Tuy nhiên, đến hết tháng 11/2017, đã có thể khẳng định riêng về XK nhân điều sẽ vượt mốc 3,5 tỷ USD.
Thông tin từ Tổng cục Hải quan cho hay, trong 11 tháng đầu năm 2017, XK điều đã đạt 3,214 tỷ USD, tăng 1,1% về lượng và 23,7% về giá trị so cùng kỳ 2016. Trên cơ sở đó, ông Đỗ Hoàng Giang, PCT Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) khẳng định XK điều cả năm 2017 chắc chắn sẽ lần đầu tiên vượt mốc 3,5 tỷ USD. Ông Tạ Quang Huyên, GĐ Cty Hoàng Sơn 1 (Bình Phước), cũng cho rằng XK điều 2017 sẽ đạt giá trị trên 3,5 tỷ USD.
Những lời khẳng định nói trên hoàn toàn có cơ sở, bởi trong tháng 12, chỉ cần XK được gần 300 triệu USD, ngành điều sẽ vượt mốc 3,5 tỷ USD. Mà nhìn lại XK điều trong năm 2017, từ tháng 5 đến tháng 10, đều đạt từ hơn 300 triệu USD/tháng trở lên. Với những dữ liệu như trên, XK điều trong tháng 12 hoàn toàn có thể đạt mức trên dưới 300 triệu USD, qua đó giúp cho XK điều cả năm chắc chắn vượt mốc 3,5 tỷ USD, cao hơn tới vài trăm triệu USD so với mục tiêu đề ra hồi đầu năm là 3,3 tỷ USD.
Vì sao giá trị XK điều tăng trưởng mạnh trong năm 2017? Nguyên nhân chính là cán cân cung - cầu. Ông Tạ Quang Huyên cho hay, do nhu cầu của thị trường thế giới càng ngày càng tăng cao, nên tình hình tiêu thụ nhân điều trong năm 2017 rất tốt. Trong khi nhu cầu tiêu thụ nhân điều vẫn tăng mạnh thì nguồn cung điều nguyên liệu lại sụt giảm mạnh ở nhiều nước sản xuất lớn, trong đó có Việt Nam. Điều đó đã làm cho giá nhân điều tăng cao trên toàn cầu, giá điều XK của Việt Nam cũng ở mức cao kỷ lục. 11 tháng đầu năm 2017, nhân điều XK của Việt Nam có giá bình quân là 9.926 USD/tấn, cao hơn 22,3% so với 11 tháng năm 2016. XK sang Hồng Kông đạt mức giá cao nhất, bình quân là 11.553 USD/tấn.
Điều đáng chú ý là các DN điều Việt Nam, ngay sau khi nhận thấy niên vụ điều 2016/2017 sẽ bị giảm mạnh về năng suất, sản lượng do ảnh hưởng thời tiết bất lợi, đã chủ động đẩy mạnh NK điều thô từ châu Phi. 11 tháng đầu năm 2017, các DN đã NK 1,21 triệu tấn điều thô, tăng tới 27,4% so với cùng kỳ 2016. Cộng với hơn 250.000 tấn điều thô thu hoạch trong nước và nguồn điều nhập về từ Campuchia và Lào, các DN điều Việt Nam đã chủ động tạo được nguồn nguyên liệu dồi dào phục vụ cho chế biến XK.
Ông Tạ Quang Huyên cho hay, từ nguồn điều thô NK, qua chế biến của các DN Việt Nam, giá trị thặng dư tăng thêm được khoảng 20%. Như vậy, với 1,21 triệu tấn điều thô đã NK về trong 11 tháng, giá trị thặng dư tăng thêm được sau khi qua chế biến tương đương với hơn 240 ngàn tấn điều thô, gần bằng sản lượng điều của Việt Nam vụ 2016/2017.
Điều chuẩn bị thu hoạch |
Về thị trường, XK nhân điều sang đa số các thị trường đều tăng về giá trị trong 11 tháng đầu năm 2017. Tăng mạnh nhất là Bỉ với mức tăng tới 195,27%. Trong 10 thị trường lớn nhất, tăng trưởng mạnh nhất tại thị trường Nga với mức tăng 56,35%, tiếp đó là Hà Lan với 44,69%, Thái Lan 41,42%...
Về XK điều trong thời gian tới, theo ông Tạ Quang Huyên, sẽ còn tiếp tục thuận lợi và giữ được giá cao ít nhất là trong nửa đầu năm 2018. Bởi trong 6 tháng đầu năm là thời điểm giáp hạt, nguồn cung nhân điều nhỏ hơn cầu một chút, nên giá sẽ không hạ và có thể còn tăng lên. Ông Nguyễn Đức Thanh, Chủ tịch Vinacas, dự báo XK điều trong năm 2018 có thể đạt từ 3,5 - 3,7 tỷ USD.
