Đề xuất tách riêng điều luật về quỹ tiết kiệm năng lượng
Thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả tại tổ chiều ngày 10/5, các đại biểu Quốc hội đã thống nhất cao việc cần thiết phải sửa đổi Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Điều này rất cần thiết trong bối cảnh Việt Nam thực hiện các cam kết về trung hòa carbon và tăng trưởng xanh, đồng thời đưa ra một số ý kiến góp ý góp phần hoàn thiện dự thảo Luật.
Tách riêng điều luật về quỹ thúc đẩy tiết kiệm năng lượng
Góp ý tại tổ, Đại biểu Dương Tấn Quân (Đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) đồng tình với việc thành lập Quỹ thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả như dự thảo nêu tại khoản 17 Điều 1, coi đây là công cụ cần thiết để thúc đẩy tiết kiệm năng lượng trong các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, nhất là khu vực nông thôn, làng nghề, tiểu thủ công nghiệp.
Đại biểu Dương Tấn Quân (Đoàn Bà Rịa – Vũng Tàu) |
“Cần tách riêng thành một điều luật độc lập, quy định cụ thể các vấn đề như cơ chế thành lập, nguyên tắc quản lý, nhiệm vụ tài chính, tiêu chí hỗ trợ và phương thức sử dụng quỹ. Ngoài ra, cần bổ sung thêm Quỹ đầu tư phát triển tại địa phương hay một số quỹ khác ngoài ngân sách của địa phương để mở rộng nguồn vốn hỗ trợ doanh nghiệp”- ông Quân đề xuất.
Tuy nhiên, góc nhìn từ Đại biểu Phạm Phú Bình (Đoàn Nghệ An) lại thận trọng hơn. Theo ông, hiện nay đã có nhiều chương trình, quỹ và cơ chế ưu đãi đang hoạt động như Quỹ bảo vệ môi trường, Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia, Chương trình Quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030… Do đó, việc thành lập thêm một quỹ mới cần được cân nhắc kỹ lưỡng.
“Tôi chưa có thông tin đánh giá đầy đủ về cơ chế hỗ trợ hiện hành bao gồm cả Chương trình mục tiêu quốc gia, cả các quỹ đã có, đã được sử dụng như thế nào, có vướng mắc không, sử dụng có hiệu quả không...”, Đại biểu Phạm Phú Bình nhấn mạnh và băn khoăn nếu lập thêm quỹ sẽ phải trích ngân sách làm vốn mồi, trong khi nguồn ODA không hoàn lại không còn, vốn ODA vốn vay đã tiệm cận lãi suất thương mại thì không phải là giải pháp tối ưu.
Đại biểu Phạm Phú Bình (Đoàn Nghệ An) |
Liên quan đến nội dung này, Đại biểu Lê Hoàng Hải (Đoàn Đồng Nai) ủng hộ thành lập quỹ theo hướng là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách.
“Tuy nhiên, cần quy định rõ chức năng, nhiệm vụ để tránh chồng chéo với các quỹ hiện hành. Ngoài ra, một số ưu đãi trong dự thảo, như ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, chưa phù hợp với vai trò của quỹ. Cần làm rõ nếu quỹ không trực tiếp liên quan đến chính sách thuế, tránh nhầm lẫn và mâu thuẫn trong thực thi”- ông đề nghị.
Tăng cường hỗ trợ cho khu vực nông thôn
Về nội dung chính sách hỗ trợ, Đại biểu Dương Tấn Quân nhấn mạnh đến yêu cầu tăng cường hỗ trợ cho khu vực nông thôn, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề và hộ kinh doanh nhỏ. Đại biểu Dương Tấn Quân lưu ý rằng các đối tượng này thường thiếu khả năng tiếp cận các quy trình kiểm định, công bố hợp chuẩn hợp quy. Do vậy, cần có chính sách riêng, thực chất và dễ triển khai, góp phần tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững.
Ngoài ra, Đại biểu Dương Tấn Quân cũng đồng tình bổ sung đối tượng dán nhãn năng lượng là vật liệu xây dựng, đồng thời đại biểu đề nghị rà soát lại để đảm bảo tính thống nhất trong toàn bộ Luật.
Toàn cảnh phiên họp tại tổ 4 |
Liên quan đến Hợp đồng hiệu quả năng lượng, Đại biểu Lê Hoàng Hải đồng tình với việc bổ sung khái niệm Hợp đồng hiệu quả năng lượng vào Luật. Đây là công cụ tài chính, kỹ thuật hiệu quả, giúp doanh nghiệp tiết kiệm năng lượng mà không cần vốn đầu tư ban đầu lớn.
Ông đề nghị cần quy định nguyên tắc thực hiện Hợp đồng hiệu quả năng lượng và giao Chính phủ hoặc Bộ Công Thươnghướng dẫn chi tiết.
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả kế thừa hầu hết các quy định về quản lý năng lượng hiện tại của Luật ban hành năm 2010. |