Đề xuất quy định rõ chính sách đất đai với đồng bào dân tộc thiểu số
Sáng 14/11, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về dự án Luật Đất đai (sửa đổi).
Quy định không thống nhất giữa các địa phương
Góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) về chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số, đại biểu Nguyễn Quốc Luận- đoàn Yên Bái đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét lại quy định về việc giao cho UBND cấp tỉnh theo điều kiện thực tế của địa phương, quy định cụ thể chính sách về đất đai với đồng bào dân tộc thiểu số.
“Quy định như vậy có thể dẫn đến áp dụng và triển khai không thống nhất giữa các địa phương trong cùng một vùng có điều kiện kinh tế xã hội tương đồng”- đại biểu nêu vướng mắc.
Đại biểu Nguyễn Quốc Luận - đoàn Yên Bái |
Đại biểu Nguyễn Quốc Luận chỉ ra, từ thực tế tại địa phương khi thực hiện Luật Đất đai, Luật Lâm nghiệp, Luật Đa dạng sinh học còn khó khăn, vướng mắc liên quan đến các quy định hiện hành. Nếu không quy định rõ trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) thì sẽ khó khăn, bất cập trong tổ chức thực hiện.
Do vậy, vị đại biểu này đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung quy định rõ các chính sách về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số trong dự thảo để đảm bảo thực hiện thống nhất trong toàn quốc.
Về nhóm vấn đề lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, đại biểu Nguyễn Quốc Luận đề nghị cơ quan soạn thảo cần cân nhắc thêm quy định quy hoạch sử dụng đất thể hiện đến từng thửa đất. “Quyết định như vậy là rất khó thực hiện đối với các địa phương, nhất là các tỉnh miền núi chưa hoàn thành xong công tác đo đạc, lập bản đồ địa chính và xây dựng cơ sở liệu về đất đai”- đại biểu phân tích kỹ.
Bên cạnh đó, quy hoạch sử dụng đất cấp huyện, định hướng sử dụng đất thời gian dài một số công trình, dự án phát triển hạ tầng, nhất là các công trình dạng tuyến chỉ mang tính chất định hướng nên rất khó khăn trong việc xác định, thể hiện thông tin đến từng thửa đất, khi chưa thực hiện khảo sát thực tế, chưa lập báo cáo kinh tế kỹ thuật, khi triển khai có sai lệch, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện do phải rà soát thực hiện thủ tục điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất.
Do vậy, đại biểu Nguyễn Quốc Luận cho rằng có quy định về chuyển tiếp hoặc có quy định đối với những nơi chưa hoàn thành công tác đo đạc, lập bản đồ địa chính hoặc những tỉnh miền núi có độ núi cao.
Đồng thời, đại biểu đề xuất cơ quan soạn thảo cân nhắc quy định nội dung kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh phải xác định quy mô, địa điểm công trình, dự án cấp quốc gia, cấp tỉnh.
Về mở rộng đối tượng nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa, đại biểu Nguyễn Quốc Luận cho rằng đây là nội dung rất quan trọng, nhạy cảm, có tác động trực tiếp đến một bộ phận lớn người dân đã sản xuất nông nghiệp. Do vậy, đại biểu lưu ý cơ quan soạn thảo cần có đánh giá kỹ các tác động của quyết định này đối với đời sống và sản xuất của người dân.
2 đến 3 đơn vị cấp huyện mới có một văn phòng đăng ký đất đai
Đại biểu Ma Thị Thúy- đoàn Tuyên Quang bày tỏ nhất trí với sửa đổi toàn diện Luật Đất đai nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, nhất là Nghị quyết số 18-NQ/TW, phát huy vai trò đặc biệt quan trọng của tài nguyên đất đai trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh.
Đại biểu Ma Thị Thúy - đoàn Tuyên Quang |
Góp ý về bổ sung quy định cho phép chuyển nhượng thế chấp quyền thuê trong hợp đồng thuê đất trả tiền hàng năm tại Điều 44 của dự thảo Luật, đại biểu Ma Thị Thúy thống nhất với quy định mới này và cho rằng, việc mở rộng quyền cho đối tượng thuê đất, trả tiền thuê đất hàng năm là cần thiết, phù hợp với mục tiêu đẩy mạnh thương mại hóa quyền sử dụng đất, đưa quyền sử dụng đất tham gia trực tiếp vào quá trình phát triển kinh tế xã hội.
Về mở rộng đối tượng nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa, đại biểu Ma Thị Thúy đề nghị bổ sung quy định về cơ chế giám sát chặt chẽ, cụ thể hơn.
Liên quan tới việc quản lý, sử dụng của công ty nông, lâm nghiệp, vị đại biểu đã phản ánh thực tiễn thời gian qua tranh chấp, lấn chiếm còn phức tạp. Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo có đánh giá cụ thể hơn, chặt chẽ hơn để khi quy định các nội dung liên quan tại Điều 185 của dự thảo Luật này nhất là về các quy định giao cho địa phương quản lý góp phần sớm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong suốt thời gian vừa qua.
Nêu thực tế văn phòng đăng ký đất đai, đại biểu Ma Thị Thúy cho biết, tại các địa phương miền núi việc đăng kí đất đai gặp nhiều khó khăn do văn phòng đăng ký đất đai cách xa khu dân cư, đi lại không thuận lợi. Theo quy định, 2 hoặc 3 đơn vị cấp huyện mới có một văn phòng đăng ký đất đai. Trong khi đó, biên chế được giao thì ít, công việc thì nhiều đã ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ thực hiện nhiệm vụ tại địa phương.
Do đó, vị đại biểu đoàn Tuyên Quang đề nghị Chính phủ đánh giá, tổng kết lại và xem xét nên quy định Văn phòng đăng ký đất đai theo hướng là giao trực tiếp trực thuộc cấp huyện, để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và các địa phương hoàn thành nhiệm vụ.