Đầu năm “xông đất” khát vọng 2017 của doanh nghiệp niêm yết
Năm 2017, XMC sẽ đẩy mạnh M&A và hợp tác đầu tư
Ông Bùi Khắc Sơn, Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư và xây dựng Xuân Mai (XMC) |
Về cơ bản, XMC đã hoàn thành quá trình tái cấu trúc và đạt kết quả tương đối khả quan trong năm 2016. Do đó, về kế hoạch kinh doanh năm 2017, XMC phấn đấu tăng trưởng tối thiểu 10% so với năm 2016, với doanh thu 2.800 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 60 tỷ đồng.
Cũng trong năm nay, XMC sẽ thực hiện phát hành 10 triệu cổ phiếu, giá trị phát hành tương ứng 100 tỷ đồng, qua đó tăng vốn điều lệ lên xấp xỉ 500 tỷ đồng để đầu tư vào các dự án và bổ sung nguồn vốn lưu động. Về hoạt động đầu tư, XMC sẽ tiếp tục triển khai 1 dự án bất động sản và tận dụng cơ hội thị trường để đẩy mạnh hoạt động M&A hoặc hợp tác đầu tư, một số dự án đáng chú ý như Xuan Mai Sparks Tower (8 tòa) tại cụm HH2 Dương Nội, Hastone Tower tại 150 Thanh Bình (Hà Đông), tòa CTA, CTB, CT 2E chung cư VOV Mễ Trì....
Định hướng chiến lược của XMC là xây dựng Công ty trở thành nhà thầu EPC hàng đầu về công nghệ bê tông dự ứng lực tiền chế căng trước và là nhà đầu tư các dự án bất động sản có uy tín trên thị trường. Đây là 2 trụ cột trong hoạt động kinh doanh của Công ty.
Năm 2017, VCG đặt mục tiêu doanh thu 3.752 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 403 tỷ đồng, cổ tức từ 8-10%
Năm 2017,Công ty mẹ Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam (Vinaconex, VCG) đặt mục tiêu doanh thu 3.752 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 403 tỷ đồng, cổ tức 8%. Trường hợp VCG tái cấu trúc thành công một số đơn vị, cổ tức dự kiến là 10%. Doanh thu từ các công ty thành viên, liên doanh liên kết là 8.407 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 423 tỷ đồng.
Ông Đỗ Trọng Quỳnh, Tổng giám đốc Vinaconex |
Để triển khai thành công kế hoạch này, VCG thực hiện quyết liệt và đồng bộ nhiều giải pháp ngay từ đầu năm. Cụ thể, đối với hoạt động xây lắp, VCG tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý dự án, kiên định mô hình quản lý Tổng công ty – Ban điều hành – Nhà thầu và Công ty – Ban điều hành – Nhà thầu; kiểm soát tốt cơ chế khoán, hạn chế các rủi ro tiềm ẩn khi thực hiện dự án...
Thành lập tổng công ty xây lắp 1 thành viên có vốn điều lệ từ 500 - 1.000 tỷ đồng; hình thành nhà thầu quản lý chuyên nghiệp với chức năng và nhiệm vụ lớn hơn, đáp ứng yêu cầu phát triển của Tổng công ty.
Đối với hoạt động đầu tư, VCG tập trung đẩy mạnh công tác đầu tư tại các dự án, sớm đưa sản phẩm ra thị trường: Dự án 97 Láng Hạ, Dự án 2B Vinata, Dự án 93 Láng Hạ, Dự án 25 Nguyễn Huy Tưởng, đồng thời tiếp tục khẳng định uy tín, thương hiệu Vinaconex.
Tập trung thực hiện các thủ tục đầu tư để sớm triển khai Dự án Bắc An Khánh giai đoạn 2 nhằm gia tăng quỹ đất phát triển bất động sản trong 10 năm tới; nghiên cứu các giải pháp để có thể chủ động triển khai Dự án Công nghệ cao Hòa Lạc; Dự án Khu đô thị Cái Giá - Cát Bà… Tập trung tìm kiếm khai thác, liên doanh - liên kết, hoặc mua lại các dự án nhà ở, dự án hạ tầng cấp nước sạch, hạ tầng giao thông, hạ tầng khu công nghiệp có quy mô vừa và nhỏ.
Phát huy kinh nghiệm, thành công tại các dự án cải tạo chung cư cũ trước đó để tiếp tục được TP. Hà Nội chấp thuận giao làm chủ đầu tư các dự án cải tạo mới trên địa bàn. Tiếp tục hỗ trợ các đơn vị thành viên về thủ tục pháp lý để triển khai các dự án đầu tư do VCG chiếm cổ phần chi phối như Dự án Nước Sông đà giai đoạn 2; Dự án mở rộng Thuỷ điện Ngòi Phát…
Đối với hoạt động đầu tư, VCG sẽ thực hiện thoái vốn theo kế hoạch để xây dựng 2 tổng công ty hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh cốt lõi là xây lắp và đầu tư kinh doanh bất động sản; tiếp tục tăng cường công tác quản trị và giám sát hoạt động sản xuất kinh - doanh tại các đơn vị có vốn đầu tư của VCG, từ đó nâng cao hiệu quả đầu tư và lợi ích của Tổng công ty, đồng thời cảnh báo các rủi ro tiềm ẩn để có giải pháp quyết liệt xử lý tồn tại, hạn chế rủi ro.
