Đắk Nông: Sản xuất công nghiệp và thương mại có nhiều khởi sắc
Chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 3,97% so với cùng kỳ năm 2023
Theo báo cáo mới nhất của Sở Công Thương tỉnh /chu-de/tinh-dak-nong.topic, Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 5/2024 toàn tỉnh ước tăng 0,46% so với tháng 4/2024 và tăng 4,81% so với tháng cùng kỳ năm 2023. Luỹ kế 5 tháng đầu năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 3,97% so với cùng kỳ năm 2023.
Tháng 5/2024, hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh tương đối ổn định so với tháng trước. Theo đó, các doanh nghiệp sản xuất, chế biến cà phê có đơn hàng dồi dào, sản lượng tăng cao. Sản lượng cà phê bột ước đạt 155 tấn, tăng 2%; cà phê nhân ước đạt 21 nghìn tấn, tăng 8,5%.
Cà phê là sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Đắk Nông (Ảnh: TTXVN) |
Doanh nghiệp điều cũng đang duy trì sản xuất ổn định với sản lượng tăng 1% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, thời gian qua, một số nhà máy chế biến mủ cao su tiếp tục ngừng sản xuất do không có nguyên liệu vì cây cao su đến mùa lá rụng); nhà máy chế biến ván ép, đậu phộng, đậu nành sấy, tinh bột sắn thiếu nguyên liệu để sản xuất. Đây là yếu tố ảnh hưởng đến sản xuất công nghiệp địa phương.
Hiện trên địa bàn tỉnh có 02 cụm công nghiệp đã được thành lập (Thuận An và BMC với tổng diện tích là 89,61 ha); 04 cụm công nghiệp được phê duyệt quy hoạch chi tiết với tổng diện tích là 149,61 ha (Krông Nô với diện tích 25 ha; Quảng Tâm với diện tích 35 ha; Thuận An với diện tích 52,2 ha và BMC với diện tích 37,41 ha.
Mới đây, đoàn công tác của Cục Công Thương địa phương - Bộ Công Thương vừa có buổi làm việc với Sở Công Thương Đắk Nông về tình hình quản lý cụm công nghiệp và tình hình thực hiện đề án khuyến công quốc gia trên địa bàn tỉnh Đắk Nông.
Theo đánh giá của Cục Công Thương địa phương, hiện việc tổ chức triển khai thực hiện công tác quản lý nhà nước về cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã từng bước đi vào nề nếp, có sự phân công rõ ràng trách nhiệm giữa các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố; công tác quản lý, đầu tư phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh được thực hiện nghiêm túc, đảm bảo theo trình tự, quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, công tác khuyến công đã kịp thời khuyến khích, hỗ trợ các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn đầu tư đổi mới máy móc thiết bị, ứng dụng công nghệ mới, công nghệ tiên tiến vào trong sản xuất, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh, khẳng định được thương hiệu, chất lượng sản phẩm trên thị trường; tăng doanh thu, lợi nhuận, đóng góp cho ngân sách nhà nước, giải quyết việc làm cho người lao động... Mặt khác, thông qua hoạt động khuyến công, các cơ sở công nghiệp nông thôn đã xác định được hướng đầu tư đúng đắn, có hiệu quả, phát triển bền vững; góp phần thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, thúc đẩy phát triển sản xuất công nghiệp ở nông thôn…
Để nâng cao hiệu quả quản lý cụm công nghiệp và công tác khuyến công trên địa bàn tỉnh, Đoàn công tác của Cục Công Thương địa phương đã lắng nghe các đề xuất, kiến nghị của đại diện lãnh đạo, các phòng ban chuyên môn thuộc Sở Công Thương và có ý kiến giải đáp các thắc mắc trong quá trình triển khai thực tế tại địa phương.
Thị trường nội địa và xuất nhập khẩu có nhiều dấu hiệu khởi sắc
Báo cáo của Sở Công Thương cũng chỉ rõ, đối với hoạt động kinh doanh thương mại nội địa, trong tháng 5/2024, tình hình thị trường cung cầu, giá cả hàng hóa trên địa bàn tỉnh duy trì ổn định. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 5/2024 ước đạt 2.134 tỷ đồng, tăng 1,7% so với tháng 4/2024 và tăng 1,5% so với tháng cùng kỳ năm 2023. Luỹ kế 5 tháng đầu năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 10528,3 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ năm 2023.
Về xuất nhập khẩu, kim ngạch xuất khẩu trong tháng 5/2024 ước đạt 92 triệu USD, tăng 3,7% so với tháng trước và tăng 21,1% so với cùng kỳ năm trước. Luỹ kế 5 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 405,9 triệu USD, giảm 4,1% so với cùng kỳ năm 2023. Sản phẩm xuất khẩu chủ lực của địa phương là cà phê, điều, gỗ và sản phẩm từ gỗ...
Kim ngạch nhập khẩu trong tháng 5/2024 ước đạt 30,3 triệu USD, tăng 10,2% so với tháng trước và tăng 63,8% so với cùng kỳ năm trước. Luỹ kế 5 tháng đầu năm 2024, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 128 triệu USD, tăng 67,5% so với cùng kỳ năm 2023.
Hiện nay, cà phê là một trong những sản phẩm xuất khẩu hàng đầu của Đắk Nông. Trên địa bàn tỉnh có nhiều doanh nghiệp, cơ sở sơ chế, chế biến cà phê với lượng xuất khẩu lên đến trên 99,9%. Các thị trường chủ yếu của cà phê Đắk Nông như: Singapore, Mỹ, Đức, Nhật Bản, Australia, Tây Ban Nha, Hàn Quốc, Italia…
Trong đó, Singapore là thị trường nhập khẩu cà phê lớn nhất của Đắk Nông, với kim ngạch trên 60% tổng giá trị xuất khẩu cà phê của tỉnh.
Tỉnh Đắk Nông đang định hướng sản xuất, chế biến và xuất khẩu cà phê chất lượng cao Toàn tỉnh có gần 23.500ha cà phê đạt các tiêu chuẩn 4C, RA, VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ... với sản lượng trên 82.000 tấn/năm.
Một số HTX và người dân đã chủ động sản xuất cà phê theo hướng đặc sản, chất lượng cao với khoảng 225ha, sản lượng cà phê nhân đặc sản đạt 251 tấn/năm.
Để đẩy mạnh phát triển thương mại, trong thời gian tới, Sở Công Thương Đắk Nông sẽ triển khai thực hiện: Kế hoạch thực hiện chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Đắk Nông; Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam giai đoạn 2021-2025… Đồng thời tổ chức cho doanh nghiệp tham gia các sự kiện xúc tiến thương mại trong và ngoài nước.