Năm 2024: Ngành du lịch đặt mục tiêu đón 17-18 triệu lượt khách quốc tế Tháng 1/2024, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam tăng cao |
Sẵn sàng đón khách dịp Tết cổ truyền
Theo dữ liệu từ nền tảng du lịch trực tuyến Agoda cho thấy, Việt Nam nằm trong 5 điểm đến khách quốc tế yêu thích nhất trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn. Trong các thị trường, khách quốc tế chính là Hàn Quốc, Singapore, Trung Quốc, Hồng Kông (Trung Quốc) và Nhật Bản. Dữ liệu của các công ty du lịch lớn tại Hàn Quốc như HanaTour, Very Good Travel và Kyowon Tour Travel Easy cũng đã thống kê, lượng khách du lịch tại xứ sở kim chi đăng ký tour du lịch dịp Tết âm lịch tăng khoảng 50% so với cùng kỳ.
Khách du lịch quốc tế dự báo đến Việt Nam sẽ nhộn nhịp dịp Tết Nguyên đán. Ảnh: VGP |
Ngày 2/2/2024, tàu du lịch 5 sao Costa Serena đã đưa hơn 1.100 khách quốc tế đến thăm quan thành phố Phú Quốc tại tỉnh Kiên Giang. Sau khi làm các thủ tục nhập cảnh đến khoảng 9 giờ, những du khách đầu tiên đã bước chân lên đảo xông đất Phú Quốc đầu năm Giáp Thìn 2024. Ngày 9/2, Phú Quốc sẽ tiếp tục đón thêm tàu Aida Bella đưa khoảng 2.100 khách quốc tế.
Còn tại Đà Nẵng, thông tin từ Sở Du lịch Đà Nẵng cho biết, đơn vị này sẽ chủ trì, phối hợp cùng các tổ chức chào mừng chuyến bay quốc tế và nội địa đầu tiên đến "xông đất". Dự kiến chuyến bay quốc tế đầu tiên từ Đôn Mường (Thái Lan), hạ cánh lúc 6h45 ngày 10/2 (mùng 1 Tết) do Vietnam Airlines khai thác; chuyến bay nội địa đầu tiên từ Hà Nội, hạ cánh lúc 7h15 ngày 10/2 (mùng 1 Tết) do Vietnam Airlines khai thác. Ngoài ra, trong dịp Tết Nguyên đán này cũng có 3 chuyến tàu biển cập cảng Tiên Sa (vào các ngày 7, 9 và 14/2, đều có lưu trú 1 đêm tại cảng) với tổng 3.400 khách mang quốc tịch Trung Quốc đến tham quan các điểm đến nổi tiếng của Đà Nẵng…
Nhận định Tết cổ truyền là cơ hội tối ưu để quảng bá văn hóa Việt tới bạn bè trong nước và quốc tế, các địa phương đã lên kế hoạch và phương án để phục vụ du khách một cách tốt nhất.
Trong đó, Sở Du lịch Đà Nẵng dự kiến lượng khách tham quan, du lịch Đà Nẵng trong dịp Tết Nguyên đán 2024 đạt 362.000 lượt, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, khách quốc tế ước đạt 172.000 lượt, khách nội địa ước đạt 190.000 lượt. Vì vậy, để thu hút du khách trong và ngoài nước dịp Tết Giáp Thìn, Đà Nẵng sẽ tổ chức nhiều hoạt động, sự kiện hấp dẫn tại các địa điểm công cộng để phục vụ người dân và du khách.
Phản ánh từ các doanh nghiệp lữ hành, ông Nguyễn Ngọc Tấn, Tổng giám đốc Saco Travel cho biết, hiện tại, các hãng lữ hành đã nhận được nhiều tín hiệu tích cực từ các thị trường nước ngoài sẽ có khách đến Việt Nam, trong đó nổi lên là Ấn Độ - thị trường mới mà chúng ta đang hướng tới.
Ngoài ra, theo đại diện Saco Travel, cùng với các thị trường truyền thống như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Thái Lan, các thị trường như châu Úc, Mỹ đều có dấu hiệu phục hồi với khả năng có thể bắt kịp giai đoạn cao điểm năm 2019. "Các doanh nghiệp du lịch kỳ vọng, với sự sôi động của thị trường du lịch Tết âm lịch, chúng ta sẽ tăng trưởng trở lại, bằng hoặc vượt so với năm 2019 để tạo đà cho những năm tiếp theo"- ông Tấn chia sẻ.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Công Hoan - Tổng Giám đốc Flamingo Redtours cho rằng, khách quốc tế đến Việt Nam có thời gian lưu trú và chi tiêu hạn chế hơn so với trước dịch, đặc biệt xu hướng chọn du lịch tự túc ngày càng nhiều. Trong khi các cơ sở cung ứng dịch vụ còn gặp nhiều khó khăn, tốc độ hồi phục tốt nhưng chất lượng chưa ổn định. Vì thế, doanh nghiệp phải chuẩn bị những sản phẩm mới, linh hoạt, liên tục đưa ra yếu tố mới lạ, khác biệt, hấp dẫn riêng cho từng hành trình.
