Di sản thiên nhiên thế giới tại Việt Nam: Cần kế hoạch tổng thể
Di sản Vịnh Hạ Long cần có chiến lược quản lý vững chắc
- Thiếu quy hoạch
7 di sản thiên nhiên thế giới tại Việt Nam gồm: Cố đô Huế, vịnh Hạ Long, thánh địa Mỹ Sơn, phố cổ Hội An, Phong Nha Kẻ Bàng, Hoàng thành Thăng Long, thành nhà Hồ. Đây là những khu vực chứng kiến nhiều thay đổi rõ rệt nhất từ sự phát triển du lịch. Bà Katherine Muller Marin - Trưởng đại diện tổ chức UNESCO tại Việt Nam - cho rằng, một thách thức đang ngày càng hiện hữu, bởi phát triển du lịch nhanh chóng có thể đưa đến những ảnh hưởng tiêu cực cho di sản nếu không được lập kế hoạch và quản lý cẩn thận.
Phát triển du lịch hiện nay của các di sản thế giới Việt Nam được UNESCO đánh giá là thiếu quy hoạch chiến lược một cách toàn diện ở cấp quốc gia và địa phương.
Phần lớn đều chưa cung cấp tài liệu thông tin cho du khách hoặc có một lượng thông tin rất lớn nhưng không được thiết kế hấp dẫn, nên nguồn thông tin quá nghèo nàn. Ngoài ra, tài liệu thông tin chưa được cập nhật, làm mới, tái bản theo phương pháp bền vững. Cụ thể, ban quản lý thánh địa Mỹ Sơn không cung cấp sách hướng dẫn du lịch từ năm 2003 do thiếu kinh phí. Các sản phẩm thủ công bán tại các khu di sản phần lớn có chất lượng tương đối thấp, hoặc được sản xuất hàng loạt tại các vùng, miền, thậm chí các quốc gia khác.
Du lịch thúc đẩy bảo tồn
Bà Katherine Muller Marin khẳng định: “Nếu phát triển một cách có trách nhiệm, du lịch có thể trở thành đầu tàu thúc đẩy công tác bảo tồn, bảo vệ di sản, qua đó phát triển bền vững”.
Hiện UNESCO đang triển khai các dự án hỗ trợ Việt Nam bảo vệ các di sản, đồng thời đảm bảo các giá trị vẫn được sử dụng bền vững thông qua du lịch văn hóa. Đặc biệt là hỗ trợ các nhà lập chính sách, quản lý di sản và cộng đồng địa phương trong việc bảo vệ di sản, như: Cải tạo trung tâm thông tin tại các khu di sản thế giới, nhằm khuyến khích du khách lưu lại lâu hơn, chi trả nhiều hơn, trải nghiệm nhiều điểm du lịch và sẽ quay trở lại; đào tạo cấp chứng nhận cho các hướng dẫn viên chuyên nghiệp về di sản; củng cố các bảo tàng di sản thế giới tại Thăng Long, thành nhà Hồ, Mỹ Sơn; thiết lập hệ thống bảng thông tin và biển chỉ dẫn tại các khu di sản thế giới ở miền Trung; đa dạng hóa và đẩy mạnh các sản phẩm thủ công có dấu ấn để gia tăng doanh thu và xây dựng thương hiệu cho địa phương; xây dựng kế hoạch quản lý di sản cho địa phương...
Theo bà Katherine Muller Marin, các dự án của UNESCO hướng tới mục tiêu khai thác tối đa các địa điểm di sản văn hóa vì lợi ích cho ngành du lịch, nhưng đầu tư bảo tồn thỏa đáng để nhiều năm sau các thế hệ nối tiếp vẫn tiếp tục khai thác những lợi ích của chúng.
Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn nhấn mạnh: Bên cạnh việc tăng lượng khách, công tác quản lý môi trường, xã hội cần được tăng cường, điều đầu tiên và cốt lõi là hướng tới lợi ích cộng đồng - đối tượng được hưởng lợi từ di sản và có trách nhiệm bảo vệ di sản. |
Hoa Quỳnh