Đề xuất sửa đổi Luật Báo chí 2016
Theo Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi đánh giá, sau 6 năm thực hiện Luật Báo chí 2016, 10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp, Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam đã nhận được nhiều đánh giá tích cực của những người làm báo và toàn xã hội.
“Luật Báo chí 2016 đã tạo hành lang pháp lý quan trọng cho báo chí cách mạng Việt Nam tiếp tục phát triển bền vững, là chỗ dựa của những người làm báo để thực hiện nhiệm vụ chính trị, phục vụ xã hội và nhân dân tốt hơn, giúp nhà báo và cơ quan báo chí hoàn thành tốt chức năng và nhiệm vụ, quyền hạn”- nhà báo Nguyễn Đức Lợi khẳng định.
Bên cạnh những kết quả đạt được, nhà báo Nguyễn Đức Lợi cũng đã thẳng thắn chỉ ra nhiều vấn đề còn tồn tại, từ nhiệm vụ, trách nhiệm của cơ quan chủ quản báo chí, đến việc phân định báo và tạp chí, hoạt động của văn phòng đại diện, phóng viên thường trú... Đã có những phát sinh khi triển khai thực hiện 10 Điều quy định đạo đức nghề nghiệp, Quy tắc sử dụng mạng xã hội, đòi hỏi phải cập nhật, sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung sát thực tiễn hơn để giúp cho hội viên - nhà báo xác định rõ hơn trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ của hội viên - nhà báo khi tác nghiệp, tham gia mạng xã hội.
Đáng chú ý, một số cơ quan báo chí, người làm báo vi phạm đạo đức nghề nghiệp, chạy theo thị hiếu tầm thường, tìm cách để thu lợi, kể cả việc làm sai lệch bản chất của sự việc. Hiện tượng nhà báo - hội viên khai thác, sử dụng mạng xã hội cho những mục đích phi nghề nghiệp, hành xử, phát ngôn thiếu chuẩn mực, vi phạm quy chuẩn đạo đức và thậm chí vi phạm pháp luật đang trở thành vấn đề được không chỉ báo giới mà dư luận xã hội rất quan tâm.
Nhiều đại biểu góp ý cần sửa đổi Luật Báo chí 2016 (Ảnh:HNM) |
Bên cạnh đó, từ thực tiễn hoạt động báo chí ở địa phương, phát biểu tại hội nghị nhiều đại biểu đã đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí 2016; nêu giải pháp để thực hiện tốt 10 điều Quy định nghề nghiệp người làm báo; đưa ra các giải pháp đảm bảo quyền lợi và nghĩa vụ, thu hút hội viên là phóng viên thường trú, các văn phòng đại diện về sinh hoạt tại Hội Nhà báo địa phương...
Một số ý kiến bày tỏ mong muốn Hội nhà báo địa phương tăng cường phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong chỉ đạo, quản lý báo chí, xử lý vi phạm pháp luật, đạo đức nghề nghiệp của người làm báo; nhấn mạnh vai trò của các cấp Hội nhà báo trong công tác phòng ngừa, chấn chỉnh những sai phạm của hội viên khi tham gia mạng xã hội; kiến nghị việc cần có quy định chặt chẽ về kinh tế báo chí trong Luật Báo chí.
Đáng chú ý, có ý kiến cho rằng cần sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí theo hướng nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội Nhà báo Việt Nam trong giáo dục bồi dưỡng đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ người làm báo; thường xuyên theo dõi, giám sát và tăng cường xử lý vi phạm của hội viên. Bên cạnh đó, Luật cần quy định chặt chẽ việc tuyển dụng phóng viên của các cơ quan báo chí để nâng cao chất lượng.
Cùng với đó, cần quy định hoạt động của các đối tượng đang thực hiện nghiệp vụ phóng viên trong cơ quan báo chí dưới 2 năm, chưa đủ điều kiện cấp thẻ nhà báo... Đặc biệt, cần có những quy định cụ thể trong ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) trong hoạt động báo chí để góp phần định hướng truyền thông trên môi trường số, ngăn chặn những tiêu cực có thể nảy sinh từ xu hướng truyền thông phát triển mạnh mẽ hiện nay.
Toàn cảnh hội nghị (Ảnh:HNM) |
Thời gian tới, Hội Nhà báo các cấp cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin truyền thông trong chỉ đạo, quản lý hoạt động báo chí, nhằm đào tạo, xây dựng đội ngũ phóng viên, biên tập viên có bản lĩnh vững vàng, đạo đức trong sáng, ý thức, trách nhiệm công dân trong hoạt động nghề nghiệp.
Theo báo cáo của Hội nhà báo Việt Nam, từ đầu năm 2023 đến nay, Hội đồng Xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp cấp Trung ương đã xử lý và kiến nghị xử lý 6 vụ việc liên quan đến 7 trường hợp phóng viên, hội viên vi phạm pháp luật và Quy tắc sử dụng mạng xã hội.
Trong đó, đã tạm đình chỉ sinh hoạt Hội 2 trường hợp, chờ kết luận của cơ quan chức năng, các trường hợp khác là cộng tác viên, phóng viên chưa phải là hội viên Hội Nhà báo Việt Nam; 2 trường hợp bị xử lý kỷ luật bằng hình thức phê bình. Đa phần vụ việc xảy ra, phóng viên chưa là hội viên Hội Nhà báo Việt Nam.
Hội Nhà báo Việt Nam cũng đã kịp thời phối hợp với các cơ quan chức năng địa phương thực hiện nhiều biện pháp cần thiết, xử lý nghiêm minh các hành vi cản trở, đe dọa, hành hung, xúc phạm nhà báo hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên - nhà báo.