Kỳ vọng một năm khởi sắc
Ngay từ đầu tháng 1/2024, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt trên 1,5 triệu lượt, tăng 10,3% so với tháng trước và tăng 73,6% so với cùng kỳ năm 2023. Đây là lượng khách cao nhất kể từ khi Việt Nam mở cửa trở lại du lịch từ tháng 3/2022, tương đương với tháng 1/2019 - thời điểm trước dịch Covid-19. Khách nội địa tháng 1/2024 đạt 7,5 triệu lượt khách trong đó có khoảng 5 triệu lượt khách có lưu trú. Tổng thu từ khách du lịch tháng 1/2024 ước đạt 64,8 nghìn tỷ đồng.
Về quy mô thị trường, Hàn Quốc tiếp tục là thị trường gửi khách lớn nhất trong tháng 1/2024 với 418 nghìn lượt (chiếm 27,6%). Trung Quốc xếp ở vị trí thứ 2, đạt 242 nghìn lượt, Đài Loan (Trung Quốc) đứng thứ 3 với 84 nghìn lượt, Mỹ ở vị trí thứ 4 với 76 nghìn lượt. Ở các vị trí tiếp theo, thị trường Úc vươn lên thứ 5 với 62 nghìn lượt, Nhật Bản xếp thứ 6 (61 nghìn lượt), Malaysia xếp thứ 7 (49 nghìn lượt), Ấn Độ vươn lên vị trí thứ 8 (46 nghìn lượt), Thái Lan xếp thứ 9 (41 nghìn lượt) và Campuchia ở vị trí thứ 10 (37 nghìn lượt).
Đón tin vui ngày từ đầu năm, ngành du lịch Việt Nam đang hết sức kỳ vọng trong năm 2024 sẽ cán mốc mục tiêu đón 17-18 triệu lượt khách quốc tế; phục vụ 110 triệu lượt khách du lịch nội địa; tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 840 nghìn tỷ đồng theo như kế hoạch đề ra.
Vì vậy, để tiếp tục đưa ngành du lịch Việt Nam bứt phá trong năm 2024, cùng với các chính sách, giải pháp từ Chính phủ, ngành du lịch, cũng như sự quyết tâm xây dựng điểm đến hấp dẫn của các địa phương, cần hơn nữa sự nỗ lực, chung tay của cộng đồng doanh nghiệp.
Chia sẻ về điều này, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam - ông Vũ Thế Bình kỳ vọng, du lịch Việt Nam sẽ bứt phá trong năm 2024. "Chúng tôi tiếp tục kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp du lịch nỗ lực, phấn đấu hướng tới mục tiêu phục hồi hoàn toàn hoạt động du lịch trên tất cả các tiêu chí đã đạt được vào năm 2019. Các doanh nghiệp du lịch quyết tâm thu hút và phục vụ trên 20 triệu khách quốc tế đến Việt Nam, đưa Việt Nam trở thành một quốc gia có du lịch phát triển cao trong khu vực"- ông Bình nhấn mạnh.
Theo dự báo của Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) và Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới (WTTC), hoạt động du lịch quốc tế có thể phục hồi hoàn toàn vào cuối năm 2024, ngang bằng với mức đã đạt được của năm 2019. Song mức độ phục hồi không đồng đều ở các khu vực. Nhu cầu của khách du lịch quốc tế liên tục thay đổi, đòi hỏi ngày càng cao về chất lượng sản phẩm, sự trải nghiệm, tính đa dạng, độc đáo.
Mặt khác, xu hướng ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo và chuyển đổi số sẽ thúc đẩy hình thành các cách thức du lịch mới; quá trình khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong hoạt động du lịch sẽ ngày một rõ nét. Vì vậy, theo các chuyên gia du lịch, ngành du lịch Việt Nam cần có những giải pháp thích ứng với các thay đổi của thị trường, đổi mới và nâng cao chất lượng dịch vụ, khẳng định được thương hiệu là điểm đến hấp dẫn, an toàn trong khu vực và quốc tế.
Dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn, Cục Du lịch quốc gia Việt Nam yêu cầu, tổ chức các sự kiện văn hoá, nghệ thuật, lễ hội gắn với thúc đẩy, thu hút khách du lịch, góp phần quảng bá hình ảnh du lịch Việt Nam, đảm bảo phù hợp với nếp sống văn minh, phong tục, tập quán, truyền thống văn hoá tốt đẹp của dân tộc. |