Dịch vụ logistics tại thành phố Móng Cái: Sôi động, thuận lợi
Nhiều lợi thế phát triển
Xác định được tiềm năng, lợi thế Khu Kinh tế Cửa khẩu (KKTCK) khi có cả cửa khẩu trên bộ và trên biển, là một trong những cầu nối trực tiếp và quan trọng trong việc thúc đẩy hợp tác với ASEAN và Đông Bắc Á, thời gian qua, TP. Móng Cái luôn quan tâm kêu gọi, thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển thương mại, dịch vụ, trong đó có ngành dịch vụ logistics.
Hoạt động XNK qua cầu Bắc Luân II |
Nhờ đó, trên địa bàn Móng Cái đã có hệ thống bến cảng, bến thủy nội địa, điểm kiểm tra và kho bãi hàng hóa được đầu tư về trang thiết bị kỹ thuật phục vụ hiệu quả cho việc kiểm soát hàng hoá xuất nhập khẩu (XNK); nhiều công trình, dự án có tính chất động lực đã, đang được triển khai thực hiện và đưa vào khai thác gồm: Cầu Bắc Luân II và đường dẫn; Cảng ICD Thành Đạt, Cầu phao km 3+ 4 Thành Đạt (Móng Cái); dự án mở rộng, nâng cấp Cửa khẩu quốc tế Móng Cái, Cửa khẩu Ka Long; lối mở Pò Hèn - Thán Sản; dự án cải tạo đường 18 A Hạ Long – Móng Cái; dự án cao tốc Móng Cái - Vân Đồn... Cảng tổng hợp Vạn Ninh thuộc cụm cảng Vạn Gia.
Theo thống kê, hiện Móng Cái đang có 7 bến cảng, 9 bến thuỷ nội địa, 16 điểm kiểm tra hàng hoá XK. Về cảng biển có cảng Quốc gia Vạn Gia, 1 Âu thuyền (Thành Đạt) kết nối đường thủy nội địa qua sông biên giới Ka Long với bến biên mậu. Dịch vụ bốc xếp cơ bản đáp ứng yêu cầu (kể cả cẩu tải trọng lớn) với 19 điểm kiểm tra hàng hóa XK. TP. Móng Cái còn có 19 kho ngoại quan, trong đó có 10 kho lạnh, công suất bảo quản hàng hóa đạt trên 20.000 tấn và 49 kho thường với sức chứa trên 300.000 tấn. Hệ thống kho, bến, bãi bốc xếp hàng hoá với tổng diện tích trên 114.665m2, cơ bản đáp ứng tốt nhu cầu trung chuyển và phục vụ hàng hoá XNK của các DN trong, ngoài nước; có 1.471 tàu, đò hoạt động vận chuyển hàng hóa chủ yếu trên sông Ka Long và bến Lục Lầm.
Để tạo điều kiện cho dịch vụ logistics phát triển, TP. Móng Cái tích cực thực hiện nhiều biện pháp đồng hành cùng DN, thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho các DN, tạo môi trường thuận lợi để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, thu hút đầu tư vào KKTCK Móng Cái; phối hợp với TP. Đông Hưng, khu Phòng Thành (Trung Quốc) tổ chức nhiều cuộc hội đàm trong khuôn khổ hợp tác giữa chính quyền 2 địa phương, nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi nhất, thông thoáng trong hoạt động kinh doanh thương mại XNK hàng hóa...
Cảng cạn ICD Móng Cái giúp giảm tải áp lực thông quan |
Đánh giá về tiềm năng phát triển dịch vụ logistics tại Móng Cái, ông Lương Quang Sở - Trưởng Ban quản lý Cửa khẩu Quốc tế Móng Cái - cho biết, Móng Cái với lợi thế về cửa khẩu, đa dạng lối mở, kết nối đường biển; hạ tầng đường bộ được nâng cấp, đặc biệt cao tốc Vân Đồn – Móng Cái đang khởi công sẽ rút ngắn thời gian di chuyển còn 4 giờ thì cơ hội phát triển ngành dịch vụ logistics phía trước là rất mở rộng. Móng Cái hiện đã thu hút được các nhà đầu tư chiến lược, hứa hẹn sẽ có đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế-xã hội của thành phố. Ngoài ra, trên 20 công ty, DN đang tham gia hoạt động dịch vụ logistics tập trung các hạng mục cảng, kho bãi, phương tiện vận chuyển... với tổng kinh phí đầu tư trên 1 triệu tỷ đồng.