Nhu cầu sử dụng hạt điều trên toàn cầu được dự báo tiếp tục tăng sẽ là điều kiện thuận lợi cho XK điều Việt Nam trong những năm tới. Theo đánh giá của Vinacas, nhu cầu tiêu thụ hạt điều toàn cầu đang tăng khoảng 10%/năm. Còn theo Hội đồng Hạt và Quả khô quốc tế (INC), hạt điều đang chiếm thị phần lớn nhất trên thị trường hạt khô toàn cầu có giá trị khoảng 30 tỷ USD/năm. Dự kiến đến 2021, hạt điều sẽ chiếm thị phần 28,91%, đứng thứ 2 là hạt óc chó.
Việt Nam trở thành trung tâm chế biến điều lớn nhất thế giới
Theo ông Tạ Quang Huyên, trung tâm chế biến điều của thế giới đã được dịch chuyển từ Ấn Độ sang Việt Nam từ cách đây 11 năm. Nhưng hồi đấy, chúng ta chỉ mới là trung tâm xuất khẩu nhân điều lớn nhất của thế giới. 2 năm trở lại đây, Việt Nam đã trở thành trung tâm chế biến và XNK điều lớn nhất thế giới. Thế giới có khoảng 3,4 triệu tấn điều nguyên liệu mỗi năm, thì Việt Nam đưa vào chế biến tới 1,6 - 1,7 triệu tấn.
Các DN điều Việt Nam đã ý thức được giá trị của chất lượng, của ATTP, của thương hiệu và uy tín trong thương mại. Điều đó sẽ quyết định đến vấn đề phát triển của DN nói riêng và ngành điều nói chung. Bên cạnh đó, người Việt Nam có ưu điểm là cần cù, chịu khó và sáng tạo. Đó là điều mà phần lớn các quốc gia trồng điều không có được. Vì vậy, trong khi ngành chế biến điều ở Việt Nam đã liên tục phát triển mạnh trong nhiều năm qua và hiện đứng đầu thế giới về sản lượng chế biến, và máy móc, công nghệ, thì nhiều nước đã thất bại khi đầu tư vào lĩnh vực này.
Như ở Campuchia, họ đã học Việt Nam, đầu tư xây dựng nhà máy chế biến điều từ 15 năm trước. Nhưng đến nay, hầu hết các nhà máy chế biến điều ở Campuchia đã phải đóng cửa. Nhiều nước châu Phi còn chế biến điều trước cả Việt Nam.
Gần đây, một số nước châu Phi đã nhập cả máy móc, công nghệ chế biến điều từ Việt Nam, gây ra mối lo ngại cho ngành điều Việt Nam về việc sẽ bị mất nguồn điều nguyên liệu và bị cạnh tranh trên thị trường nhân điều thế giới. Thế nhưng, dù đã nhập máy móc, công nghệ của Việt Nam, nhưng các nhà máy chế biến điều ở châu Phi vẫn không đạt được hiệu quả sản xuất. Mà yếu tố then chốt chính là con người.
Nhờ yếu tố con người mà năng suất điều Việt Nam hiện đang đứng đầu thế giới. Năng suất chế biến điều tính trên giá trị 1 ngày công lao động cũng đang đứng đầu thế giới.
Tiềm ẩn rủi ro do phụ thuộc quá lớn nguồn điều thô nhập khẩu
Tính bình quân, mỗi tấn điều thô NK có giá 1.970 USD, cao hơn 409 USD/tấn so với giá bình quân của điều thô NK trong 11 tháng năm 2016.
Tính ra, trong 11 tháng đầu năm 2017, giá điều thô NK đã tăng tới 26,2% so với cùng kỳ 2016, cao hơn mức tăng của giá nhân điều XK (tăng 22,3%). Do giá điều thô NK tăng cao, nên năm 2017 cũng là lần đầu tiên giá trị NK điều thô đã vượt mốc 2 tỷ USD (đến hết tháng 11 là gần 2,4 tỷ USD).
Giá điều thô NK tăng cao có nguyên nhân không nhỏ từ việc mất mùa điều ở Việt Nam và Campuchia. Như vậy, có thể thấy dù điều thô NK đã góp phần tạo ra giá trị thặng dư không nhỏ cho ngành điều, đóng góp quan trọng vào kỷ lục XK hơn 3,5 tỷ USD, nhưng việc phụ thuộc quá lớn vào nguồn điều thô NK vẫn đang tiềm ẩn những rủi ro và hạn chế không nhỏ tới sự phát triển của ngành chế biến điều Việt Nam.