Thông tin trên được các chuyên gia cho biết tại hội thảo “Đầu tư và kinh doanh khách sạn tại Việt Nam”, diễn ra ngày 25/4, do Hiệp hội khách sạn Việt Nam và Công ty Sphere Conferences tổ chức.
![]() |
Các diễn giả thảo luận về đầu tư kinh doanh khách sạn tại Việt Nam |
Đánh giá về sự phát triển của lĩnh vực du lịch khách sạn Việt Nam, ông Ngô Hoài Chung, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam - cho biết, du lịch Việt Nam đã có sự tăng trưởng mạnh trong những năm gần đây, chiếm tỷ trọng cao ngày càng cao trong cơ cấu GDP của cả nước (khoảng 14% GDP trong năm 2016). Ngành du lịch đã thu hút mạnh mẽ các nguồn đầu tư của xã hội để phát triển hệ thống sản phẩm, dịch vụ, cơ sở vật chất kỹ thuật… góp phần thay đổi diện dạo các điểm đến với hệ thống khách sạn, cơ sở dịch vụ hiện đại, chất lượng ngày càng cao. Tính đến nay, tổng số cơ sở lưu trú du lịch cả nước đạt 420.000 phòng, tăng gấp 6 lần so với năm 2001 (năm 2001 cả nước chỉ có 69.000 phòng).
Bà Đỗ Thị Hồng Xoan, Chủ tịch Hiệp hội khách sạn Việt Nam - bổ sung, so với các năm trước đây, loại hình cơ sở lưu trú ngày càng đa dạng, phong phú. Ngoài khách sạn và nhà nghỉ, Việt Nam đã hình thành nhiều loại hình khác như khách sạn nghỉ dưỡng, căn hộ du lịch, biệt thự du lịch… Đáng chú ý, địa bàn đầu tư cơ sở lưu trú tương đối đồng đều giữa ba khu vực Bắc, Trung - Tây Nguyên và Nam, trong đó khu vực miền Bắc chiếm 45% cơ sở lưu trú, khu vực miền Trung - Tây Nguyên chiếm 29% và miền Nam chiếm 25%.
Hiện tại, các khách sạn lưu trú có quy mô lớn được tập trung đầu tư ở các trung tâm du lịch và khu vực ven biển như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hạ Long, Huế, Hội An, Nha Trang… Một số khách sạn chất lượng, quy mô được ra đời thời gian gần đây phải kể tới như VinPearl Golf Land Resort & Villas Nha Trang (1.600 phòng), VinPearl Phú Quốc Resort & Golf (1.062 phòng), JW Marriott Hanoi (450 phòng)…
Mục tiêu của ngành du lịch Việt Nam đến năm 2020 sẽ thu hút từ 17-20 triệu lượt khách du lịch quốc tế, 82 triệu khách du lịch nội địa, đóng góp trên 10% GDP; tổng thu từ khách du lịch đạt 35 tỷ USD, giá trị xuất khẩu thông qua du lịch đạt 20 tỷ USD và tạo ra 4 triệu việc làm. Để đáp ứng mục tiêu đó dự kiến năm 2020 toàn quốc sẽ có 580 phòng và năm 2030 có 900.000 phòng. Điều này cho thấy, thời gian tới hoạt động đầu tư khách sạn sẽ tiếp tục sôi động ở các khu vực trung tâm du lịch, đặc biệt là các khu vực ven biển, tập trung vào khối cao cấp, hạng từ 3 đến 5 sao.
Thông tin tại hội thảo, một số nhà đầu tư cũng khẳng định, trong năm 2017 sẽ mở thêm nhiều khách sạn từ 4-5 sao tại các thành phố du lịch như TP. Hồ Chí Minh, Phan Thiết, Nha Trang, Phú Quốc…
Ông Trần Hùng Việt, Tổng giám đốc Tổng công ty Saigontourist - cho hay, chúng tôi dự kiến sẽ xây dựng thêm một số khách sạn tại TP. Hồ Chí Minh để đáp ứng nhu cầu khách du lịch ngày càng tăng cao. Tuy nhiên, do diện tích đất trống tại khu vực trung tâm là quận 1 và quận 2 còn rất ít nên Saigontourist đang xúc tiến tìm địa điểm phù hợp để xây dựng.
Đồng quan điểm, nhiều đơn vị tư vấn cho biết, tiềm năng đầu tư vào lĩnh vực khách sạn tại Việt Nam còn dư địa rất lớn. Bà Dương Thùy Dung, Trưởng bộ phận Nghiên cứu thị trường và tư vấn phát triển CBRE Việt Nam - cho biết, hiện tại các dự án biệt thự, nghỉ dưỡng và khách sạn ven biển vẫn đang tiếp tục thu hút nhiều nhà đầu tư vì có hiệu quả lợi nhuận. Đơn cử như tại Đà Nẵng, chỉ tính riêng trong năm 2016, địa phương này đã có hơn 5.000 căn hộ khách sạn được chào bán ra thị trường. Do đó, chúng tôi dự báo trong năm 2017 sẽ có nhiều doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực du lịch khách sạn Việt Nam.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, để thu hút được các nhà đầu tư Việt Nam cần cải thiện nhiều hơn về chính sách, hạ tầng và tạo môi trường kinh doanh bình đẳng cho các doanh nghiệp.