Tiếp tục phát huy các dự án động lực
Trên cơ sở lợi thế hạ tầng phát triển, cùng các giải pháp phát triển thương mại, dịch vụ, hoạt động XNK của Móng Cái năm 2019 có nhiều khởi sắc so với năm 2018. Đặc biệt, từ khi khai thông cầu Bắc Luân II ngày 19/3 đến hết ngày 23/10/2019 đã có 21.300 lượt phương tiện xuất nhập cảnh qua cầu Bắc Luân II, bằng 157,45% so với cùng kỳ năm 2018, đạt trung bình 97 xe/ngày, tăng 54% so với cùng kỳ; số DN mới thu hút thêm so với năm 2018 là 136 DN. Hoạt động XK nông-thủy sản giữ vững tốc độ tăng trưởng, lũy kế 10 tháng 2019, hàng hóa xuất qua cầu phao đạt 6.041 xe với 114.596 tấn, tăng 153,44% về số xe, 167,92% về số tấn so với cùng kỳ năm 2018.
Nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển dịch vụ logistics, bên cạnh phát huy hiệu quả các công trình, dự án trọng điểm, đại diện UBND TP. Móng Cái cho biết, thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả hoạt động các công trình, dự án trọng điểm, động lực đã hoàn thành; thành lập Trung tâm Giao dịch hàng hóa, nông-lâm-thủy sản châu Á - Thái Bình Dương; tiếp tục chủ động bám sát, đề xuất với trung ương và tỉnh sớm cho phép xây dựng Khu hợp tác kinh tế qua biên giới tại khu vực đầu cầu Bắc Luân II, kết nối KKTCK Móng Cái (Việt Nam) với Khu thí điểm khai phát trọng điểm quốc gia Đông Hưng (Trung Quốc); phối hợp với phía Trung Quốc đẩy nhanh tiến độ đưa Điểm thông quan Pò Hèn - Thán Sản đi vào hoạt động.
UBND TP. Móng Cái thông tin thêm, hiện địa phương đang đề xuất, tạo điều kiện để thu hút đầu tư xây dựng Cảng tổng hợp Vạn Ninh thuộc cụm cảng Vạn Gia với quy mô khoảng 400 ha (bao gồm Khu bến cảng, Khu kho bãi hàng tổng hợp, container...); xây dựng kho bãi, khu hậu cần logistics, cảng cạn (ICD); tập trung nguồn lực ngân sách đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án hạ tầng giao thông kết nối, tạo động lực thu hút nguồn lực ngoài ngân sách đầu tư hệ thống hạ tầng cảng biển, trọng tâm là tuyến đường kết nối từ đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái đến cảng Cảng tổng hợp Vạn Ninh.
Đặc biệt, tới đây, Móng Cái sẽ tích cực đa dạng các loại hình vận tải hàng hoá và hành khách, khuyến khích các DN làm dịch vụ vận tải biển mở rộng quy mô kinh doanh; tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính; chỉ đạo các ngành chức năng rà soát quy trình, thủ tục, chi phí thông quan, nhằm rút ngắn thời gian và giảm chi phí thông quan cho DN; phấn đấu tỷ lệ hàng hóa thực hiện “thông quan điện tử” đạt trên 95%; đẩy mạnh hợp tác với phía Cửa khẩu Đông Hưng (Trung Quốc) để nghiên cứu đề xuất thực hiện mô hình“cửa khẩu điện tử”; “một lần dừng, một lần kiểm”…
Móng Cái đang tập trung đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng KKTCK Móng Cái tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 để làm cơ sở kêu gọi, thu hút đầu tư và thuận lợi trong công tác quản lý, phát triển cảng biển và dịch vụ cảng biển, từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn. |