, không làm thay đổi dòng chảy của các lưu vực sông suối tự nhiên… cần phải tuân thủ nghiêm ngặt theo các quy định của nhà nước đã ban hành.
Thời gian tới, Đăk Lăk sẽ tập trung khai thác và sử dụng hợp lý, hiệu quả, đảm bảo môi trường đối với các thủy điện hiện có. Đồng thời việc phát triển các dự án mới cũng sẽ được xem xét kỹ lưỡng để bổ sung một số thủy điện vừa và nhỏ. Với những mục tiêu và định hướng này, tỉnh Đăk Lăk đã xây dựng các chiến lược, quy hoạch phát triển năng lượng bảo đảm tính ổn định, đồng bộ và linh hoạt, gắn và thực hiện rà soát, điều chỉnh quy hoạch liên quan đến phát triển năng lượng theo Luật Quy hoạch.
Thủy điện Ialy |
Ông Lê Như Nhất - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Kon Tum: Loại khỏi quy hoạch dự án tác động tiêu cực đến môi trường
Việc đầu tư thủy điện mới trên địa bàn tỉnh Kon Tum phải được xem xét, chọn lọc, đảm bảo đúng quy hoạch và quy định của pháp luật có liên quan; ưu tiên đầu tư xây dựng các công trình ít tác động đến sinh kế người dân và môi trường sinh thái, hiệu quả cao và thuận lợi trong quá trình đấu nối lên lưới điện quốc gia. Đối với các dự án đã được bổ sung quy hoạch, tiếp tục đánh giá các tác động ảnh hưởng đến môi trường, kinh tế - xã hội, đất đai, an ninh quốc phòng, rừng tự nhiên để đưa ra phương án khai thác tối ưu nhất, đảm bảo theo quy định pháp luật, đưa vào vận hành có hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế tỉnh nhà; tạo công việc làm cho người lao động. Kiên quyết loại khỏi quy hoạch các dự án sau đánh giá có tác động tiêu cực đến môi trường, kinh tế, đất đai, an ninh quốc phòng, rừng tự nhiên, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân.