Trà Lĩnh là huyện có đường biên giáp với tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc), địa hình chủ yếu là đồi núi - nơi sinh sống của hơn 21.000 người, đa số là đồng bào dân tộc thiểu số như Tày, Nùng, Mông, Hoa... Dù cơ cấu kinh tế chủ yếu là nông nghiệp nhưng trong nhiều năm trở lại đây, Trà Lĩnh đang đẩy mạnh phát triển kinh tế cửa khẩu, thu hút đầu tư vào hạ tầng đô thị, phát triển nông sản theo hướng thị trường hàng hóa như ngô, đỗ, sắn, dong riềng, các loại cây ăn quả... có giá trị kinh tế cao.
Bảo đảm điện cho đồng bào dân tộc, góp phần phát triển kinh tế địa phương |
Theo chủ trương phát triển kinh tế địa phương của tỉnh Cao Bằng, Cửa khẩu quốc gia Trà Lĩnh đang được nâng cấp để trở thành cửa khẩu quốc tế, cùng với Cửa khẩu quốc tế Tà Lùng tạo hành lang kết nối, giao lưu thương mại giữa ASEAN - Việt Nam - Trung Quốc.
Hiện, khu trung chuyển phục vụ xuất nhập khẩu hàng hóa nông - lâm - thủy - hải sản tại thị trấn Hùng Quốc (Trà Lĩnh) nằm trong Khu kinh tế Cửa khẩu Trà Lĩnh có diện tích khoảng 100ha, với tổng số 553 mặt hàng khác nhau đang được gấp rút hoàn thành. Phía Trung Quốc cũng đang tập trung đầu tư xây dựng Cửa khẩu Long Bang (tỉnh Bách Sắc), Dự án Trung tâm lưu thông hàng hóa thương mại quốc tế. Dự kiến khi hoàn thành, lượng hàng hóa xuất nhập khẩu qua khu vực này khoảng 10 triệu tấn/năm. Bên cạnh đó, huyện Trà Lĩnh cũng đang đặt ra nhiều mục tiêu phát triển kinh tế, tập trung cho lĩnh vực sản xuất công nghiệp, sản phẩm nông - lâm - nghiệp, thương mại, dịch vụ...
Tiềm năng phát triển kinh tế của Trà Lĩnh nói riêng và Cao Bằng nói chung còn rất lớn và đang trở thành hiện thực khi cuối năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã nhất trí chủ trương đầu tư xây dựng dự án tuyến cao tốc nối Cao Bằng với Lạng Sơn (tuyến Trà Lĩnh - Đồng Đăng). Với kế hoạch này, dự báo, nhu cầu điện của huyện Trà Lĩnh tiếp tục tăng lên trong thời gian tới, đặc biệt là khu vực kinh tế cửa khẩu.
Ông Ma Kiên Thảo - Giám đốc Điện lực Trà Lĩnh - cho biết, hiện, đơn vị đang quản lý 114.1km đường dây trung thế, 203,2km đường dây hạ thế, 79 trạm biến áp với dung lượng 15.931kVA; bán điện cho 6.948 khách hàng. Toàn huyện đến nay đã có 5.519/5.575 hộ dân được sử dụng điện, đạt 99%, chỉ còn 56 hộ dân chưa có điện nằm rải rác trên các xã, đa phần hộ dân nằm tách biệt xa đường dây điện.
Năm 2018, đơn vị đã cung cấp điện ổn định, an toàn, liên tục cho các khách hàng với sản lượng điện thương phẩm là 46.948 triệu kWh, đạt 112,74% so với kế hoạch giao. Đặc biệt, điện cho công nghiệp chiếm tỷ trọng lớn đến 76% điện thương phẩm của toàn đơn vị do trên địa bàn có nhà máy Măng gan sản lượng điện tiêu dùng lớn. Cũng trong năm 2018, doanh thu tiền điện đạt 77.344 tỷ đồng, không có dư nợ; tỷ lệ tổn thất thực hiện 3,18% đạt kế hoạch giao.
Theo ông Thảo, có được kết quả như trên là nhờ những nỗ lực của tập thể, cán bộ công nhân viên trong đơn vị thông qua việc bám sát kế hoạch đề ra; tăng cường các giải pháp, quản lý, kỹ thuật, áp dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất, kinh doanh, dịch vụ khách hàng; làm tốt công tác giảm tổn thất điện năng, phòng, chống thiên tai... Qua đó, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, bảo đảm an ninh trật tự vùng biên.
Năm 2019, điện lực huyện sẽ tiếp tục bám sát chỉ đạo của đơn vị cấp trên, quản lý vận hành hệ thống điện an toàn, hiệu quả; đẩy mạnh kinh doanh và dịch vụ khách hàng gắn với thực hiện văn hóa doanh nghiệp; đầu tư sửa chữa, tăng cường năng lực cung cấp điện..., phấn đấu hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ đặt ra. |