Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công: Giải pháp quan trọng kích thích tăng trưởng
Nhiều tín hiệu tích cực cho tăng trưởng
Đánh giá về bức tranh kinh tế 5 tháng đầu năm, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho rằng có nhiều tín hiệu tích cực, kim ngạch xuất nhập khẩu tăng trưởng tích cực so với cùng kỳ... Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký 5 tháng đạt hơn 11 tỷ USD, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2023. Giải ngân đầu tư công 5 tháng đạt hơn 22,34% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, qua đó đã đưa được một lượng vốn lớn ra nền kinh tế để hỗ trợ cho tăng trưởng và phát triển. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 5 tăng tăng 8,9% so với cùng kỳ năm trước; tính chung 5 tháng tăng 6,8%.
Giải ngân đầu tư công 5 tháng năm 2024 đạt hơn 22,34% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao |
Đặc biệt, tình hình đăng ký doanh nghiệp đã có chuyển biến rất tốt, tính chung 5 tháng, có 98.800 doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường, tăng 4,1%, cao hơn số rút lui khỏi thị trường là 97.300 doanh nghiệp.
“Dựa trên những kết quả đạt được và đánh giá xu hướng thời gian tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã kiến nghị Chính phủ lựa chọn kịch bản tăng trưởng 6-6,5% trong năm 2024, đúng như mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội mà Quốc hội đã quyết nghị, để chủ động trong điều hành” - Thứ trưởng Trần Quốc Phương thông tin.
Cũng theo lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, có nhiều yếu tố thuận lợi, đan xen cả từ bên ngoài và bên trong, để có thể kỳ vọng vào xu hướng phục hồi tích cực của nền kinh tế. Các động lực về đầu tư bao gồm đầu tư tư nhân, đầu tư nước ngoài, đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước, tiêu dùng, du lịch và xuất khẩu tiếp tục được quan tâm thúc đẩy mạnh mẽ. Đặc biệt, một số quy định pháp luật mới, như Luật Đất đai sửa đổi, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng… chuẩn bị có hiệu lực. Đây là những điều kiện để chúng ta tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng, thực hiện các mục tiêu phát triển năm 2024 đã đề ra.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị, xây dựng kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công theo từng tháng, quý cho từng nhiệm vụ |
Tạo động lực tăng trưởng từ đầu tư công
Năm 2024 là năm thứ 4 thực hiện Kế hoạch 5 năm 2021-2025, là năm bản lề, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Nhưng 2024 lại tiếp tục là một năm mà bối cảnh quốc tế có nhiều diễn biến khó lường.
Ngay từ đầu năm, bất ổn địa chính trị, phân mảnh địa kinh tế đã phức tạp. Các nền kinh tế lớn vẫn bị cuốn vào vòng xoáy căng thẳng chính trị liên quan đến Nga và Ukraine, Trung Đông, dải Gaza, Biển Đỏ… Những bất ổn này đang đe dọa an ninh khu vực và quốc tế, an toàn hàng hải và ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng hàng hóa, an ninh lương thực, an ninh năng lượng toàn cầu, gây rủi ro đáng kể trong ngắn hạn đối với hoạt động kinh tế và việc kiểm soát lạm phát của các nền kinh tế, do gia tăng chi phí logistics, thời gian vận tải và đẩy giá tiêu dùng tăng cao… Tất cả đã dẫn tới sự phục hồi chậm hơn và không đồng đều của kinh tế toàn cầu. Thị trường tài chính, tiền tệ, dòng đầu tư toàn cầu cũng vì thế bị ảnh hưởng không nhỏ.
Bên cạnh đó, các rủi ro tiềm ẩn từ môi trường địa chính trị, địa kinh tế thế giới đã tiếp tục tác động tiêu cực đến triển vọng phục hồi tăng trưởng kinh tế, tạo sức ép lớn lên điều hành kinh tế vĩ mô của Việt Nam.
Từ những phân tích trên, để nền kinh tế có thể về đích kế hoạch 2024, các chuyên gia kinh tế cho rằng, cần tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ, làm mới các động lực truyền thống về đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu; đồng thời bổ sung, đẩy mạnh tận dụng cơ hội từ các động lực tăng trưởng mới, mô hình kinh tế mới, như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, hay các ngành công nghiệp mới nổi như sản xuất chip, bán dẫn, năng lượng tái tạo…
Cùng với đó, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, thực hiện các dự án hạ tầng chiến lược cũng là một giải pháp quan trọng. Chuẩn bị tốt các điều kiện để thu hút các làn sóng chuyển dịch đầu tư nước ngoài, nhất là trong các lĩnh vực bán dẫn, AI, hydrogen… đồng thời thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các giải pháp, chính sách, bảo đảm hài hòa, xử lý các tình huống trong ngắn hạn và phát triển trong trung, dài hạn, đặc biệt là trong tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho doanh nghiệp trong nước phát triển.
Thực tế, để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, Chính phủ đã thành lập 26 tổ công tác đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công do các Bộ trưởng, thành viên Chính phủ làm tổ trưởng nhằm triển khai quyết liệt các giải pháp thúc đẩy đầu tư công. Tuy nhiên, 5 tháng đầu năm mới có gần 149.000 tỷ đồng vốn đầu tư công được đưa vào nền kinh tế, bằng 22,34% kế hoạch Thủ tướng giao.
Theo đó, để hoàn thành mục tiêu giải ngân trên 95% kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2024 được Thủ tướng Chính phủ giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị các bộ, ngành, địa phương quyết liệt việc thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; thành lập ban chỉ đạo, tổ công tác tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy việc giải ngân vốn đầu tư công. Cùng với đó, xây dựng kế hoạch giải ngân theo từng tháng, quý cho từng nhiệm vụ, dự án; phân công lãnh đạo chịu trách nhiệm theo dõi tiến độ thực hiện và giải ngân của từng nhiệm vụ, dự án theo kế hoạch đã đặt ra; kịp thời tháo gỡ khó khăn cho từng dự án; đồng thời nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu.