Điều chỉnh phụ tải điện: Thực trạng và giải pháp nhằm giảm nguy cơ quá tải lưới điện
Với mục tiêu sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả, nhằm đảm bảo nguồn cung cấp điện ổn định trong bối cảnh nhu cầu sử dụng điện ngày càng tăng, chiều 24/4, tại TP. Hồ Chí Minh, Tổng công ty Điện lực TP. Hồ Chí Minh phối hợp với Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn phối hợp tổ chức Hội thảo: Điều chỉnh phụ tải, thực trạng và giải pháp nhằm giảm nguy cơ quá tải lưới điện.
Đại biểu tham dự Hội thảo Điều chỉnh phụ tải, thực trạng và giải pháp nhằm giảm nguy cơ quá tải lưới điện |
Điều chỉnh phụ tải điện (Demand Response - DR) là một trong những chương trình quản lý nhu cầu điện nhằm khuyến khích khách hàng chủ động điều chỉnh giảm nhu cầu sử dụng điện được cung cấp từ hệ thống điện quốc gia theo các tín hiệu về giá điện hoặc các cơ chế khuyến khích khi có yêu cầu của đơn vị thực hiện chương trình điều chỉnh phụ tải điện. Qua đó, góp phần giảm công suất cực đại vào giờ cao điểm của hệ thống điện, giảm tình trạng lưới điện bị quá tải hoặc cần nâng cao hiệu quả kinh tế của hệ thống điện.
Trước tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, có khả năng xảy ra các đợt nắng nóng kéo dài trong các tháng cao điểm mùa nắng nóng, làm tăng nhu cầu sử dụng điện, tiềm ẩn nguy cơ quá tải của lưới điện; cũng như dẫn đến việc cả nước đang đối mặt với những nguy cơ lớn trong đảm bảo an ninh cung cấp điện.
Ông Lê Phương Bình - Trưởng phòng quản lý năng lượng - Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh cho rằng, việc đưa ra các giải pháp điều chỉnh phụ tải điện và tiết giảm sử dụng điện tối đa trong các giờ cao điểm, đưa việc tiết kiệm điện trở thành thói quen thường xuyên của mỗi người, mỗi nhà, mỗi cơ sở kinh doanh, sản xuất là những vấn đề được cần ưu tiên, xem đây giải pháp quan trọng, cấp bách nhằm tiếp tục duy trì ổn định an ninh năng lượng.
Ông Lê Phương Bình - Trưởng phòng quản lý năng lượng - Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh |
Mặt khác, chương trình điều chỉnh phụ tải điện được triển khai nhằm khuyến khích khách hàng chủ động giảm nhu cầu sử dụng điện được cung cấp từ hệ thống điện quốc gia khi có yêu cầu. Qua đó, góp phần giảm công suất cực đại vào giờ cao điểm của hệ thống điện, giảm tình trạng lưới điện bị quá tải, nâng cao hiệu quả kinh tế của hệ thống điện. “Đây là các giải pháp không quá phức tạp, không phát sinh chi phí đầu tư mà hiệu quả mang lại cho xã hội, ngành điện và doanh nghiệp là rất lớn” - ông Lê Phương Bình khẳng định.
Để doanh nghiệp hiểu rõ về chương trình điều chỉnh phụ tải điện (DR), tại hội thảo, ông Nguyễn Quang Thắng - Cục điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) đã trình bày về cơ sở pháp lý của việc điều chỉnh phụ tải điện; cũng như cơ chế chính sách ưu đãi thực hiện chương trình điều chỉnh phụ tải điện.
Ông Nguyễn Quang Thắng - Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) |
Tại hội thảo, Cục Điều tiết điện lực, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, đại diện Sở Công thương, Tổng công ty Điện lực TP. Hồ Chí Minh; đại diện các hiệp hội, câu lạc bộ doanh nghiệp ngành nghề… đã trao đổi, thảo luận, chia sẻ khó khăn và thuận lợi trong điều chỉnh phụ tải điện.
Các đại biểu đều nhìn nhận, việc điều chỉnh phụ tải điện là một hoạt động, giải pháp của toàn ngành điện lực nhằm tối ưu hóa hoạt động sản xuất - kinh doanh, góp phần đảm bảo công tác cung ứng điện liên tục, ổn định, an toàn, đồng thời hạn chế các sự cố trên hệ thống điện, nâng cao chất lượng dịch vụ.
Mặt khác, khi doanh nghiệp tham gia điều chỉnh phụ tải điện sẽ giảm chi phí sử dụng điện do giảm nhu cầu sử dụng điện vào giờ cao điểm, nâng cao năng lực cạnh tranh nhờ giảm chi phí tiền điện, giảm giá thành sản xuất sản phẩm và dịch vụ, nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh.
Trong bối cảnh nguồn cung cấp điện còn nhiều khó khăn, đặc biệt vào cao điểm nắng nóng như hiện nay, điều chỉnh phụ tải không chỉ là trách nhiệm, nghĩa vụ của ngành điện mà còn là trách nhiệm và nghĩa vụ của toàn xã hội từ những khách hàng sử dụng điện sinh hoạt đến những đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh dịch vụ, giúp đảm bảo cung ứng điện, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Theo thống kê sơ bộ của ngành điện, một số doanh nghiệp tham gia Chương trình điều chỉnh phụ tải điện, đã tiết giảm được 25-30% tổng công suất tiêu thụ điện, từ đó tiết kiệm được gần 15% tiền điện. |