Đáp ứng được tiêu chuẩn Anh, hàng hóa Việt Nam sẽ dễ dàng được chấp nhận tại nhiều thị trường
Tháng 7/2023, tại Auckland, New Zealand, Bộ trưởng Kinh doanh và Thương mại Anh Kemi Badenoch đã chính thức ký thỏa thuận gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Sự kiện này tiếp tục mở ra cơ hội để hàng hóa Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Vương quốc Anh sau khi Việt Nam – Vương quốc Anh có Hiệp định UKVFTA. Tuy nhiên, để khai thác cơ hội này, hàng hóa Việt Nam phải đáp ứng được bộ tiêu chuẩn đầy khắt khe của thị trường. Ông Nguyễn Cảnh Cường – nguyên Tham tán thương mại – Thương vụ Việt Nam tại Vương quốc Anh đã có cuộc trao đổi về vấn đề này với Báo Công Thương.
Hàng hóa Việt Nam cần đáp ứng tiêu chuẩn Anh để nắm bắt cơ hội tiếp cận thị trường. (Ảnh: TTXVN) |
Cùng với Hiệp định thương mại tự do song phương, ông chia sẻ gì về cơ hội xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang Vương quốc Anh khi quốc gia này gia nhập Hiệp định CPTPP?
Việc gia nhập Hiệp định CPTPP có thể coi là một những trong thành công nổi bật của Bộ trưởng Kinh doanh và Thương mại Vương quốc Anh; thể hiện nỗ lực thúc đẩy quá trình tìm kiếm thị trường mới; những thị trường đang nổi lên cho nhiều sản phẩm của quốc gia này cũng như xu hướng tự do hóa thương mại của Chính phủ Anh.
Trước khi gia nhập CPTPP, như chúng ta thấy, Vương quốc Anh cũng có Hiệp định thương mại tự do (FTA) với một số đối tác thương mại chủ chốt, trong đó có Việt Nam. Đối với Việt Nam, Hiệp định thương mại tự do song phương như UKVFA cũng đã tạo điều kiện thuận lợi cho sản phẩm hai bên tiếp cận thị trường lẫn nhau so với các đối tác khác.
Tuy nhiên, trong những Hiệp định thương mại tự do song phương vẫn có những hạn chế nhất định về hạn ngạch thuế quan đối với một số nông phẩm như: Gạo, cá ngừ, mật ong, chả cá. Hạn ngạch này cũng khiến cho việc xuất khẩu một số sản phẩm của Việt Nam sang Vương quốc Anh không được nhiều. Nhưng khi gia nhập CPTPP, Anh cam kết bổ sung thêm những hạn ngạch thuế quan trong đó có nhóm sản phẩm như tôi đã nêu.
Như vậy, việc Vương quốc Anh gia nhập CPTPP là điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp Việt Nam tăng cường xuất khẩu sang thị trường theo chế độ miễn thuế nhiều hơn là Hiệp định UKVFTA. Tuy nhiên, để biến cơ hội thành những hợp đồng, thành lợi nhuận, doanh nghiệp phải chủ động tiếp cận thị trường, đẩy mạnh các chiến dịch marketing, quảng bá sản phẩm, thuyết phục được các doanh nghiệp, nhà phân phối Anh mua hàng Việt Nam thay vì mua hàng từ nguồn cung cấp khác.
Ông Nguyễn Cảnh Cường – nguyên Tham tán thương mại – Thương vụ Việt Nam tại Vương quốc Anh |
Thực tế, bên cạnh các cơ hội đang mở ra, Vương quốc Anh vốn là thị trường có bộ tiêu chuẩn khắt khe đối với hàng hóa nhập khẩu hàng đầu thế giới, điều này sẽ là thách thức lớn đối với doanh nghiệp Việt Nam, thưa ông?
Từ trước khi Vương quốc Anh rời EU chúng ta đều thấy rằng, tiêu chuẩn sản phẩm của EU cũng đã khắt khe bậc nhất thế giới rồi. Nhưng tôi cho rằng, đây đã là câu chuyện cũ. Bởi, trong 20 năm qua, rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã vươn lên và đạt tiêu chuẩn sản phẩm của EU. Bằng chứng là xuất khẩu hàng hóa sang EU của chúng ta ngày càng tăng trưởng mạnh mẽ. Mặt khác, trước khi Vương quốc Anh rời EU thì sản phẩm của Việt Nam cũng đã vào thì trường này.
Bên cạnh đó, nhiều tiêu chuẩn EU cũng xuất xứ từ tiêu chuẩn Anh. Và cho đến nay, tiêu chuẩn Anh có thể nói là bộ tiêu chuẩn sớm nhất, lâu đời nhất thế giới và là nền tảng cho nhiều bộ tiêu chuẩn khác, trong đó có bộ tiêu chuẩn của EU. Khi rời EU, Anh không muốn sử dụng bộ tiêu chuẩn của EU, nhưng đây chỉ là mang tính pháp lý còn về mặt kỹ thuật, tiêu chuẩn EU và Anh cơ bản như nhau. Các sản phẩm của Việt Nam khi đã đạt tiêu chuẩn của EU đồng nghĩa sẽ đạt tiêu chuẩn của Anh.
Do bộ tiêu chuẩn của Anh là nền tảng, là cơ sở cho nhiều bộ tiêu chuẩn sản phẩm các nước khác trên thế giới. Vì thế, nếu doanh nghiệp Việt Nam có sản phẩm đáp ứng được bộ tiêu chuẩn Anh đồng nghĩa sẽ đáp ứng được hầu hết các bộ tiêu chuẩn khác trên thế giời. Từ đó sẽ tạo được hiệu ứng tâm lý, cũng như gây dựng được niềm tin cho các nhà phân phối cũng như người tiêu dùng Anh đối với sản phẩm Việt Nam. Đặc biệt, sản phẩm của Việt Nam sẽ được chấp nhận tại các thị trường của thế giới.
Tuy nhiên, về mặt nhãn mác, Vương quốc Anh vẫn muốn có một nhãn mác riêng, như EU có nhãn mác an toàn cho người sử dụng (CE). Bây giờ, quốc gia này đã có quyết định dùng nhãn mãn UKCA. UKCA về mặt kỹ thuật là tương đương CE, tuy nhiên vì không còn là thành viên EU nên Anh sử dụng nhãn UKCA.
Để tạo điều kiện cho doanh nghiệp và không muốn gây khó khăn giấy tờ, thủ tục hành chính, Anh vẫn chấp nhận nhãn mác CE cho các sản phẩm công nghiệp, kể cả sản phẩm xuất khẩu vào Anh. Song, do yêu cầu luật định, công ty nhập khẩu nên các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam cũng như các quốc gia khác cũng phải chấp nhận dán nhãn UKCA thay cho CE, kể từ ngày 1/1/2023. Điều này có thể phát sinh chi phí cho nhà sản xuất, nhưng không đáng kể.
Vậy, ông có khuyến nghị gì để doanh nghiệp từng bước đáp ứng được tiêu chuẩn của thị trường Vương quốc Anh?
Thời gian qua, sản phẩm Việt Nam xuất khẩu đã có mặt tại nhiều thị trường thế giới, nhiều doanh nghiệp đáp ứng rất tốt các tiêu chuẩn, đòi hỏi của thị trường. Tuy nhiên, có thể một số doanh nghiệp xuất khẩu sang các nước châu Á, châu Phi nên chưa nghiên cứu nhiều về tiêu chuẩn Anh.
Theo đó, để tận dụng cơ hội mới từ Hiệp định UKVFTA cũng như việc Vương quốc Anh gia nhập Hiệp định CPTPP doanh nghiệp phải nâng tầm sản phẩm theo tiêu chuẩn Anh thông qua việc đầu tư cải thiện chất lượng sản phẩm, sản xuất theo hướng xanh, bền vững.
Đối với doanh nghiệp từng xuất khẩu sang Anh rồi thì không phải là quá khó chỉ có điều biết cách để đạt được các chứng nhận của các cơ quan thẩm quyền của Anh trước khi xuất khẩu sang Anh. Đây là những yêu cầu đầu tiên để quảng bá sản phẩm của mình.
Một trong các cách thức để có được chứng nhận tiêu chuẩn của Anh là có thể liên hệ Văn phòng đại diện của Viện Tiêu chuẩn Anh tại Việt Nam (BSI), các chuyên gia sẽ hướng dẫn cho doanh nghiệp các quy trình thủ tục để xin các chứng chỉ công nhận của các Bộ tiêu chuẩn. Phương thức này nhanh và tương đối dễ vì có cả chuyên gia người Việt. Tuy nhiên, chi phí hơi cao so với nguồn lực của doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Ngoài ra, doanh nghiệp có thể liên hệ Thương vụ Việt Nam tại Vương quốc Anh giúp liên hệ trực tiếp với Viện Tiêu chuẩn Anh tại London để xin cấp Giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn Anh. Cách này chi phí thấp hơn so với giải pháp trên, nhưng có thể gây quá tải với Thương vụ do nhân lực có hạn.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp có thể thông qua Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam tại Anh - tổ chức này hiện có chuyên gia về pháp lý, thị trường vừa là người Việt Nam vừa là người Anh rất nhiệt huyết trong việc giúp sản phẩm, doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận thị trường Anh. Chi phí chi trả cho Hiệp hội không quá lớn so với công ty tư vấn của người Anh áp dụng với nhiều doanh nghiệp khác. Doanh nghiệp có thể đề nghị Thương vụ Việt Nam tại Vương quốc Anh kết nối giới thiệu tới Hiệp hội này.
Xin cảm ơn ông!