Năm nay, CII muốn tăng trưởng bền vững
Ông Lê Quốc Bình, Tổng giám đốc CTCP Đầu tư Hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (CII) |
Năm 2016 là một năm thành công với CII. Vì thế, trong năm 2017 này, cá nhân tôi chỉ mong mọi việc bình yên đến với CII và các thành viên Công ty, đúng kế hoạch và duy trì được như năm 2016. Cụ thể, về hoạt động kinh doanh, CII đặt kỳ vọng vào việc duy trì mức tăng trưởng 25% so với năm 2016. Đối với danh mục dự án, năm 2017, CII phấn đấu triển khai thêm 2 dự án, với quy mô đầu tư mỗi dự án từ 3.000 – 5.000 tỷ đồng.
Tại CII, Ban lãnh đạo Công ty không đặt mục tiêu tăng trưởng bùng nổ, mà chỉ hy vọng luôn đi đúng lộ trình đã được hoạch định. Chúng tôi muốn CII tăng trưởng bền vững, mang lại lợi ích lâu dài cho cổ đông.
Kế hoạch kinh doanh 2017 vẫn dựa trên kịch bản về giá dầu
Trong năm qua, PVS đã quyết liệt, chủ động xây dựng và triển khai hàng loạt giải pháp, huy động mọi nguồn lực, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, thúc đẩy hợp tác, phát triển kinh doanh, liên tục cải tiến, nâng cấp hệ thống, nâng cao năng lực cạnh tranh, đặc biệt là năng lực về kỹ thuật, quản lý… và đạt kết quả khả quan, với lợi nhuận hợp nhất trước thuế đạt 1.140 tỷ đồng.
Ông Phan Thanh Tùng, Tổng giám đốc Tổng CTCP Kỹ thuật dầu khí Việt Nam – PTSC (PVS) |
Năm 2017, PVS xây dựng kế hoạch kinh doanh dựa trên kịch bản về diễn biến giá dầu, nhưng sẽ vẫn tập trung các nguồn lực để đẩy mạnh và phát triển các hoạt động sản xuất - kinh doanh nhằm đạt hiệu quả tăng trưởng cao, quyết tâm thực hiện thành công kế hoạch đề ra, cụ thể là 13.000 tỷ đồng doanh thu và 700 tỷ đồng lợi nhuận hợp nhất trước thuế.
Đồng thời, đảm bảo cung cấp dịch vụ kỹ thuật dầu khí chuyên ngành chất lượng cao, uy tín, đáp ứng yêu cầu các nhà thầu dầu khí, tích cực đẩy mạnh công tác phát triển kinh doanh, tham gia đấu thầu và tìm kiếm ký kết các hợp đồng, nhằm bảo đảm việc làm cho người lao động.
Bên cạnh đó, PVS cũng chú trọng củng cố thị trường trong nước, mở rộng thị trường nước ngoài, xây dựng giải pháp kết nối hệ thống chuyên nghiệp, tăng cường xúc tiến thương mại, thiết lập mối quan hệ hợp tác liên danh liên kết phù hợp với thế mạnh của Tổng công ty.
Năm 2017, ABBANK đặt kế hoạch lên sàn
Năm 2017, bám sát định hướng trở thành ngân hàng TMCP hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực bán lẻ, ABBANK tiếp tục phát huy các thế mạnh về dịch vụ, với mục tiêu gia tăng tỷ trọng doanh thu dịch vụ đạt tốc độ tăng trưởng 62%, hoàn thành kế hoạch tài chính với lợi nhuận tăng trưởng 72%; tiếp tục duy trì định mức tín nhiệm cao của Moody’s; chuyển đổi báo cáo tài chính theo tiêu chuẩn quốc tế IFRS; đưa cổ phiếu ABBANK lên sàn giao dịch chứng khoán, tối ưu hóa lợi ích của cổ đông, khách hàng và cán bộ nhân viên ABBANK.
Ông Cù Anh Tuấn, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP An Bình (ABBANK) |
Năm 2016 là năm thành công của ABBANK. Tính đến hết tháng 12/2016, vốn điều lệ Ngân hàng đạt trên 5.319 tỷ đồng, tăng 10,8% so với cuối năm 2015; tổng tài sản đạt 74.517 tỷ đồng, tăng hơn 15%; huy động đạt 52.224 tỷ đồng, tăng trên 9%; cho vay đạt 40.141 tỷ đồng, tăng gần 30%; chất lượng tín dụng được kiểm soát chặt chẽ, tỷ lệ nợ xấu/tổng dư nợ dưới 3%.
Với mục tiêu tăng trưởng mạnh mẽ về dịch vụ, năm 2016 cũng là năm ABBANK thành công về chỉ tiêu thu nhập thuần từ dịch vụ với 123 tỷ đồng, tăng gần 82% so với năm 2015; lợi nhuận trước thuế đạt trên 288 tỷ đồng, tăng gần 168%.
Nhiều dự án nhằm tăng cường năng lực phát triển bền vững đang được ABBANK thực hiện, chẳng hạn, phối hợp với Deloitte triển khai dự án “Đánh giá khoảng cách và xây dựng kế hoạch triển khai tổng thể theo Basel II” nhằm tăng cường năng lực quản trị rủi ro, nâng cao khả năng cạnh tranh từ đó hỗ trợ tăng cường năng lực tài chính của Ngân hàng trước bối cảnh hội nhập và phù hợp với yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước…